Làm sáng tỏ nhận định: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (trích Tiếng nói của văn nghệ – Nguyễn Đình Thi)

lam-sang-to-nhan-dinh-tac-pham-nghe-thuat-nao-cung-xay-dung-bang-vat-lieu-muon-o-thuc-tai-nhung-nghe-si-khong-nhung-ghi-lai-cai-da-co-roi-ma-con-muon-noi-mot-dieu-gi-moi-me-trich

Làm sáng tỏ nhận định: “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”. (trích “Tiếng nói của văn nghệ” của Nguyễn Đình Thi)


– Vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật:“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”.

1. Giải thích nhận định:

“Tác phẩm”: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo ngôn từ của người nghệ sĩ.

“Nghệ sĩ”: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

“Vật liệu mượn ở thực tại”: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm, vai trò của hiện thực cuộc sống trong việc làm chất liệu làm nên một tác phẩm.

“Ghi lại cái đã có rồi”: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.

“Nhà văn không chỉ muốn ghi lại những cái đã có rồi mà cón muốn nói một điều gì mới mẻ”: Yêu cầu tất yếu của văn học về sự sáng tạo, về cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Sự sáng tạo trong quá trình sáng tác, không chỉ là yêu cầu cơ bản, mà còn là khao khát, nỗ lực của nhà văn, làm nên vị trí của nhà văn trong văn đàn, và trên tất cả, chính là sự thăng hoa của anh ta trong nghệ thuật, là niềm say mê vô tận khi khám phá ra những giá trị mới, những tư tưởng mới, những tình cảm mới, những vẻ đẹp mới.

– Cặp quan hệ từ: “không những….mà còn….”: chỉ quan hệ bổ sung.

* Ý nghĩa: Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Tác phẩm không thể hình thành nếu thiếu đi hiện thực, nếu thiếu đi nguồn vật liệu cấu thành lên nó, nhưng đồng thời, để tồn tại, để khẳng định giá trị, để sống mại với thời gian, nhất thiết tác phẩm văn học phải chưa đựng sự sáng tạo, phải có những điều “mới mẻ”. Vật liệu hiện thực và sự mới mẻ mà nhà văn khám phá chính là hai mặt của một đồng xu, có mối quan hệ  biện chứng, tác động lẫn nhau, làm nên sự hình thành và tồn tại của một tác phẩm văn học chân chính.

2. Bàn luận vấn đề:

– Tại sao “Tác phẩm nghệ thuật luôn được xây dựng từ những vật liệu mượn ở thực tại”?

+ Đối tượng phản ánh của văn nghệ chính là hiện thực cuộc sống. “Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn chương”. Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật. Thực chất tác phẩm văn học chính là hiện thực cuộc sống được phản ánh qua lăng kính của nhà văn, nếu tư tưởng, tình cảm mà nhà văn gửi gắm từ hiện thực anh ta khai thác chỉnh là đỉnh cao của tác phẩm, chính là phần làm nên giá trị, sức hút của tác phẩm, thì vật liệu hiện thực chính là cái rễ bền chắc giữ cho phần thăng hóa ấy luôn ổn định, vững vàng. Có thể nói, tác phẩm nghệ thuật bắt rễ từ cuộc sống và đơm hoa nơi tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ.

+ Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc. Chất liệu làm nên hình hài sắc vóc cho tác phẩm văn học chính là ngôn từ nghệ thuật. Mà ngôn từ bắt nguồn từ cuộc sống. “Ở đâu có lao động, ở đó có sáng tạo ngôn ngữ”. Chính từ những hoạt động sống hằng ngày, từng lao động, từ sinh hoạt mà ngôn ngữ ra đời.

+ Ngôn ngữ tồn tại khách quan, không một cá nhân nào có thể tùy tiện thay đổi, làm biến dạng, nó như một thứ khế ước mà mọi thành viên trong cộng đồng đều phải học cách sử dụng. Ngôn ngữ chính là những vỉa quặng mà từ đó nhà văn, bằng tài năng nghệ thuật và cảm nhận tinh tế, tôi luyện thành ngôn từ nghệ thuật của mình, là những gì tinh tế nhất, hàm súc nhất, biểu cảm nhất, để có thể truyền tải trọn vẹn tư tưởng, tình cảm mà anh ta đang ấp ủ. Quá trình đó rất gian khổ, nhưng thành quả cũng thật cao quý. “Phải tốn hằng tấn quặng ngôn từ/Chỉ thu về một chữ mà thôi/ Những chữ ấy làm cho rung động/Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”. Như vậy có thể nói, một vật liệu không thể thiếu để làm nên tác phẩm nghệ thuật mà nhà văn mượn từ thực tại, chính là ngôn ngữ.

+ Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí. Nhưng“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi” (V.Hugo)

+ Để hoàn thành sứ mạng cao của của mình, văn học không thể không quan tâm đến thực tại. Thật vậy, văn học có chức năng cao cả là “Trở thành thứ vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo vừa thay đổi thế giới xấu xa, giả dối, vừa làm tâm hồn người đọc trong sạch hơn, phong phú hơn” (Thạch Lam). Theo quy luật của sự sáng tạo, một tác phẩm văn học không kết thúc trên trang giấy, mà nó trỗi dậy, hòa mình vào cuộc sống, tác động vào tư tưởng tình cảm của con người để góp phần cải tạo cuộc sống, làm cuộc sống tốt đẹp hơn, trong sạch hơn. Chính vì vậy, văn học không thể không chú tâm đến cuộc sống, nhà văn không thể khước từ việc tìm kiếm những vật liệu mượn từ cuộc sống.

+ Vật liệu ở đây chính là hiện thực rộng lớn ngoài kia, mênh mông bao la như biển lớn với những cơn sóng ngầm dữ dội, với những mâu thuẫn gay gắt của thời đại, với những nỗi đau, những số phận, những tâm tư nguyện vọng, những ước mơ khát khao. Trước biển lớn hiện thực ấy, mỗi nhà văn cần trải rộng tâm hồn mình để đón nhận những vang vọng của cuộc đời, vắt kiệt trái tim của mình để hòa điệu cùng những đau thương trong cuộc sống, để cuộc sống ùa vào trái tim, tràn ra nơi đầu ngọn bút. Nhà văn là người bạn, nhà văn là người thấu hiểu, “Nhà văn là người cho máu”. Chỉ tác phẩm được xây dựng nên bằng máu nóng da diết yêu thương hướng đến cuộc đời, bằng những giọt nước mắt sáng trong sâu đậm niềm yêu người, yêu đời tha thiết mới là những tác phẩm chân chính, mới có thể “vượt qua mọi bờ cõi và giới hạn, trở thành tác phẩm chung cho loài người”, mới có thể “vượt qua sự băng hoại của thời gian”, để phủ nhận cái chết.

– Vì sao “nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ”?

+ Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật. “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo những kiểu mẫu đưa cho, văn chương cần những người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi, tìm ra những gì chưa có” (Nam Cao). “Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi (…) không có gì đáng bỉ cho một nhà văn hơn là tự dối mình”. Sự sáng tạo là yếu tố sống còn của một nhà văn đối với nghệ thuật. Bởi lẽ, tác phẩm nghệ thuật không phải là bản photocopy vô hồn của cuộc sống, bởi lẽ, tác phẩm nghệ thuật chính là thế giới khách quan được nhìn qua lăng kính của nhà văn, nên tác phẩm nghệ thuật sẽ không bao giờ thành hình nếu thiếu đi dấu ấn cá nhân của nhà văn in đậm trong nó.

+ Nói cách khác, nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Nếu thiếu đi sự sáng tạo, nếu nhà văn không có dấu vân tay nghệ thuật riêng, tác phẩm nghệ thuật sẽ chết và tuột trôi vào quên lãng, cùng với dòng chảy của những thứ nhợt nhạt giống nhau khác, và nhà văn, khi anh ta không thể kiến tạo giá trị mới, khi anh ta chỉ loay hoay trong lối mòn, lặp lại chính mình và lặp lại người khác

+ Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.

+ Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy – những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.

+ Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

+ Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.

+ Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời, đồng thời muốn nói một điều gì mới mẻ. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.

+ “Người tạo nên tác phẩm là tác giả, nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả” (M.Gorki). Người đọc sẽ không bao giờ tiếp nhận những gì đã quen nhàm, cũ kĩ. Độc giả tìm đến tác phẩm trước hết để tìm thấy những điều mới lạ, để làm giàu thêm cho tâm hồn, để làm giàu thêm vốn sống, kinh nghiệm sống, để hiểu mình, hiểu đời nhiều hơn, để bản thân có được những phút giây rung cảm chọn vẹn giữa cái đẹp. Nếu thiếu đi sự sáng tạo, những gì nhà văn ghi lại chỉ là ghi chép y nguyên cuộc sống, thứ cuộc sống diễn ra mỗi ngày xung quanh họ, thứ cuộc sống mà họ dường như những áp lực bủa vây đã khiến họ thấy quen nhàm, thậm chí mệt mỏi, thì thử hỏi, người đọc có tiếp nhận tác phẩm hay không? Tác phẩm chỉ tồn tại, khi chiếm được một vị trí trong tim độc giả, và yếu tố sáng tạo, chính là điều kiện tiên quyết cho sức sống ấy, đồng thời, cũng chính đòi hỏi khắt khe này đã tạo ra sự đào thảo khắc nghiệt của thế giới văn chương.

3. Chứng minh:

a. Truyện ngắn “Cô bé bán diêm” của Andecxen.

– Chất liệu mượn từ thực tại đời sống:

+ Vật liệu của thực tại và sự sáng tạo của nhà văn chính là hai yếu tố không thể tách rời, tác động qua lại lẫn nhau làm nên sự sống của tác phẩm. Từ những vật liệu của thực tại, ta sẽ bắt gặp sự sáng tạo, cái mới mẻ của nhà văn. Đồng thời, sự mới mẻ, sáng tạo của nhà văn sẽ làm cho vật liệu mượn ở thực tại trở nên sâu sắc hơn, đẹp hơn, gợi cảm hơn.

+ Câu chuyện về cô bé bán diêm không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng mà là một câu chuyện có thật trong cuộc đời tác giả. Andecxen có một người bạn tên là Jonh ở một thị trấn nọ. Năm nào, vào mùa đông, ông cũng đến thăm Jonh. Lần ấy, khi vừa tới thị trấn, nhìn thấy cảnh tuyết phủ trắng dòng sông, Andecxen đứng trên cầu lặng lẽ ngắm nhìn. Bỗng, ông thấy tà áo giật giạt, nhìn xuống thấy một cô bé ăn mặc rách rưới, chìa giỏ đựng đầy diêm, ánh mắt cầu khẩn. Andecxen vội vã lục lọi hết các túi áo nhưng không tìm thấy một đồng nào. Ông cúi xuống nói với cô bé rằng ông không có tiền và nắm tới khi ông tới đây, ông nhất định mua diêm và tặng cho cô bé một món quà.

+ Năm sau, Andecxen quay trở lại, vẫn đứng trên chiếc cầu ấy, ông bỗng giật mình nhớ đến cô bé và vội vã chạy đến một cửa hiệu bán áo len mua lấy một chiếc thật đẹp. Nhưng đáng buồn thay, cô bé đã không còn nữa. Ông chủ cửa hàng kể rằng, tháng trước, vào một buổi sáng lạnh lẽo, người ta thấy cô bé nằm chết cóng bên góc phố. Xung quanh cô vươn vãi những que diêm, có một hộp diêm đã đốt hết nhẵn. Trong chiếc giỏ còn có một món quà được kết từ những que diêm hiện lên dòng chữ: “kính tặng chú Andecxen!” Xúc động trước tấm lòng của cô bé, Andecxen đã viết nên câu chuyện cảm động này.

+ Andecxen đã không những ghi lại hiện thực đã có mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Câu chuyện thể hiện tấm lòng của nhà văn đối với con người, làm toát lên thông điệp về tình đời, tình người. Cô bé đã chết ngay trong đêm giao thừa, lúc người ta đoàn tụ và hạnh phúc nhất. Cô bé đã mơ tưởng về tất cả những nhu cầu nhỏ bé nhưng cần thiết nhất đới với sự tồn tại của một con người đích thực. Cô bé đã chết, trên môi vẫn nở nụ cười mãn nguyện. Điều đó nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với gia đình, đối với những số phận bất hạnh, đừng vì sự ích kỉ mà quên di những người nghèo khó ở xung quanh, đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ.

– những sáng tạo mới mẻ của nhà văn:

+ Những mộng tưởng của cô bé là những vì sao sáng rực trong đêm giao thừa tối tăm, lạnh lẽo. Nhà văn đã xây dựng nên không gian nghệ thuật đối lập giữa bên ngoài và bên trong:

  • Đêm giao thừa lạnh lẽo >< bên trong những ngôi nhà ấm áp.
  • Cái đói, cái rét cắt da cắt thịt >< tâm hồn ấm áp, hạnh phúc.
  • Hiện thực khốc liệt >< mộng tưởng ngọt ngào.

+ Kết thúc câu chuyện tuy có phần buồn thảm nhưng có ý nghĩa nâng cánh tâm hồn người đọc, thức tỉnh ở người đọc về trách nhiệm của bản thân đối với cuộc đời.

b. Bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu.

– Chất liệu mượn từ thực tại đời sống:

+ Vật liệu chính là những sự vật ngoài đời thực hóa thân thành hình tượng của nghệ thuật. Qua tay mỗi nhà văn, sự vật ấy sẽ mang những ý nghĩa, những biểu tượng riêng, đại diện cho những kiểu người khác nhau, chất chứa những tình cảm khác nhau.

  • Bức tranh mùa xuân (ong bướm, hoa lá, đồng nội, chim muông, ánh sáng…); bức tranh hoàng hôn buồn….
  • Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.

– Những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ của nhà thơ:

+ Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).

+ Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa, chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.

+ Vật liệu chính là ngôn ngữ: Cái mới mẻ của nhà thơ đó là chắt lọc được từ thứ ngôn ngữ dân dã, thông tục hằng ngày những ngôn từ đắt giá, những cách kết hợp từ mới mẻ, gợi cảm, để thể hiện tư tưởng, tình cảm của anh ta.

+ Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt “xanh non” của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra “thiên đường trên mặt đất”, bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa .

+ Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.

+ Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí…). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, hôn, cắn; no nê, đã đầy, chuếnh choáng…), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng.

+ Nhạc điệu của thơ là nhạc của “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.

c. Truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.

– Chất liệu từ thực tại đời sống:

+ Vật liệu chính là những vấn đề cốt lõi, cơ bản, trọng đại, cấp bách của cuộc sống, đòi hỏi nhà văn thâm nhập, trải lòng, trăn trở, suy tư è Làm nên tư tưởng chủ đề tác phẩm è Sự mới mẻ của nhà văn thể hiện ở góc độ đề tài mà anh ta chọn, thể hiện ở điểm nhìn của anh ta với vật liệu hiện thực đó, thể hiện ở khía cạnh tư tưởng mới mẻ mà anh ta khám phá ra.

  • Bức tranh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ngột ngạt, đen tối với nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, địa chủ với địa chủ.\Cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh và những thành kiến nặng nề ở nông thôn, những người nông dân lạnh lùng xa cách nhau.

+ Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:

  • Khám phá hiện thực ở bề sâu: Viết về cuộc sống của những người nông dân Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: bi kịch tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Khái quát hiện tượng mang tính quy luật: chừng nào xã hội còn những áp bức bất công thì những người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người sẽ không chấm dứt.
  • Tiếng nói nhân đạo sâu sắc và mới mẻ: Nam Cao vẫn thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Khẳng định tình thương có sức cảm hóa lớn, khơi dậy, đánh thức phần người bị vùi lấp, chà đạp. Trân trọng, đề cao khát vọng được làm người đúng nghĩa.

b. Những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ của nhà văn:

+ Kết cấu vòng tròn, trần thuật theo mạch tâm lí, điểm nhìn trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo.

+ Xây dựng nhân vật điển hình, kiểu nhân vật đa diện, miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật; chi tiết nghệ thuật độc đáo; ngôn ngữ đa thanh.

+ Có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời gián tiếp với lời nửa trực tiếp. Nam Cao đã góp phần cách tân văn xuôi Việt Nam.

3. Bàn luận mở rộng:

– Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm. Vật liệu của thực tại và sự sáng tạo của nhà văn chính là hai yếu tố không thể tách rời, tác động qua lại lẫn nhau làm nên sự sống của tác phẩm. Từ những vật liệu của thực tại, ta sẽ bắt gặp sự sáng tạo, cái mới mẻ của nhà văn. Đồng thời, sự mới mẻ, sáng tạo của nhà văn sẽ làm cho vật liệu mượn ở thực tại trở nên sâu sắc hơn, đẹp hơn, gợi cảm hơn.

– Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.

– Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình. Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.

– Những tác phẩm văn học, những hình tượng văn học khi rời khỏi tay nhà văn và đi vào cuộc sống, đã trở thành những khách thể tinh thần, tồn tại khách quan với sự vận động nội tại của nó, với tính cấu trúc chỉnh thể của riêng nó, cũng trở thành một phần của hiện thực, và cũng có khả năng trở thành vật liệu để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mới è Đó là khi tác phẩm nghệ thuật trở thành thi liệu, văn liệu, khơi gợi sự sáng tạo của các nhà văn thế hệ sau è Sự sáng tạo ở chỗ vận dụng các thi liệu, văn liệu để bày tỏ cái riêng của bản thân, bày tỏ tâm tư tình cảm của bản thân, nhiều khi cái cá nhân đó, cái tâm tư tình cảm đó trái ngược lại với tư tưởng, tình cảm của tác phẩm gốc chứa thi liệu, văn liệu mà anh ta sử dụng.

“Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại” (Banlzac). “Những văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng” (CharlesDuBos). Thế giới được tạo lập không phải một lần mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập. “Một nhà nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tủy” (Sê khốp). “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Ai-ma-tôp). Nghĩa là luôn tạo ra cái mới mẻ. Nghệ thuật ngoài nhiệm vụ ghi lại hiện thực còn phải sáng tạo ra hiện thực mới, một hiện thực mà ở đó luôn chứa đựng tình người.

Phân tích văn bản Tiếng nói văn nghệ của Nguyễn Đình Thi

Chủ đề liên quan:

Tham Khảo Thêm:  Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề lý tưởng sống của thanh niên thời nay từ câu thơ: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” ("Tây Tiến" - Quang Dũng)

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *