Nghị luận: Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi (Lưu Trọng Lư)

thu-phap-nghe-thuat-la-gi

Nghị luận: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng Lư)

Thơ ca lại dùng ngôn từ để nói lên cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng và gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng. Thế nhưng, ngôn ngữ trong thơ lại có hạn, không cho phép người nghệ sĩ kể lể dài dòng hay phí phạm câu chữ mà họ phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Phải chăng đó là quy luật khắc nghiệt của quá trình sáng tác thơ mà nếu không làm như thế, thơ ca sẽ trở nên nhạt nhòa và vô vị? Bàn về vấn đề này, Lưu Trọng Lư nói rằng: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Làm thơ cũng như xây một ngôi nhà và ngôn ngữ chính là những viên gạch làm nên ngôi nhà ấy. Vây nên, nếu viên gạch xộc xệch, được nung cách cẩu thả thì ngôi nhà cũng không thể đứng vững được. Bởi thế, thơ muốn hay thì ngôn ngữ phải thật cô đọng, hàm súc, không sáo rỗng, để rồi khi bạn đọc tìm đến thi ca, họ sẽ được chiêm ngưỡng một thế giới đầy màu sắc, phong phú của ý nghĩa, hình ảnh, cảm xúc,… Ngôn ngữ thơ chính là cánh cổng đưa dẫn ta đến những chân trời yên ả, để từ đó ta có khoảng lặng mà hòa mình vào từng câu chữ, hiểu cặn kẽ từng khía cạnh của thơ ca, lúc ấy, thơ mới thật sự “giàu sức gợi”. Nhà thơ Lưu Trọng Lưu đã đưa ra nhận định hoàn toàn chính xác, đó cũng là quy luật của ngôn ngữ thơ ca: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Lưu Trọng Lư cũng từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như làm thí nghiệm hóa học, mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn ngữ là những tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình,trao gửi bao ước mơ, hoài bão. Thế thì đó càng không thể là thứ câu chữ tầm thường, vặt vãnh được.

Ngôn ngữ thơ phải như đóa hoa e ấp, đủ quyến rũ và cuốn hút để nhân loại tìm đến nó, cho đến khi gặp được rồi, đóa hoa ấy sẽ nở rộ với hương thơm làm say đắm lòng người. Độc giả tìm đến thi ca với tư thế là những nhà thám hiểm, họ càng đọc, càng đào sâu vào từng tầng nghĩa của ngôn ngữ sẽ càng gợi mở ra những giá trị nhân sinh sâu sắc. Đôi lúc chỉ cần một từ thật hay, thật sắc cũng đủ khiến tác phẩm neo đậu nơi tâm hồn bạn đọc, khiến họ tìm đến nó như một thế giới kì diệu để có thể thỏa sức khám phá. Tiếp nhận một bài thơ không phải ngày một ngày hai mà có thể hiểu hết được mọi ý nghĩa của nó, ta đọc rồi, phải đọc nữa, đọc mãi thì ta mới có thể nhận ra vẻ đẹp ẩn lấp sau lớp ngôn từ ấy. Vậy thử hỏi, nếu thơ ca không cô đọng, súc tích, mọi ý nghĩa đều phơi bày ra ngoài thì sẽ chán chường, nhạt nhẽo đến dường nào?

Tham Khảo Thêm:  Suy nghĩ về sự nhận thức giá trị bản thân của giới trẻ hiện nay qua câu chuyện Con cáo và con báo

Thơ ca trung đại phương Đông là hình mẫu chuẩn mực cho sự cô đọng, hàm súc ấy. Mỗi câu thơ đều “giàu sức gợi” mà qua đó, ta nhìn thấy nhiều tầng nghĩa đan xen lẫn nhau, được khoác lên mình lớp ngôn từ thật tinh tế. Học giả Daisetz Suzuki cho rằng sức ám thị và tính hàm súc là bí quyết của thơ Haiku nói riêng cũng như của nghệ thuật Nhật Bản nói chung. Điều tối kỵ khi làm thơ haiku là thích lý luận dông dài, “khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng”. Bài thơ Haiku của thiền giả thi sĩ lỗi lạc Nhật Bản Matsuo Basho từng viết:

“Lệ trào nóng hổi
tan trên tóc mẹ
làn sương thu”

Bài thơ được Basho viết khi ông đang trên đường đi về tỉnh Kansai bỗng hay tin mẹ mất, cầm trên tay di vật của mẹ, ông đau đớn viết nên những dòng thơ trên. Nỗi đau xót hóa thành giọt nước mắt “nóng hổi” tuôn trào xuống bàn tay cầm mớ tóc bạc của người mẹ đã khuất. Nhà thơ có thể viết nên những dòng cảm xúc thật dài, thật thiết tha của nỗi đau mất mẹ, nhưng ở đây, Basho chỉ dùng vài câu thơ càng khiến nỗi đau ấy nén chặt lại để rồi tuôn ra thành giọt nước mắt đầy chua xót. Có lẽ nếu dừng lại ở đây cũng đã đủ cho bạn đọc hiểu về sự đau đớn của nhà thơ nhưng ông lại vẽ nên một hình ảnh tưởng chừng không liên quan đến cảm xúc của mình: “làn sương thu”. Vậy “làn sương thu” là gì? Phải chăng giọt lệ của Basho đã hóa thành làn sương mong manh, mờ ảo? Hay sau biến cố gia đình ấy, nhà thơ nhận ra rằng cuộc đời tựa như làn sương mỏng sao quá ngắn ngủi, vô thường? Basho không cần giải thích vì sao lại đặt hình ảnh “làn sương thu” ở cuối bài thơ, bởi lẽ, đến với thơ Haiku, người đọc luôn trong tâm thế sẵn sàng để nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ đều gợi nên những suy tư, trăn trở sâu sắc. Bài thơ của Basho hiện lên thật mờ ảo và đa nghĩa, nó cũng giống như làn sương lơ lửng ở không trung, cho phép bạn đọc đào sâu để khám phá nhưng không thể hiểu được hết. Bài thơ ấy mới thật sự là nghệ thuật đích thực!

Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ: “Thơ phải súc tích, phải rắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu”. Thật vậy, sáng tạo ngôn ngữ thơ không phải một điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải xoay sở trên một vùng đất chật hẹp, vậy nên họ không thể lãng phí bất cứ từ ngữ nào để diễn tả những cảm xúc hời hạt, tủn mủn, thứ mà họ viết nên phải là ngôn ngữ được chắt lọc và kết tinh từ hàng vạn chất liệu ở đời.

Nhà thơ Thâm Tâm viết “Tống biệt hành” vô cùng kiệm lời, kiệm chữ nhưng mỗi chữ được viết nên đều được chọn lọc kỹ càng, đều gợi ra vô vàn cảm xúc, suy tư. Khổ cuối của bài thơ là lời từ biệt của trượng sĩ ngày xưa:

Tham Khảo Thêm:  Làm rõ nghệ thuật lập luận sắc sảo, đanh thép và thuyết phục của Hồ Chí Minh trong văn bản Tuyên ngôn độc lập

“Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say”

Mỗi chữ “thà” coi như một nhát dao sắc, chặt đứt tình cảm để ra đi. Có người cho rằng người ra đi xem mẹ như chiếc lá bay, chị như là hạt bụi, em như hơi rượu say để tự an ủi bản thân mình, để mạnh mẽ dứt quyết ra đi. Một số khác nghĩ rằng như vậy có vẻ tàn nhẫn và vô tình quá, nên muốn hiểu cho “tình cảm hơn”, đã giải thích thành: “Xin mẹ hãy coi con như chiếc lá bay, xin chị coi em như hạt bụi, xin em coi anh như hơi rượu say”. Nhưng suy xét lại, người trượng phu đặt hình ảnh “em nhỏ ngây thơ” cạnh “hơi rượu say”, nhưng em còn nhỏ, làm sao biết hơi rượu say như thế nào mà cầu xin? Đến bây giờ, có lẽ ta vẫn không biết được cách hiểu nào mới là chính xác. Bởi không biết đâu là cách hiểu đúng nên bạn đọc phải đọc, phải nghiền ngẫm bài thơ kỹ càng hơn, rồi từ đó khám phá những lớp nghĩa rất đỗi sâu sắc, phong phú.

Chính ngôn ngữ thơ đa nghĩa đã làm nên một cuộc tiễn đưa đầy kịch tính, kịch tính trong tình cảm, trong mâu thuẫn giằng xé giữa chí lớn, tình riêng. Nhà thơ Thâm Tâm không viết dài dòng, không khắc họa cuộc chia tay đầy nước mắt nhưng chính việc sử dụng những ngôn từ kết tinh ấy đã khiến nỗi đau càng thêm dồn nén, khắc khoải tựa âm vang của cảm xúc chẳng bao giờ kết thúc. Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm buồn pha chút xót xa, nhưng chính âm điệu đó lại gợi mở ra những cách nhìn, những cách hiểu khác nhau, tạo nên một tác phẩm không chạm đáy.

Đến với thơ Hàn Mặc Tử, nếu chỉ dùng lí trí tỉnh táo và tư duy phản ánh luận để soi rọi thôi chữ đủ, ta phải để lòng mình hòa vào từng câu thơ, bóc tách từng lớp ngôn ngữ để hiểu được toàn diện tâm hồn thi sĩ. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của thi sĩ họ Hàn đâu chỉ là bản tình ca xứ Huế, đâu chỉ là bức tranh Huế đẹp, Huế nên thơ, đó còn là cả một bầu trời hoài niệm và ký ức của tác giả:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Có lẽ không ai có thể chối cãi được những hình ảnh ấy được gợi lên từ thôn Vĩ. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, tìm hiểu hoàn cảnh tác giả, ta sẽ tự hỏi rằng: những hình ảnh ấy từ đâu mà có? Do nhà thơ trực tiếp nhìn thấy chăng? Không thể, bởi khi viết bài thơ này, ông đang trong cảnh bệnh nặng, không thể về thôn Vĩ. Hay đó là hồi quang của kí ức? Tức Hàn hẳn đã từng đi đến thôn Vĩ. Trong cơn đau triền miên, trong nỗi choáng ngợp của cõi lòng u sầu, bi lụy, thần trí chìm mờ, những ảo ảnh của tiềm thức được thăng hoa, đó là biểu tượng của một tâm hồn khát khao cháy bỏng muốn hòa nhập với cuộc sống trong lành. Nắng là một mô-típ đầy ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử: nắng tươi, nắng ửng, nắng chang,… vậy mà trong mảnh vườn này, hình ảnh nắng xuất hiện đầy êm dịu: “nắng hàng cau nắng mới lên”.

Câu thơ hài hòa xuất hiện hai từ “nắng”, thứ ánh nắng trong trẻo ấy như lan tỏa khắp không gian, xuyên qua từng kẽ lá, khiến cảnh vật thôn Vĩ như bừng sáng. Cách ghép từ “nắng hàng cau” của thi sĩ đầy sức gợi tả. Đó là những tia nắng tinh khôi nhất còn len lỏi trong không trung qua những hàng cau thẳng tắp, rồi sắc cau lại cộng hưởng với sắc nắng vẽ nên bức tranh ban mai tươi tắn, gợi cảm. Chính sự điêu luyện của thi sĩ họ Hàn trong việc sử dụng ngôn ngữ đã tạo nên một bài thơ “giàu sức gợi”, cho phép bạn đọc tiếp nhận với nhiều cách hiểu khác nhau. Ngôn từ cô đọng nhưng đa nghĩa, hàm súc nhưng giàu giá trị biểu cảm đã khiến “Đây thôn Vĩ Dạ” sống mãi trong lòng độc giả!

Tham Khảo Thêm:  "Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống cho riêng mình, miễn là hạnh phúc"(Nghệ sĩ Thành Lộc). Suy nghĩ của anh/chị về phát biểu trên.

Nhà thơ Nga Maiakôpxki quan niệm về quá trình tạo nên ngôn ngữ trong văn học như sau:

“Phải phí tốn ngàn câu quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong triệu năm dài”.

Để làm được điều đó, bên cạnh tâm hồn giàu xúc cảm, người nghệ sĩ cần phải có tài năng, sự điêu luyện trong việc sử dụng ngôn từ. Phải mài giũa ngòi bút thật sắc, phải làm cho những con chữ viết ra cô đọng đến tuyệt đối, phải khiến những ngôn từ ấy không năm im lìm trên trang giấy mà sống động, chứa chan cảm xúc. Nhà thơ ơi, đừng để những thứ anh viết ra trở nên vô nghĩa, hãy đặt để tâm tình anh trong mỗi con chữ, để khi bạn đọc mở ra, họ tìm được một tâm hồn đồng điệu. Còn về phía độc giả, xin đừng là người đọc thụ động, anh phải hòa mình vào tác phẩm, đừng bao giờ nghĩ bài thơ ấy đã kết thúc vì mỗi cách nhìn nhận khác nhau sẽ làm nên sức sống cho chúng.

Thơ ca muôn đời là thế, nó chỉ là nghệ thuật đích thực khi gợi mở cho bạn đọc nhiều giá trị sâu sắc, chỉ “hay” khi là “câu thơ giàu sức gợi”! Đó là lí do từ cổ chí kim, nhân loại vẫn mãi yêu mến thơ ca.

Chủ đề liên quan:

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *