Những suy ngẫm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về thời gian lịch sử của Đất Nước mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân

dat-nuoc-nguyen-khoa-diem

Những suy ngẫm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về thời gian lịch sử của Đất Nước mối quan hệ với cuộc sống Nhân Dân

1. Cảm nhận chung về nhân dân trong dòng chảy lịch sử.

Sau những phát hiện mới mẻ và độc đáo về sự đóng góp của Nhân Dân để làm nên những không gian hữu hình của Đất Nước, nhân vật trữ tình lại cất tiếng gọi thiết tha tới người con gái yêu thương, cùng nhau hướng cái nhìn suy tư và hoài niệm vào dòng chảy xa xăm, sâu thẳm, vô hình của bốn nghìn năm Đất Nước, nhìn để quan sát và chiêm nghiệm về công sức của Nhân Dân với sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước

Trong cái nhìn ấy, những thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ đã nhận thấy hình ảnh của Nhân Dân khi:

Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái con trai bằng tuổi chúng ta

rồi lại:

Có biết bao người con gái con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Sự lập lại bộn bề của ngôn ngữ từ với người người lớp lớp…Con gái con trai…Có biết bao người… bốn nghìn lớp người… đã đem đến ấn tượng về sự đông đảo vô cùng của Nhân Dân. Mỗi lớp người là một thế hệ có biết bao người con gái con trai, bốn nghìn lớp người cũng là bốn nghìn thế hệ với vô vàn những người con trai con gái, tất cả đã đều bằng tuổi chúng ta, đều đẹp đẽ vào trẻ trung, đều cần cù vào dũng cảm, nối tiếp nhau hết thời này sang thời khác cần cù làm lụng trong thời bình để xây dựng Đất Nước; ra trận và trở thành anh hùng  khi  Đất  Nước có ngoại xâm để bảo vệ Đất Nước.

Cả đoạn thơ không có một tên riêng, chỉ có con trai, con gái, họ, không có một triều đại dù là hoàng kim, cũng không nhắc đến anh hùng dù là cả anh và em đều nhớ… Phải chăng vì các triều đại oanh liệt, các anh hùng lẫy lừng tên tuổi đã được Tổ quốc lưu danh trong sử sách, được lòng dân muôn đời nhớ ơn, thờ phụng, và dù sao, con số các triều đại, các anh hùng cũng đã hữu hạn; còn sự đóng góp của Nhân Dân, của biết bao người con trai con gái trong suốt bốn  nghìn năm  Đất Nước những con người đã cần cù làm lụng xây dựng Đất Nước hoặc ra trận đánh giặc chiến đấu để bảo vệ Đất Nước thì vô danh và vô hạn, thầm lặng và lớn lao, họ đã lặng lẽ hiến dâng từ mồ hôi, xương máu, từ tâm hồn, trí tuệ cho đến cả tuổi xuân và hạnh phúc lứa đôi để làm nên Đất Nước.

Tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến cách sống, cách nghĩ và khẳng định công lao của Nhân Dân trong bốn câu thơ đặc biệt hàm súc:

Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ là đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều, không mang tính chất xác định, và trong đoạn thơ này, theo cách nhìn nhận của Nguyễn Khoa Điềm, đó là biết bao người con gái con trai – trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi, đó là Nhân Dân, những lớp người thầm lặng, vô danh, lớn lao, đông đảo. Câu thơ đặt họ trước hai bình diện của sống và chết, nhưng điều kì lạ là hai thái cực này không tạo ra cảm giác đối lập, cũng không đưa đến cảm giác ảm đạm về cái chết- nó chỉ gợi những dạng thái của tồn tại và tiếp nối, gợi sự trôi chảy miên viễn của thời gian khi những thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau sinh ra và lớn lên yêu nhau và sinh con đẻ cái, tạo ra dòng chảy vĩnh cửu của sự sống. Đem đến cảm giác này trước hết là do sự nhịp nhàng, yên ả và bình lặng khi các nhịp thơ 3/2 – 2/3 nối tiếp luân chuyển trong hai câu đầu; sau đó là do tính chất phiếm chỉ của đại từ họ, đó không phải là một người, một thế hệ, đó là Nhân Dân, là quá khứ, hiện tại và tương lai của cha ông xưa, của chúng ta hôm nay, của con cháu muôn đời sau…

Câu thơ tiếp theo xác định hai đặc điểm của Nhân Dân trong cách sống giản dị, trong cách nghĩ bình tâm. Họ cứ thuần phác đơn sơ, cần cù làm lụng sau những lũy tre làng, gắn bó thân yêu với ruộng đồng gò bãi, từ đời này sang đời khác cui cút làm ăn toan lo nghèo khó (Nguyễn Đình Chiểu), khi đất nước có giặc, họ là những người đầu tiên ra trận, chiến đấu bảo vệ Đất Nước,khi hết giặc, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa, họ trở về với cuộc sống đời thường, bình tâm, thanh thản, không đòi hỏi, không yêu cầu, yêu sách, cứ lặng lẽ gánh vác phần người đi trước để lại- dặn dò con cháu chuyện mai sau khiến cho sự sống và cái chết của họ bình thản nối tiếp trong dòng chảy vĩnh hằng của thời gian.

Lịch sử bốn nghìn năm  Đất Nước được viết bằng mồ hôi, nước mắt, máu xương của những con người ấy, nhưng lịch sử không biết họ là ai, cũng vì họ quá đông đảo và luôn luôn thầm lặng. Họ có thể là những nông dân tần tảo lam lũ với hạt gạo một nắng hai sương xay giã giần sàng; là những phụ nữ kiên cường gánh trên vai bao cuộc chiến tranh,… khi tiễn người con trai ra trận, họ trở về nuôi cá cùng con, vò võ cô đơn suốt tuổi thanh xuân, để sông núi không hóa thạch kẻ ra đi mà hóa thạch kẻ đợi chờ (Chế Lan Viên).

Họ có thể là những người nông dân nghĩa sĩ: Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh…(Nguyễn Đình Chiểu), là những người con trai đã dằn lòng bỏ lại sau lưng gia đình, quê hương và những người thân yêu để gian nhà không mặc kệ gió lung lay, để giếng nước gốc đa nhớ nhung xao xuyến…; là những người đã nhất quyết ra đi đầu không ngoảnh lại, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; để rồi biết bao Người lính, mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về; và họ cũng có thể là người lính trên đường hành quân qua miền Tây năm ấy:

Tham Khảo Thêm:  Kiến thức chi tiết văn bản Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Tất cả họ đều vô danh không ai nhớ mặt đặt tên…nhưng họ đã làm ra Đất Nước. Mỗi người dân Việt trong quỹ thời gian hữu hạn của đời mình luôn có một phần đóng góp dù là nhỏ bé để dựng nước hoặc giữ nước. Tuy nhiên, chính những đóng góp giản dị nhỏ bé của mỗi con người đã làm nên sự lớn lao, vĩ đại của Đất Nước, và chính những cuộc đời ngắn ngủi, hữu hạn của mỗi con người lại làm nên sự trường tồn vô hạn Đất Nước muôn đời.

Nhân Dân, lực lượng đông đảo nhất, vĩ đại nhất và cũng thầm lặng nhất suốt bốn nghìn năm qua kiên cường bền bỉ tạo dựng, giữ gìn, làm ra Đất Nước.

2. Công lao to lớn của Nhân Dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trước hết là công lao trong sự nghiệp dựng nước, trong việc sáng tạo, bảo vệ, duy trì từ của cải vật chất đến giá trị tinh thần:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái

Chủ ngữ của các câu thơ là đại từ họ, nếu phép điệp đem đến cảm giác  về sự đông đảo, tính chất không xác định gợi sự vô danh thì vai trò chủ ngữ, chủ thể của những hành động đã khẳng định công lao to lớn của Nhân Dân với Đất Nước. Cặp động từ giữ… truyền hơn một lần lặp lại trong đoạn thơ đã khẳng định xứ mệnh thiêng liêng của mỗi con người, mỗi thế hệ trong công cuộc xây dựng đất nước, đó là gánh vác việc thế hệ đi trước giao phó, giữ gìn, duy trì phát triển để rồi dặn dò, ủy thác, truyền cho những thế hệ con cháu tiếp nối.

Sau những động từ giữ… truyền… gánh… đắp… be… là những hình ảnh hoặc hữu hình như: hạt lúa… lửa… hòn than… hoặc vô hình như giọng điệu, tiếng nói, tên xã, tên làng…, tất cả đều là những giá trị tinh thần hoặc vật chất để làm nên Đất Nước và đều gắn bó thân thiết với cuộc sống hàng ngày của Nhân Dân.

Tấm lòng của Nhân Dân, công lao khó nhọc của Nhân Dân được khẳng định trong câu thơ đầy xúc động: Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng. Đất Nước Việt Nam nằm trong cái nôi của nền văn minh sông Hồng, nơi Nhân Dân bao đời nay sống bằng cây lúa nước. Từ thuở đầu lập nước, những người con của Mẹ Âu Cơ đã tìm ra cây lúa, đã một nắng hai sương, chăm chút, nâng niu, để rồi giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng. Hạt lúa – những hạt ngọc ngà chắt chiu tinh hoa của trời đất, kết quả của mồ hôi, công sức con người vì thế đã trở thành biểu tượng văn hóa đầy tự hào, trở thành biểu tượng cho truyền thống lao động cần cù của những người nông dân ngày đêm vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; Hạt lúa cũng là hình ảnh của niềm vui, của cuộc sống ấm no khi Mồ hôi mà đổ xuống đồng. Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương. Lời dặn của cha ông xưa về việc đừng đổ thóc giống ra ăn cho thấy sự thiêng liêng, quan trọng trong việc giữ gìn và truyền lại hạt lúa cho mùa sau, đời sau, đó là truyền lại sự sinh tồn và phát triển đối với một dân tộc có nền văn minh lúa nước lâu đời, đó cũng là việc truyền lại tình yêu và niềm hy vọng về sự sống.

Nhân Dân còn truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi. Lửa là một hình ảnh của một quá khứ xa xăm khi con người bắt đầu tìm đến ánh sáng văn minh, khi với việc tìm ra lửa, loài người thực sự tách ra khỏi thế giới nguyên thủy tăm tối, dã man. Chính ngọn lửa đã duy trì sự sống, sự tồn tại của nhân loại. Nhắc tới lửa là nhắc tới cuộc sống thịnh vượng, sum vầy và cảm giác ấm áp, chở che. Bên những những bếp lửa ấp iu nồng đượm (Bằng Việt), gia đình, cộng đồng quây quần đầm ấm, gắn bó, yêu thương. Từ ngàn xưa, qua những viên than ấp ủ, những con cúi bện bằng rơm, người Việt đã truyền lửa cho nhau trong những không gian thấm đượm tình làng nghĩa xóm, trong những khi tối lửa tắt đèn…

Lửa cũng đồng thời gợi đến những cuộc chiến tranh máu lửa để từ đó Đất Nước rũ bùn đứng dậy sáng lòa ( Nguyễn Đình Thi); ý thơ cũng gợi lên tưởng đến những người nông dân- nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa với hỏa mai đánh bằng rơm con cúi…,trong sự liên tưởng ấy, ngọn lửa chính là biểu tượng của lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí bất khuất kiên cường đánh giặc ngoại xâm. Trong sự gắn bó với cuộc sống sinh hoạt, lao động và chiến đấu của Nhân Dân, hình ảnh ngọn lửa khi bình dị, thân yêu, nồng ấm, khi rực rỡ, kì vĩ, lớn lao. Từ đó có thể thấy, truyền lửa qua mỗi nhà vừa là hình ảnh cụ thể của tình làng nghĩa xóm khi tắt lửa tối đèn, là trao gửi sự sống ấm áp trong những không gian làng xã Việt bằng hòn than qua con cúi như thuở xa xưa, là truyền lại sự sống trường tồn cho bốn nghìn năm Đất Nước mà cũng là truyền lại những tình cảm, những phẩm chất đẹp đẽ, lớn lao, truyền lại bầu nhiệt huyết để  Nhân Dân nối tiếp nhau dựng nước và giữ nước.

Tham Khảo Thêm:  Từ cái chết của Vũ Nương trên sông Hoàng Giang đến lần tự vẫn của Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, hãy trình bày suy nghĩ về cuộc đời và số phận bi thương người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Hai câu thơ tiếp theo lại nói về công lao của Nhân Dân trong việc tạo lập và giữ gìn truyền thống văn hóa, tinh thần của Đất Nước. Nhân Dân đã truyền giọng điệu mình cho con tập nói. Tiếng nói là của cải tinh thần vô giá, là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của một cộng đồng xã hội, là một giá trị văn hóa phi vật thể góp phần làm nên bản sắc văn hóa của một dân tộc. Tiếng nói ấy trường tồn và phát triển cùng Đất Nước bất chấp hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và bao nhiêu cuộc chiến tranh, bất chấp tất cả những âm mưu đồng hóa của mọi kẻ thù xâm lược. Đó là những công sức và tấm lòng của Nhân Dân  từ bao đời nay, qua những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, qua những lời ca câu ví dân gian, qua sự trong trẻo, thâm trầm của thế giới thần thoại, cổ tích…, Nhân Dân đã truyền lại cho con cháu không chỉ những tình cảm thắm thiết ân tình, những bài học đạo lí, những kinh nghiệm sâu sắc trí tuệ mà còn cả giọng điệu, tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc.

Nhân Dân  còn trân trọng giữ gìn cả những địa danh thân thuộc của từng vùng miền quê hương đất nước: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.  Trong cuộc sống hằng ngày của Nhân Dân, trong sự vận động và phát triển của lịch sử Đất Nước, có thể có sự thay đổi nơi cư trú vì chiến tranh, vì cuộc sống hoặc để hưởng ứng chủ trương chính sách của nhà nước đưa Nhân Dân  đi khai khẩn đất hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới. Hành trang người dân mang theo trong những chuyến di dân không chỉ là đồ đạc, lương thực, bên cạnh những giá trị vật chất mà còn là những giá trị tinh thần thiêng liêng quý giá.

Nghệ thuật ẩn dụ trong câu thơ qua động từ gánh đã khiến những khái niệm trừu tượng như tên xã, tên làng bỗng trở nên cụ thể và trĩu nặng. Đó không đơn thuần chỉ là địa danh, tên xã, tên làng là hình ảnh của những làng xã Việt, gợi đến những phong tục tập quán, những đình chùa lễ hội, những giếng nước gốc đa thấm đẫm bao kỉ niệm yêu thương… những cái tên được mang theo trong mỗi chuyến di dân- vì thế mà trĩu nặng tình yêu và nỗi nhớ, nhất là sự thiêng liêng ấm áp của nơi cắt rốn chôn rau. Người dân mang theo những tên xã, tên làng thân thuộc đặt cho vùng đất mới vừa làm dịu vợi phần nào nỗi nhớ quê hương của thế hệ này, vừa để khắc sâu nỗi nhớ của những thế hệ sau về cội nguồn quê cha đất tổ, về những truyền thống văn hóa, những thuần phong mĩ tục của quê hương bản quán.

Nhân Dân  còn xây dựng nền tảng vững chắc cho đời sau an cư lạc nghiệp: “Họ đắp đập  be bờ cho người sau trồng cây hái trái”. Nghĩa của những cụm động từ đắp đập, be bờ gợi lên sự vun vén cho đầy đặn hơn, vững chắc hơn, đây là hình  ảnh thể hiện sự chăm chút ân cần của những người đi trước với con cháu đời sau. Nhân Dân  kiên nhẫn, bền bỉ đắp đập be bờ cho các thế hệ sau yên tâm trồng cây hái trái. Sự khác nhau giữa hai cụm động từ ở đầu và cuối câu thơ về cả thời gian (đời trước – đời sau), và tính chất công việc (chuẩn bị – hưởng thụ) đã cho thấy đức hi sinh lớn lao, cao thượng của những người đi trước: họ vất vả lo lắng làm lụng nhưng có thể chẳng được hưởng thành quả lao động của mình, cây và trái hầu như chỉ dành cho đời sau, nhưng họ vẫn bình tâm thanh thản, mãn nguyện trong niềm hi vọng con cháu được hưởng phúc, được sung sướng, ấm no từ sự chu đáo, trìu mến của mình.

Khi Đất Nước có chiến tranh, Nhân Dân lại là những người xông pha nơi hòn tên mũi đạn, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ sự bình yên cho Đất Nước:

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Cấu trúc hô ứng: có… thì điệp lại liên tiếp trong hai dòng thơ cùng một loạt những động từ mạnh: chống,…. vùng lên, đánh bại… khiến giọng điệu thơ rắn rỏi, đanh thép, cho thấy sự tình nguyên cao độ của Nhân Dân  trong sự nghiệp giữ nước. Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, Nhân Dân  đã không hề toan tính, ngần ngại, không yêu cầu, yêu sách, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Đất Nước, cũng là để bảo vệ những giá trị tinh thần và vật chất quý giá do thế hệ trước để lại, do họ vất vả gánh vác, giữ gìn, tạo dựng và truyền lại cho đời sau. Đó là những giá trị thiêng liêng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu xương của biết bao nhiêu thế hệ mà Nhân Dân  không cho phép bất cứ kẻ thù nào xâm phạm hủy hoại.

Đoạn thơ đã cho thấy công lao vĩ đại của Nhân Dân đối với Đất Nước: họ nối tiếp nhau sáng tạo, giữ gìn, phát triển và truyền lại cho các thế hệ mai sau những giá trị văn hóa, văn minh tinh thần và vật chất của Đất Nước từ hạt lúa ngọn lửa, tiếng nói đến tên xã tên làng, tục ngữ, ca dao… mỗi thành quả của Đất Nước ngày hôm nay đều là kết tinh, thừa hưởng, tiếp nối quá trình lao động sáng tạo cần cù, bền bỉ của Nhân Dân. Bất chấp những gian khó nhọc nhằn trong lao động dựng xây, những mất mát hi sinh trong những cuộ chiến tranh máu lửa, suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, Nhân Dân đã giữ gìn hồn thiêng sông núi, làm nên bản sắc dân tộc, đã nối tiếp nhau viết những trang sử hào hùng bằng sức mạnh của tình yêu và ý chí bất khuất kiên cường.

Tham Khảo Thêm:  Qua giọt nước mắt của nhân vật Chí Phèo, hãy suy nghĩ về nước mắt trong cuộc sống

Mạch cảm xúc, suy ngẫm của bài thơ cứ dồn tụ dần để cuối cùng dẫn đến cao trào, làm bật lên tư tưởng cốt lõi:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Những khái niệm Đất Nước, Nhân Dân được viết hoa trang trọng, được lặp nhiều lần trong hai câu thơ đã cho thấy sự gắn bó không thể tách rời giữa Nhân Dân và Đất Nước, cũng là cách để nhà thơ tô đậm ý nghĩa khẳng định cho tư tưởng Đất Nước và Nhân Dân. Sau những câu thơ khẳng định công lao to lớn của Nhân Dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, câu thơ Để Đất Nước này là đất nước nhân dân tạo ra mối quan hệ nhân quả giữa hai đoạn thơ, nhờ đó, tác giả đã có thể lí giải sâu sắc và thấm thía hơn tư tưởng chủ đạo Đất Nước của Nhân Dân qua cách định danh mang đậm sắc thái sở hữu thiêng liêng: Đất Nước Nhân Dân. Với cụm danh từ Đất Nước Nhân Dân, nhà thơ đã khẳng định chủ nhân đích thực của Đất Nước bằng một nguyên nhân giản dị mà sâu sắc: Đất Nước này do Nhân Dân dựng xây và gìn giữ, kiến tạo và bảo vệ, Đất Nước này tất yếu phải thuộc về Nhân Dân câu thơ sau đã lí giải rõ hơn cách định danh cho Đất Nước ở câu trên.

Câu thơ đã tách thành hai vế có tính chất đẳng lập khiến người đọc nhận ra mối quan hệ gắn kết giữa Nhân Dân ở vế thứ nhất và ca dao thần thoại ở vế thứ hai. Ca dao thần thoại có thể coi là hình ảnh hoán dụ cho văn hóa dân gian, mà văn hóa dân gian là sản phẩm trực tiếp của trí tuệ dân gian, là nơi lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của Nhân Dân, cũng là nơi chia sẻ cảm thông cho những đau thương, bất hạnh của Nhân Dân. Văn học dân gian do Nhân Dân sáng tạo nên và phản ánh cuộc sống của Nhân Dân, cho nên, đến với văn học dân gian cũng là đến với Nhân Dân. Sự tương đồng ấy cho phép nhà thơ lí giải tư tưởng của mình một cách thấm thía và xúc động: Đất Nước của Nhân Dân vì Đất Nước được tạo dựng, được giữ gìn, bảo vệ… bởi tình yêu và nỗi đau của Nhân Dân, bằng nước mắt, mồ hôi, xương máu của vô vàn những con người thầm lặng, đói nghèo nhưng tình nghĩa trung hậu, của những số phận bất hạnh khổ đau mà dũng cảm kiên cường, đó là những nội dung được chính Nhân Dân phản ánh một cách chân thực và cảm động trong ca dao thần thoại, trong văn học dân gian, trong ca dao thần thoại.

Qua ca dao thần thoại, Nhân Dân đã đem đến cho chúng ta những bài học đạo lí, dạy chúng ta biết yêu thương, biết trân trọng công sức nghĩa tình, biết căm ghét cái xấu, cái ác, biết kiên nhẫn phục thù – biết cách làm người:

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu.

Ca dao thần thoại còn ngân nga trong lời hát ca về Đất Nước:

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

Có lẽ tứ thơ xuất phát từ cảm hứng về những âm thanh ngọt ngào của những điệu hò mái nhì mái đẩy trên sông Hương xứ Huế, âm thanh tha thiết của những điệu hò ví dặm sông Lam, âm thanh hào tráng trẻ trung trong những tiếng hò của những người chèo đò, kéo thuyền vượt thác trên dòng sông khúc thượng nguồn Tây Bắc… Đó là những tiếng hát được truyền từ đời này sang đời khác, thể hiện tình yêu với cuộc sống lao động, tình yêu với quê hương Đất Nước, thể hiện tinh thần lạc quan tươi trẻ của những người lao động. Và tình yêu ấy chính là cội nguồn sâu xa nhất của mọi phẩm chất đã giúp Nhân Dân dựng nước và giữ nước.

Có một câu ca đã hình dung Đất Nước tôi thon thả giọt đàn bầu…Mọi dòng sông dù có cội nguồn từ đâu nhưng khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát, tới với Đất Nước của những tấm lòng nhân hậu, của những tâm hồn lãng mạn, trẻ trung thì văn xuôi cũng hóa thành thơ, lời nói đời thường cũng ngân nga thành câu hát. Tứ thơ độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm giúp người đọc nhận rõ hơn tư tưởng chủ đạo của bài thơ: Đất Nước của Nhân Dân, Nhân Dân làm nên Đất Nước. Nhân Dân không chỉ lao động dựng xây, không chỉ chiến đấu để giữ gìn bảo vệ Đất Nước, chính Nhân Dân với tình yêu và khát vọng mãnh liệt, với trái tim luôn tràn đầy sự lạc quan tươi trẻ đã đem đến vẻ đẹp lãng mạn say người cho Đất Nước trên trăm dáng sông xuôi…

Phân tích đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *