Phân tích sự thấu hiểu lẽ đời của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Từ đó, nhận xét quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu thời kì đổi mới.

phan-tich-su-thau-hieu-le-doi-cua-nguoi-dan-ba-hang-chai-trong-truyen-ngan-chiec-thuyen-ngoai-xa-tu-do-nhan-xet-quan-diem-nghe-thuat-cua-nha-van-nguyen-minh-chau-thoi-ki-doi-moi

Sự thấu hiểu lẽ đời của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Từ đó, nhận xét quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu thời kì đổi mới.

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định rằng: Nguyễn Minh Châu thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất” của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bởi nếu trước năm 1975, Nguyễn Minh Châu là nhà văn của người lính với “Dấu chân người lính”, hay những nhân vật “được đặt trong một môi trường vô trùng” thì sau mốc thời gian đó, ông đã dũng cảm thay đổi, phủ nhận chính mình để được thay đổi và không chịu “ăn mày” dĩ vãng, không chịu được với ánh hào quang cũ của mình. Tác phẩm tiêu biểu cho quan điểm nghệ thuật và phong cách của Nguyễn Minh Châu sau này là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” – đứa con được coi là thành công nhất của ông sau khi “làm mới mình”. Truyện thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, và câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong truyện cũng đã minh chứng cho điều đó, khi nhân vật thể hiện sự thấu hiểu lẽ đời thông qua lời giãi bày ở tòa án huyện.

Sự thấu hiểu lẽ đời của người đàn bà hàng chài.

Nguyễn Minh Châu được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những sáng tác của ông đều xuất phát từ cảm hứng thế sự, đời tư mang đậm chất triết lý nhân sinh trong giai đoạn văn học mới, khác xa với cảm hứng sử thi lãng mạn quen thuộc trước năm 1975. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một sáng tác thuộc giai đoạn thứ hai của nhà văn. Nhân vật trung tâm cho câu chuyện của ông chính là người đàn bà hàng chài đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều suy nghĩ, trăn trở về những câu chuyện đời. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tập truyện ngắn (in năm 1987). Truyện in đậm phong cách tự sự triết lý của Nguyễn Minh Châu, tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn cùng những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về “nghệ thuật và cuộc đời”.

Tố Hữu từng nói về “cái đích” của văn học: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi đến của văn học”. Văn học từ cuộc sống mà ra và làm cho cuộc sống thêm phần đẹp tươi. Đích đến của văn chương muôn đời chính là cuộc sống và con người. Đặt quan niệm ấy, vào cuộc đời người đàn bà hàng chài, câu chuyện chị bộc lộ giúp ta hiểu vì sao “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Và thứ “ánh trăng” không lừa dối ấy đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện ở sự ngụp lặn vào cuộc đời người đàn bà hàng chài với câu chuyện ở tòa án huyện khi người đàn bà ấy giãi bày câu chuyện của cuộc đời mình. Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng của người lao động và có cái nhìn rõ nét hơn, đa chiều hơn về cuộc đời.

Chị thấu hiểu bản chất của chồng.

Cuộc đời người đàn bà hàng chài dù bị chồng đánh cũng không hề sợ sệt, ấy vậy mà khi bị gọi lên tòa để giải quyết ly hôn khỏi người chồng vũ phu thì lại sợ sệt đến lạ. Thế nhưng, khi bắt đầu vào câu chuyện của cuộc đời mình, chị lại đột nhiên “mất hết cái vẻ bề ngoài khúm núm, sợ sệt khi mới được gọi lên ở tòa án huyện với điệu bộ khác, ngôn ngữ khác”. Có lẽ, khi nỗi lòng hay điều sâu kín của con người được chia sẻ thì cũng là lúc con người ta mở lòng cho những nỗi đau của mình. Không giấu giếm, không che đậy, người đàn bà kể về cuộc đời mình. Chị trút hết ruột gan tâm sự với Phùng và Đẩu như những người thân cận, với những lời lẽ chân tình được chiêm nghiệm trong cả cuộc đời đầy lo toan, vất vả của chị. Người đàn bà đã kể câu chuyện cuộc đời mình, qua đó gián tiếp đưa ra các lý do vì sao chị nhất quyết không bỏ người chồng vũ phu.

Nếu coi câu chuyện ở tòa án là một phiên tòa xét xử, thì người đàn bà hàng chài chính là người luật sư bào chữa tội danh cho chồng một cách xuất sắc nhất với sự thấu hiểu người chồng. Trong mắt Phùng và Đẩu lúc này, chồng mụ được xem như một tội nhân độc ác, chỉ biết đánh vợ. Nhưng mụ đã bào chữa cho chồng, và khẳng định chồng mụ không phải là người xấu, không phải là tội nhân mà là ân nhân của cuộc đời mụ. Câu chuyện bắt đầu là “từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa” thì lại còn xấu hơn. Xấu đến mức dù nhà có khá giả cũng “không ai lấy”. Đời người đàn bà, hạnh phúc nhất là hoàn thành thiên chức của mình. Ấy thế mà, cuộc đời cũng không hề công bằng với những người chỉ mang ước mơ nhỏ nhoi. Cõ lẽ, nếu không có lão đàn ông vũ phu ấy, thì có lẽ suốt cả cuộc đời mình, mụ chỉ biết đến cái cô độc và lẻ loi. Thế nhưng, chồng mụ đã cho mụ được một mái ấm gia đình theo đúng nghĩa của nó, cho mụ được làm tròn cái thiên chức của mình, là được làm mẹ, làm vợ. Hơn nữa, trước đây chồng mụ không xấu, cũng không hề vũ phu mà đó là “anh con trai cục tính, nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập ai”. Như vậy, người đàn bà hàng chài đã xong lượt bào chữa thứ nhất khi khẳng định chồng là người chị mang ơn, và sự độc ác của chồng không phải là bản chất mà do cuộc đời “xô đẩy”. Nguyên nhân của sự “xô đẩy” dẫn đến bất hạnh này nằm ở lượt bào chữa tiếp theo.

Chị cũng rất thấu hiểu hoàn cảnh gia đình và nhận hết lỗi về mình.

Viết về cuộc đời người đàn bà hàng chài trên chiếc ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã lia ngòi bút của mình đi sâu vào từng ngóc ngách, vắt kiệt bầu máu nóng trong trái tim để thể hiện nó. Người đàn bà hàng chài, có lẽ đã sống trọn một kiếp đời éo le, bất hạnh, bởi chị không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là nạn nhân của cái nghèo, cái đói. Nhưng chị không coi đó là lỗi của số phận, mà nhận hết lỗi về mình. “Giá tôi đẻ ít đi…” thì cũng không đến nỗi gia đình túng quẫn như thế này, “nhưng cái nỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. Cũng chính vì đẻ nhiều quá, mà không có tiền “sắm được một chiếc thuyền to hơn”; cũng chính vì đẻ nhiều mà gia đình túng quẫn, nhất là khi “ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. Con người ta khi đứng trước hoàn cảnh bất lợi, điều cố gắng đổ lỗi. Vậy mà, người đàn bà hàng chài này nhận hết lỗi về mình. Có lẽ, chỉ có những người thấu hiểu người khác, bao dung mà nhân hậu, vị tha lắm mới có thể nhận hết lỗi về mình như người đàn bà hàng chài lúc này được. Vẻ đẹp đó của chị, làm ta nhớ đến cái giây phút lặng lẽ của bà cụ Tứ khi nhận hết lỗi về mình mà hờn tủi! “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc gia đình ăn nên làm nổi, nhưng mong sinh con đẻ cái mở mặt say này. Còn mình thì…”. Người phụ nữ Việt Nam là thế! Bao giờ cũng thế, ngàn đời như thế! Bao giờ cũng nhận hết nỗi đau về mình, nhận hết những ngang trái, đắng cay của cuộc đời về mình để được hi sinh cho chồng cho con.

Chị còn thấu hiểu nỗi vất vả của chồng: áp lực vì cảnh đông con, nghèo khổ, áp lực về cuộc sống vất cả của người trên biển.

“Mỗi con người đều chứa trong lòng những nét đẹp đẽ, kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ nhận thức, khám phá tất cả những cái đó”. Vì thế Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”, nên với con mắt tinh tế của mình, ông đã nhìn thấy những vẻ đẹp khuất lấp đằng sau vẻ ngoài thô ráp, sần sùi kia của con trai là một viên ngọc sáng. Người đàn bà hàng chài đã thể hiện sự thấu hiểu của mình về nỗi vất vả của chồng.

Áp lực thứ nhất, là chồng mụ đã rất vất vả vì cuộc sống mưu sinh, vì gánh nặng của một người trụ cột trong gia đình, áp lực của một người chồng, một người bố. Vậy nên, chồng mụ không phải ngẫu nhiên thích đánh thì lôi vợ ra đánh, mà “bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão lại xách tôi ra đánh”, nghĩa là chỉ khi nào thấy khổ chồng mụ mới đánh mụ. Nhưng xót xa làm sao, khi cái cuộc sống trớ trêu này nó toàn cái khổ chồng lên cái khổ, nên mụ mới bị đánh “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Chị thấu hiểu điều đó, chị hiểu người chồng kia cũng yêu thương vợ con, bởi nếu không thì lão cũng đã từ bỏ cái vùng biển này mà đi biệt xứ, hoặc như những câu chuyện tìm đến cái chết trong văn học trước đây. Thế nhưng, lão chồng chị vẫn gánh hết cái khổ về mình, mà chỉ chọn cách duy nhất là đánh vợ để giải tỏa chứ không chọn đường cùng. Nên nếu “đàn ông khác trên thuyền uống rượu…” thì lão lại không uống. Không biết nguyên do là thương vợ, con đói khổ hơn hay thế nào. Nhưng chính mụ cũng ước “giá mà lão uống rượu thì tôi còn đỡ khổ…”.

Vì thương chồng, để chồng được giải tỏa áp lực, mụ đã chấp nhận và cam chịu để được chồng đánh, thậm chí chị còn muốn được chồng đánh. Chỉ có điều, con cái đã lớn nên mụ “xin được với lão… đưa lên bờ đánh” để con cái khỏi phải chứng kiến cảnh bố mẹ đánh nhau mà tổn thương. Như vậy, những trận đòn roi này là những trận đòn có thỏa thuận, người đàn bà cho phép chồng đánh. Có lẽ, mụ hiểu rằng, mình không thể làm gì giúp chồng, mình đã mang đến cho chồng nhiều gánh nặng, nhiều áp lực, nhiều vất vả nên mụ chấp nhận để chồng đánh, để cho ông ấy được vơi đi những áp lực mà tiếp tục chèo chống con thuyền, cùng nhau “nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Chính sự thấu hiểu đó, đã làm Phùng và Đẩu phải thốt lên “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được”. Có lẽ, chỉ những người ngoài cuộc, không chịu thâm nhập vào bản chất sự việc như chúng ta, hoặc chỉ hời hợt nhìn bên ngoài thì mới vội vàng đánh giá như vậy. Còn người thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu người chồng, biết hi sinh như mụ có lẽ, âu cũng là chuyện bình thường.

Không chỉ hiểu những áp lực của chồng, mà lời bào chữa cuối cùng của người đàn bà hàng chài mới để lại trong ta nhiều xúc cảm. Mụ đã bào chữa cho chồng từ tội nhân trở thành ân nhân, từ ân nhân trở thành người mà mụ mang ơn. Mụ lý giải “Là bởi các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…”, nghĩa là mụ cương quyết không bỏ chồng là bởi mụ cần chồng. Cần chồng chèo chống con thuyền lúc phong ba, cần “cánh tay của chồng” để đưa con thuyền gia đình, trên đó có những đứa con của mụ vào bờ một cách an toàn. Vậy, người đàn ông ấy đâu phải là tội nhân, khi ông ta là người đã bảo vệ mụ của các con mụ trước sự dữ dội của thiên nhiên, của cuộc sống sóng gió nơi biển cả dữ dội?

Quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu thời kì đổi mới.

“Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí”, và nhận thức giữa con người và cuộc đời, trong câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài nghèo khổ, lam lũ đã mở ra nhiều triết lý sâu sắc đáng để ta suy ngẫm. Thông qua nhân vật người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới người đọc một thông điệp về mối quan hệ giữa “nghệ thuật” và “cuộc đời” và đó cũng chính là quan niệm của nhà văn thời kì đổi mới: Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, chứa đựng nhiều nghịch lí cũng như mâu thuẫn. Nếu chỉ nhìn từ một phía thì sẽ dễ dàng đưa ra đánh giá lệch lạc, phiến diện. Vậy cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để từ đó đưa nghệ thuật vươn tới chiều sâu nhân bản: “Nghệ thuật phải gắn liền với đạo đức” – “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nhà văn không thể có cái nhìn dễ dãi trước cuộc sống mà phải biết nhìn thấu được bản chất bên trong của cuộc sống. Đó mới là người nghệ sĩ chân chính. Đến đây ta càng thấm thía hơn câu nói của nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn – Nam Cao:Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Người đàn bà đã kể cho Phùng và Đẩu về cuộc đời của mình. Ở cái câu chuyện của người đàn bà ấy nó cũng dài dòng, nó cũng rườm rà, nó cũng “cà kê”, nó cũng lộn xộn như là chính cái cuộc sống, chứ nó không thẳng thớ như những cái gạch đầu dòng, như những cái câu chuyện hồ sơ mà Đẩu hay viết ra với những cái gạch đầu dòng. Thế nhưng cuộc sống là thế, nó có những cái quanh co của nó, nó cũng ngoằn ngèo của nó chứ, nó có những cái cua vòng rẽ ngoặt của nó chứ. Và nếu như chúng ta chỉ lược bằng những cái gạch đầu dòng thì làm sao mà có thể kể hết được cái lẽ của cuộc sống. Đôi khi, chúng ta cứ làm sao để có thể tóm tắt, nhưng chính những cái tóm tắt ấy sẽ làm mất đi những cái cua vòng, rẽ ngoặt của cuộc đời người ta, nó sẽ làm bay đi mất những cái quanh co, ngoắt ngéo của cuộc đời. Mà đôi khi cuộc đời chính vì những cái quanh co, ngoắt ngéo ấy cho nên chúng ta mới thành ra như thế này. Nếu như cuộc đời mà cứ thẳng tưng như thế thì cuộc đời lại đơn giản hơn biết bao nhiêu.

Đánh giá nghệ thuật: “Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo”. Bằng biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm hồn, đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người, qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cái nhìn mới mẻ về con người. Ông đã khai thác số phận cá nhân và thân phận con người đời thường, để phát hiện những nét đẹp trong những con người tầm thường, lam lũ. Cả đời, ông đã tâm niệm sáng tác văn học là đi tìm “hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người”.

Nhà văn Tô Hoài kết luận về các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu rằng: “Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý”. Những triết lý đó, là những bài học về cuộc sống cho người đọc bài học “trông nhìn và thưởng thức”. Có lẽ, những cái lỡ cỡ, lưng chừng, hời hợt trong cuộc sống sau khi có “ngọn gió trước đèn” của Nguyễn Minh Châu đã được thay thế bằng sự nghiêm túc và là kim chỉ nam cho không chỉ là nghệ sĩ mà còn là bài học nhận thức cho tất cả chúng ta!

Tham Khảo Thêm:  Chứng minh: Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả...

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *