Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

cach-lam-bai-van-nghi-luan-van-hoc-khong-bi-lac-de

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

A. Mở đầu.

Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học, điều khó khăn nhất đối với học sinh đó là làm thế nào để không bị lạc đề. Ở năng lực học sinh, xác định được dàn bài giải quyết cơ bản và đúng đắn vấn đề đặt ra trong đề bài quả thật không hề dễ dàng. Thực ra, đối với cả người ra đề, đáp án cho đề bài chưa hản đã đúng đắn, toàn diện. Mỗi người có một cách nghĩ, một cách lập luận, cách giải quyết vấn đề khác nhau. Yêu cầu một đáp án cho tất cả là điều rất khó khăn. Thế nhưng, một bài viết đáp ứng cơ bản những yêu cầu của đề bài, đảm bảo bài viết được điểm cao là điều mọi học sinh quan tâm.

B. Cách làm bài nghị luận tác phẩm văn học.

1. Một số yêu cầu về kĩ năng.

Bài văn nghị luận văn học cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm văn học. Trong quá trình viết bài văn nghị luận văn học, muốn chứng minh một cách thuyết phục sự thống nhất giữa nội dung và hình thức nghệ thuật ở tác phẩm văn học thì cần xác định đúng cái hay, cái lạ của các phương thức, thủ pháp nghệ thuật (cách dùng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu,… trong thơ; cách miêu tả nhân vật, dẫn dắt cốt truyện,… trong tác phẩm tự sự) cũng như mối quan hệ của nó với chủ đề tư tưởng của tác phẩm; từ đó khẳng định được rằng việc tác giả lựa chọn sử dụng hình thức nghệ thuật ấy là “phương án tối ưu” để thể hiện nội dung. Chẳng hạn, với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình trong Truyện Kiều, Nguyễn Du được đánh giá là bậc thầy về nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,…

Để phân tích, lí giải thấu đáo vấn đề cần nghị luận, cần đặt tác phẩm trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể và ý đồ sáng tác của nhà văn. Mỗi nhà văn đều gắn với một thời đại, một bối cảnh xã hội – lịch sử nhất định. Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn, được nhà văn sáng tạo trong một hoàn cảnh cụ thể và gửi gắm vào đó những nhận thức, những tình cảm,… của mình đối với cuộc sống và con người. Do đó, trong quá trình nghị luận, người viết không chỉ tiếp xúc với văn bản tác phẩm mà còn cần phải tìm hiểu, xem xét các yếu tố ngoài văn bản như bối cảnh xã hội, trào lưu văn học, hoàn cảnh sáng tác,… để có thể đưa ra những lí giải thấu đáo.

Ví dụ:

Bàn về số phận của người nông dân Việt Nam trong các tác phẩm Lão Hạc (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố) cần liên hệ với hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 để lí giải vì sao các nhân vật lão Hạc, chị Dậu bị đẩy vào con đường cùng quẫn, bế tắc. Khi phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ Khi con tu hú cần liên hệ với hoàn cảnh người tù cộng sản đang bị giam cầm nơi ngục tù, trong khi cuộc đấu tranh cách mạng ở bên ngoài đang diễn ra sục sôi,… để lí giải tâm trạng khao khát muốn được thoát khỏi ngục tù, vượt ra ngoài với bầu trời tự do của nhân vật trữ tình.

Hoặc khi phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, cần liên hệ với hoàn cảnh sáng tác (nhà thơ Thanh Hải viết bài thơ này trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, khi ông đang nằm trên giường bệnh) để khẳng định ý nghĩa sâu sắc và cảm động của khát vọng sống và cống hiến của một con người dù là lúc tuổi đôi mươi hay là “khi tóc bạc” và cận kề cái chết vẫn muốn được làm một “mùa xuân nho nhỏ” để “lặng lẽ dâng cho đời”.

– Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần liên hệ mở rộng và vận dụng thao tác so sánh cũng như khả năng cảm thụ văn chương và vốn tri thức về nhiều lĩnh vực để khái quát, tổng hợp nên những kết luận, đánh giá nhằm khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần nghị luận.

Ví dụ: Khi phân tích hình ảnh người chiến sĩ trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, cần đặt bài thơ vào hoàn cảnh đất nước trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; liên hệ, so sánh với những thành công, hạn chế của dòng thơ viết về anh bộ đội lúc bấy giờ để đánh giá được những đóng góp đáng ghi nhận của nhà thơ Chính Hữu.

– Trong bài nghị luận văn học, hệ thống luận điểm cần rõ ràng, mạch lạc; các luận cứ đưa ra phải đúng đắn, sinh động; lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục. Các ý trong bài văn được sắp xếp theo một trình tự hợp lí, liên kết thành một hệ thống chặt chẽ, mạch lạc. Bài văn nghị luận văn học vừa yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của nhũng luận cứ, vừa đòi hỏi tính khái quát của các luận điểm. Nếu sa vào liệt kê dẫn chứng cụ thể mà không rút ra được những nhận định, đánh giá khái quát thì sẽ không làm nổi bật được vấn đề cần nghị luận và không gây được ấn tượng cho người đọc. Do vây, việc kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, bình giảng,… các chi tiết, hình ảnh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà HS cần rèn luyện.

Cách diễn đạt trong bài nghị luận vãn học cần chuẩn xác, trong sáng, thê hiện những rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết. Khi viết một bài văn nghị luận văn học, yêu cầu đặt ra không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách đặt câu, dựng đoạn. Ngôn từ, giọng văn phải làm sao vừa phù hợp với thể văn nghị luận, vừa diễn tả được các cung bậc cảm xúc của người viết. Cần lưu ý rằng cách thể hiện cảm xúc thông qua ngôn ngữ diễn đạt trong nghị luận văn học không giống với văn miêu tả, văn biểu cảm (với các câu cảm thán kiểu “Chao ôi!”, “Đẹp làm sao!”,…) mà phải là những rung cảm trong tâm hồn người viết, được hình thành trong quá trình người viết tiếp xúc và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

2. Các dạng bài nghị luận văn học.

a. Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích):

Trong nghị luận văn học có một kiểu bài khá quen thuộc: nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Đối tượng nghị luận của kiểu bài này là các tác phẩm tự sự (có thể là tác phẩm trọn vẹn hoặc đoạn trích), sau đây gọi chung là tác phẩm truyện.

a) Hình thức nghị luận:

– Nghị luận về tác phẩm truyện khá phong phú, có thể bao gồm:

+ Phân tích tác phẩm truyện (phàn tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của truyện (hoặc một đoạn trích); phân tích nhân vật; phân tích một đặc điểm nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích);…);

+ Phát biểu cảm nghĩ vể tác phẩm truyện (cảm nghĩ về tác phẩm (đoạn trích); cảm nghĩ về một nhân vật; cảm nghĩ về một chi tiết đặc sắc;…);

+ Bình luận về tác phẩm truyện (bình luận về một nhân vật, một chủ đề của tác phẩm truyện,…).

– Việc phân định, tách bạch ranh giới giữa các hình thức nghị luận nêu trên chỉ là tương đối, trong thực tế có thể đan xen các hình thức nói trên. Tuỳ vào từng yêu cầu cụ thể của đề bài mà xác định mức độ, phạm vi, hình thức nghị luận chính cũng như sự kết hợp các hình thức nghị luận khác.

b) Các bước triển khai bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

– Xây dựng dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến đánh giá chung nhất vể tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) được nghị luận. Hoặc giới thiệu nội dung nghị luận; dẫn ra tác phẩm cẩn nehị luận.

+ Thân bài: Hệ thống luận điểm của bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đóạn trích) có thể được hình thành dựa trên:

• Nội dung được tác giả đề cập tới trong tác phẩm (hoặc đoạn trích).

• Giá trị của tác phẩm (hoặc đoạn trích) (bao gồm giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật; nếu bàn về giá trị nội dung thì tập trung vào giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo,…; nếu bàn về giá trị nghệ thuật thì tập trung vào kết cấu, nhân vật, ngôn ngữ, tình huống,…).

Trong quá trình triển khai luận điểm, cần sử dụng một hệ thống luận cứ phong phú, xác đáng để minh hoạ nhằm tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục cho những ý kiến đánh giá về tác phẩm.

+ Kết bài: Nêu khái quát nhận định, đánh giá chung về tác phẩm truyện (đoạn trích).

– Triển khai luận điểm: Các luận điểm có thể được triển khai theo hình thức diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phân – hợp,… Cần bám sát những chi tiết, những hình ảnh được coi là đặc sắc, có giá trị nhất trong tác phẩm để khai thác. Khi làm bài, cần thể hiện những suy nghĩ, những cảm xúc riêng được hình thành trong quá trình tiếp cận, khám phá tác phẩm.

– Viết thành bài văn hoàn chỉnh: Để bài văn có tính liên kết chặt chẽ giữa các phần, các đoạn, cần quan tâm sử dụng các hình thức chuyển ý (có thể thông qua các từ ngữ chuyển tiếp như: mặt khác, bên cạnh đó, không chì… mù còn… hoặc chuyển ý thông qua các câu văn có ý nghĩa liên kết giữa các đoạn).

c) Một số điểm cần lưu ý khi viết bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).

– Nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần rõ ràng, chính xác, có lập luận thuyết phục xuất phát những đánh giá về giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm (hoặc đoạn trích). Những nhận xét, đánh giá này có thể hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: từ những rung động, xúc cảm của bản thân người viết khi tiếp cận và khám phá tác phẩm; từ những nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học,… Việc phối hợp, dung hoà các điểm nhìn, các ý kiến trên sẽ góp phần làm cho nội dung nhận xét, bình luận về tác phẩm thêm xác đáng, sâu sắc, toàn diện, tránh được sự suy diễn theo ý chủ quan của người viết. Các nhận xét, đánh giá ấy phải được thể hiện thành những luận điểm và sắp xếp theo một trình tự chặt chẽ, lô-gíc.

– Trong quá trình nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích), cần sử dụng phương pháp liên hệ, so sánh, đối chiếu (liên hệ với cuộc đời và phong cách sáng tác của tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm; liên hệ, so sánh, đối chiếu với các tác phẩm khác cùng đề tài, cùng chủ đề;…). Nếu nghị luận về một đoạn trích của tác phẩm truyện thì phải đặt đoạn trích ấy trong mối quan hệ với chỉnh thể tác phẩm (về cả kết cấu nghệ thuật cũng như nội dung chủ đề), trên cơ sở đó mà phân tích, đánh giá, khẳng định vị trí, vai trò của đoạn trích trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

– Lời văn trong bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) phải vừa linh hoạt, khúc chiết, chặt chẽ để đảm bảo đặc trưng của văn nghị luận, vừa phải có sự uyển chuyển, tinh tế cho phù hợp với đối tượng nghị luận là tác phẩm văn học.

b. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của người viết về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy. Hình thức chính của kiểu bài nghị luận này là phân tích hoặc bình giảng.

a) Các bước triển khai bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

– Lập dàn ý:

+ Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đưa ra ý kiến khái quát nhất thể hiện cảm nhận và suy nghĩ của người viết về đoạn thơ, bài thơ. Hoặcgiới thiệu đề tài (hoặc chủ đề) và vị trí của mảng đề tài (hoặc chủ đề) ấy trong dòng chảy văn học, trên cơ sở đó dẫn ra tác phẩm và nêu nhận xét, đánh giá chung.

+ Thân bài: Triển khai các luận điểm chính của bài viết. Các luận điểm cần được sắp xếp theo trình tự hợp lí, có hệ thống và đảm bảo tính liên kết.

+ Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ; từ đó nhấn mạnh ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ đối với sự nghiệp sáng tác của tác giả, đối với nền văn học và đối với bạn đọc…

– Triển khai luận điểm:

+ Mỗi luận điểm nên viết thành một đoạn văn và cần lựa chọn cách triển khai đoạn văn hợp lí (diễn dịch, quy nạp hoặc tổng – phàn – hợp,…). Trong đoạn văn triển khai luận điểm, các luận cứ phải cụ thể, rõ ràng kèm theo các dẫn chứng minh hoạ sinh động. Lời văn phải thể hiện được cảm xúc của người viết đối với đối tượng nghị luận (đoạn thơ, bài thơ).

+ Trong quá trình triển khai luận điểm, cần chú ý:

• Việc trích dẫn thơ để minh hoạ cho ý kiến nhận xét, đánh giá phải có sự chọn lọc, tránh trích dẫn tràn lan.

• Những câu thơ, đoạn thơ trích dẫn phải được phân tích, bình giảng để làm nổi bật cái hay, cái đẹp, cái độc đáo. Có thể vận dụng haì hình thức trích dẫn thơ: dẫn trực tiếp (trích nguyên vẹn cả câu thơ, đoạn thơ) hoặc dẫn gián tiếp (nêu ý của lời thơ).

b) Một số lưu ý khi viết bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

– Trong quá trình nghị luận để rút ra những nhận xét, đánh giá về tư tượng, tình cảm cũng như giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, đoạn thơ, HS cần thể hiện được năng lực cảm thụ văn chương (khả năng thẩm bình để tìm được cái hay, cái đẹp của thơ) và khả năng diễn đạt, tạo lập văn bản: vừa súc tích, chặt chẽ, thể hiện chính kiến của người viết (yếu tố nghị luận) lại vừa gợi cảm, sinh động, thể hiện sự rung động đối với tác phẩm (yếu tố văn chương).

+ Thơ thuộc phương thức trữ tình, là cách biểu đạt bằng lời trực tiếp của chủ thể trữ tình, được thể hiện dưới hình thức cái tôi trữ tình hoặc hoá thân vào một nhân vật trữ tình. Do đó, nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần khai thác được mạch cảm xúc và tư tưởng của cúi tôi trữ tình trong tác phẩm. Muốn vậy, cần nhận ra được đó là lời của ai, tức là xác định chủ thể trữ tình trong dạng nhân vật trữ tình nào. Sự nhận biết này thường thông qua hệ thống ngôn từ, giọng điệu, qua những từ ngữ dùng để xưng hô trong bài thơ (nhân vật người cháu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt; tôi – ta trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải… ); hoặc là sự hoá thân của nhà thơ vào một nhân vật trữ tình để thể hiện tâm trạng nhân vật – còn gọi là cái tôi nhập vai (bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận…). Có trường hợp, trong bài thơ, ngoài cái tôi trữ tình chủ thể còn có một vài nhân vật khác, là đối tượng giao tiếp và đối tượng cảm xúc của chủ thể trữ tình (người bà trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, vầng trăng trong bài Ánh trăng của Nguyễn Duy…). Và nhiều khi, cái tôi trữ tình lại có vai trò là đường viền để làm nổi bật nhân vật được gọi là đối tượng cảm xúc của chủ thể trữ tình này (Bếp lửa).

+ Kết cấu là yếu tố thứ hai cần khai thác trong kiểu bài nghị luận về một bài thơ. Có nhiều cách kết cấu đối với tác phẩm trữ tình, nhưng về cơ bản thì kết cấu bài thơ chính là mạch diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nếu bố cục của một bài thơ là hình thức tổ chức bề mặt của nó (có thể chia tách được thành các khổ, các đoạn thơ) thì kết cấu lại là toàn bộ tổ chức phức tạp của bài thơ, bao gồm mọi yếu tố và tầng bậc của tác phẩm. Kết cấu chi phối việc tổ chức mọi yếu tố của tác phẩm (ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, cảm xúc,…) nhưng yếu tố cơ bản quy định kết cấu bài thơ lại chính là mạch diễn biến của cảm xúc, thể hiện thông qua hệ thống ngôn ngữ, hình tượng thơ.

– Nói đến kết cấu, cũng cần đề cập tới hai khái niệm: tứ và cấu tứ. Hiểu một cách đơn giản, tứ là sự hoá thán của ý tưởng và cảm xúc vào hình tượng thơ; còn cấu tứ là cách tổ chức tứ thơ. Một tứ thơ hay phải là tứ thơ tạo ra sự mới lạ, độc đáo, đem lại cho độc giả những bất ngờ thú vị thông, quạ việc tạo .tình huống nghệ thuật. Ví dụ: Bài Ánh trăng có tứ thơ độc đáo xoay quanh hai nhân vật chính là người và trăng, và sự thay đổi trong; mối quan hệ giữa hai nhân vật này được đặt trong các chặng thời gian khác nhau: Thuở nhỏ, thời chiến tranh ở rừng; thời hoà bình về thành phố… Để rồi trong tình huống bất ngờ “Thình lình đèn điện tắt”, vầng trăng tình nghĩa đột ngột xuất hiện đối diện với người.vô tình, như là sự khơi gợi, nhắc nhớ về nghĩa tình, về sự thuỷ chung đối với quê hương, đồng đội, với nhân dân, với quá khứ…

+ Ngôn ngữ thơ là yếu tố thứ ba cần được quan tâm khai thác trong quá trình nghị luận đối với tác phẩm trữ tình. Trong thơ, ngôn ngữ có chức năng biểu hiện, cụ thể là tâm trạng, cảm xúc, suy tư của chủ thể trữ tình. Khi phân tích ngôn ngữ thơ, cần chú ý khai thác các biện pháp nghệ thuật tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ,…),…

– Để sự phân tích, đánh giá, nhận xét thêm sâu sắc, người viết có thể viện dẫn ý kiến của người khác (thường là ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học). Đồng thời, trong khi phân tích, đánh giá đoạn thơ, bài thơ, cần có sự lịên hệ, so sánh, đối chiếu với những câu thơ, đoạn thơ, bài thơ khác cùng đề tài (có thể của cùng tác giả hoặc của tác giả khác) để nội dung phân tích, bàn luận được sâu sắc, toàn diện hơn.

C. Dàn bài cụ thể.

I. Mở bài:

– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)

– Nêu yêu cầu của đề: Giới thiệu khái quát về đối tượng cần bình luận (Phải trích lại ý kiến/nhận định trong đề…)

II. Thân bài:

1. Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:

– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 1 khía cạnh, 1 phương diện … của 1 tác phẩm văn học thì giới thiệu tuần tự về tác giả rồi về tác phẩm đó.

– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì nên làm như sau:

+ Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thứ nhất

+ Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm thứ hai

2. Giải thích ý kiến cần bình luận:

* Khi giải thích cần lưu ý:

– Bám sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.

– Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.

– Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ ý kiến nhận định mà đề yêu cầu bình luận.

– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì khi giải thích phải chỉ rõ sự giống nhau cũng như sự khác nhau giữa hai nhận định

3. Cảm nhận, làm rõ các đối tượng mà ý kiến/nhận định đề cập tới và bình luận về các ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu:

– Cảm nhận, làm rõ các đối tượng mà ý kiến/nhận định đề cập tới (2,5 – 3,0 điểm):

* Khi cảm nhận cần lưu ý:

– Bám thật sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.

– Do yêu cầu của đề, thời gian làm bài và dung lượng bài viết nên chỉ tập trung phân tích/cảm nhận để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới. Không được sa đà phân tích/cảm nhận mọi phương diện, khía cạnh của đối tượng hay phân tích/cảm nhận toàn tác phẩm.

– Sử dụng các thao tác lập luận như Phân tích, Chứng minh, So sánh…và vận dụng các kiến thức đã học về tác phẩm để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới.

– Việc phân tích, cảm nhận để làm rõ các tính chất/đặc điểm của đối tượng mà ý kiến/nhận định cần bình luận đề cập tới cần: Chính xác, tinh tế, sắc sảo, toàn diện và có suy nghĩ, cảm xúc…

– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 ý kiến/2 nhận định về 1 khía cạnh, 1 phương diện … của 1 tác phẩm văn học thì ở bước này cần:

+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định thứ nhất (Ví dụ: Người lính Tây Tiến mang dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước)

+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định thứ hai (Ví dụ: Người lính Tây Tiến mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp)

– Nếu đề yêu cầu bình luận 2 ý kiến/2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì ở bước này cần:

+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định về đối tượng thứ nhất (Ví dụ: Từ và sự nhẫn nhục của nhân vật)

+ Cảm nhận, làm rõ nội dung của ý kiến/nhận định về đối tượng thứ hai (Ví dụ: Người đàn bà hàng chài và sự nhẫn nhục của nhân vật)

– Khi cảm nhận, bên cạnh việc làm rõ các khía cạnh nội dung của ý kiến/nhận định cần bàn luận, cũng nên chú ý đến các dấu hiệu hình thức nghệ thuật như:

+ Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ, thể thơ, cấu trúc câu thơ, giọng điệu…nếu là ý kiến/nhận định về thơ

+ Vai trò, vị trí; điểm nhìn, nội tâm, ngoại hình của nhân vật; hoàn cảnh, tình huống, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu… nếu là ý kiến/nhận định về văn xuôi

* Bình luận về ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu:

– Trường hợp 1 trong 2 ý kiến sai thì ‎bác bỏ ý kiến sai (Ví dụ: Vội vàng là tiếng nói của cái tôi vị kỉ tiêu cực), khẳng định ý kiến đúng (Ví dụ: Vội vàng là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực)

– Trường hợp cả 2 ý kiến đều đúng thì khẳng định tính đúng đắn của cả 2 ý kiến theo cách sau:

+ Nếu bình luận 2 nhận định về 1 khía cạnh… của 1 tác phẩm thì hướng bình luận như sau: Khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau; giúp nhìn nhận toàn diện và thống nhất về đối tượng; giúp nhận thức sâu sắc hơn về đối tượng; thấm thía hơn ý tưởng nghệ thuật của nhà văn

+ Nếu đề yêu cầu bình luận 2 nhận định về 2 đối tượng trong 2 tác phẩm thì hướng bình luận như sau: Giúp người đọc nhận ra nét độc đáo của mỗi hình tượng; cảm nhận được điểm gặp gỡ, nét khác biệt trong cách nhìn nhận, mô tả đời sống, trong tư tưởng của mỗi tác giả.

* Khi bình luận cần lưu ý:

– Bám thật sát ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.

– Lời bình luận phải hợp lí, hợp tình; thái độ khiêm nhường, mềm mỏng nhưng kiên quyết, giàu sức thuyết phục…

III. Kết bài:

– Đánh giá khái quát, ngắn gọn về mức độ ĐÚNG ĐẮN – SÂU SẮC – TOÀN DIỆN của ý kiến/nhận định mà đề yêu cầu bình luận.

– Phát triển, mở rộng, nâng cao vấn đề.

D. 5 điều cần lưu ý trước khi làm bài.

1. Hiểu thật rõ những gì mình sẽ viết.

“Nếu bạn không thể giải thích cho đứa trẻ sáu tuổi hiểu được, thì chính bạn cũng không hiểu gì cả” – nhà bác học lừng lẫy thế giới Albert Einstein đã nói như vậy. Einstein rõ ràng không muốn chúng ta biến mọi đứa trẻ sáu tuổi thành bác học, mà ý ông nói rằng nếu ta thực sự nắm bản chất vấn đề, ta sẽ có được cách diễn giải rõ ràng và dễ hiểu.

Để thuyết phục người khác, bạn phải hiểu rõ ngọn ngành vấn đề mà mình trình bày. Để làm được điều này, bạn phải quản lý tri thức theo hai cấp độ: cấp độ tổng thể và cấp độ chi tiết.

  • Ở cấp độ tổng thể, bạn cần nắm vững sự tương quan giữa các đơn vị kiến thức liên quan đến vấn đề mà mình trình bày. Hai mối liên hệ bạn phải nắm: Mối liên hệ theo chiều dọc và mối liên hệ theo chiều ngang.
  • Mối liên hệ chiều dọc là mối liên hệ giữa các kiến thức được sắp xếp theo chiều hướng tăng tiến. Có thể đó là sự tăng tiến về thời gian, về độ khó, sự tăng tiến trong mối quan hệ nhân quả…
  • Mối liên hệ chiều  ngang là mối liên hệ giữa các kiến thức được sắp xếp đồng đẳng. Ví dụ như các tác phẩm văn học của cùng một tác giả, cùng một thể loại, cùng một trào lưu khuynh hướng…

Trên cơ sở nắm được mối liên hệ giữa các đơn vị lý thuyết, bạn mới có thể dễ dàng vận dụng thao tác so sánh, phân tích để làm sáng tỏ vấn đề. Phân tầng tri thức theo nhiều cấp độ sẽ giúp bạn lựa chọn được điều gì cần phải nói, và chọn được cách nói dễ hiểu nhất đối với những đối tượng người đọc khác nhau. Hãy nhớ điều này: Chỉ biết thôi thì chưa phải là hiểu, nắm vững mối liên hệ mới thực sự là hiểu.

Ở cấp độ chi tiết, bạn cần phải nắm được những điểm quan trọng nhất, những điểm ấn tượng nhất trong vấn đề mà bạn đang trình bày. Một số câu hỏi có thể đặt ra:

  • Chi tiết nào (trong tác phẩm văn học, trong dẫn chứng đời sống…) thể hiện rõ nét nhất, đầy đủ nhất vấn đề mà tôi đang trình bày?
  • Đâu là điểm ấn tượng nhất với tôi?
  • Điều gì tác động mạnh nhất vào cảm xúc của tôi?
  • Điều gì đã tạo ra sự thay đổi lớn về nhận thức trong tôi?…

Những chi tiết này sẽ là điểm sáng trong bài viết, nó là căn cứ để bạn khơi sâu vấn đề mình đang trình bày và tạo sự thuyết phục trong bài viết.

Hãy tập thói quen sử dụng sơ đồ để hệ thống hóa lại những đơn vị kiến thức cần nắm. Đồng thời, khi tìm hiểu tri thức, nên có thói quen ghi chép lại những điểm ấn tượng nhất, quan trọng nhất, trọng tâm nhất.

2. Xây dựng bố cục bài viết hợp lí.

Bố cục của bài văn nghị luận bao giờ cũng là một hệ thống các ý được sắp xếp theo tầng bậc rõ ràng và có mối liên hệ chặt chẽ giữa các phần.

Bài văn nghị luận không có nội dung thừa. Mọi lí lẽ, dẫn chứng đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận điểm. Mọi luận điểm đều nhằm mục đích làm sáng tỏ luận đề. Đây là điều bạn phải luôn luôn nhớ như in trong đầu mình khi triển khai vấn đề nghị luận. Hãy luôn tự hỏi mình: Tôi viết vấn đề này để làm gì? Những điều tôi đang viết phục vụ như thế nào đến việc làm sáng tỏ luận đề?

Sáng tỏ và thuyết phục – hai thần chú này luôn phải được niệm đi niệm lại.

Như vậy, tất cả các phần tạo ấn tượng cho bài viết chỉ thực sự có giá trị khi đặt trong tổng thể này. Trước bạn phải đặt những gì mình viết vào tổng thể bài viết và đảm bảo rằng nó thuyết phục, dễ hiểu. Sau đó mới sử dụng các tuyệt chiêu gây ấn tượng để chúng cuốn hút hơn.

3. Bám sát luận đề.

Tất cả các yếu tố trong bài nghị luận đều hướng về luận đề. Trong bài văn nghị luận, luận đề chính là dòng sông lớn mà tất cả lí lẽ, dẫn chứng, cách hành văn đều là những dòng suối nhỏ đổ về đó. Mục đích cuối cùng là chảy ra biển lớn – tâm trí bạn đọc nhằm thuyết phục họ.

Như vậy, bạn có thể dễ dàng hình dung rằng: Tất cả mọi yếu tố trong bài văn nghị luận đều hướng về làm sáng tỏ luận đề. Như vậy, luận đề luôn cần phải được nhắc đi nhắc lại trong bài nghị luận của bạn.

Mục đích cuối cùng của bài văn nghị luận là làm sáng tỏ luận đề, là nhằm mục đích thuyết phục người đọc về luận đề bạn đang trình bày. Như vậy, trong suốt bài viết của mình, bạn phải liên tục tự nhắc mình về luận đề, cũng là mục đích viết, và phải nhắc độc giả về luận đề, tức là mục đích họ đọc.

Bạn có thể nhắc lại luận đề trong bài văn nghị luận của mình bằng cách:

  • Sử dụng từ khóa của luận đề. Với các đề văn nghị luận, luận đề thường được khái quát trong những từ khóa quan trọng của đề bài. Việc đặt câu sử dụng các từ khóa gắn với luận đề sẽ là dấu chỉ để bạn biết chắc rằng mình không lạc hướng.
  • Sử dụng cấu trúc đoạn tổng phân hợp. Bạn mở đầu đoạn nghị luận bằng một câu chủ đề nhắc người đọc về luận đề sắp triển khai. Sau khi triển khai xong các lí lẽ, dẫn chứng, bạn quay trở lại chỉ rõ luận đề đã được làm sáng rõ như thế nào từ những điều mình vừa viết. Cách viết này sẽ giúp cho luận đề trở nên sáng rõ, giúp người đọc dễ theo dõi mạch lập luận của bạn.

Chú ý, việc nhắc lại vấn đề nghị luận không phải là cứ sao chép vô tội vạ từ khóa đề bài, cũng không phải cứ trích một cách máy móc nhận định trích trong đề bài. Quan trọng là phải chỉ ra được luận đề đã được triển khai như thế nào, được làm sáng tỏ như thế nào.

4. Lập luận cần đủ tiền đề và kết luận.

Tác giả Athony Weston, trong cuốn sách “A Rulebook for Argument” (Các thủ thuật để thành công trong tranh luận, bộ sách “Viết gì cũng đúng”, Alphabooks phát hành) đã đưa ra định nghĩa về tiền đề và kết luận như sau:

“Hãy nhớ rằng kết luận là lời phát biểu mà bạn phải đưa ra lý lẽ để chứng minh. Những lý lẽ mà bạn đưa ra dưới hình thức phát biểu gọi là tiền đề”

Hãy xem một số ví dụ sau:

Ví dụ 1:

Sống hết mình cho hiện tại.

Sống hết mình trong hiện tại, “cháy vèo trong gió” giúp bản thân mỗi người phát hiện và phát huy được năng lực tiềm ẩn, thỏa sức sáng tạo, cảm nhận được bao điều kì diệu trong cuộc sống. Con người với hoài bão, ý chí, không ngại khó khăn, sẵn sàng theo đuổi ước mơ của mình để đạt được thành công. Đặc biệt, những người sống hết khả năng luôn được mọi người yêu mến bởi họ đã gieo vào chúng ta ánh sáng hy vọng, tiếp thêm cho chúng ta động lực vững vàng để đối diện với nghịch cảnh trong đời. Chắc hẳn, mỗi chúng ta đã hơn một lần thán phục chàng trai Nick Vujicic – biểu tượng của sức sống mãnh liệt. Nick sinh ra không may mắn bị khuyết tứ chi, song không vì thế mà anh tuyệt vọng. Với lòng dũng cảm, tài năng, nghị lực phi thường, anh đã trở thành nhà diễn thuyết truyền động lực sống đến mọi người. Nick nói: “Tôi là một điều kì diệu. Bạn cũng là một điều kì diệu”. Điều kì diệu ấy có được chính là vì trong từng khoảnh khắc hiện tại anh đều tỏa sáng hết mình, dù cuộc đời còn nhiều đắng cay, đau khổ. (Trần Thị Thu Thảo).

– Tiền đề: Sống hết mình trong hiện tại giúp con người phát huy khả năng tiềm ẩn.-Sống hết mình trong hiện tại giúp con người có nghị lực vượt qua khó khăn thử thách và vươn tới thành công (Dẫn chứng: Nick Vujicic).

– Kết luận: Cần sống hết mình cho hiện tại

Ví dụ 2: 

Nếu thiếu đi thơ ca, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ vô cùng trống vắng.

Mặt khác, sức mạnh kì diệu và quảng đại của thơ cả có thể vươn tới hoàn thành nhiệm vụ của những môn nghệ thuật khác. “Thơ là thơ, là nhạc, là họa, là chạm khắc…”. Tính nhạc, họa, điêu khắc trong thơ không tồn tại dưới dạng vật chất nhưng luôn hiển hiện, đòi hỏi một khả năng cảm thụ tuyệt vời. Đến với thơ, người nghệ sĩ có cơ hội hòa quyện với niềm say mệ của toàn vẹn nghệ thuật, làm thơ mà như sáng tác nhạc, như điêu khắc, vẽ tranh. Điều kì diệu ấy nếu mất đi sẽ làm cho người nghệ sĩ trống vắng đến nhường nào?

 Nhà thơ Quang dũng là người nghệ sĩ đa tài. Ông làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc. Và tất cả tài hoa ấy hội tụ trong thơ ông:

“Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai pha luông mưa xa khơi”

(Tây Tiến)

Hai câu thơ miêu tả bức tranh dữ dội, hoang sơ mà nên thơ, lãng mạn của vùng núi Tây Bắc. Phép đối ở câu thơ thứ nhất như bẻ đôi nhịp thơ, đẩy hai về về hai hướng đối lập: Cao và sâu. Cao vời vợi, sâu thăm thẳm. Cái hay ở đây tác giả đã dùng cái cao để nói cái sâu, dùng cái sâu khôn cùng để tả cái cao vô tận. Đó là chất thơ của ngôn ngữ tạo hình giàu tính biểu cảm. Chất thơ ấy còn hòa quyện trong chất nhạc. Như Xuân Diệu từng nhận xét: “Đọc thơ Quang Dũng như ngậm nhạc trong miệng”. Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” với thanh bằng tuyệt đối đã hài hòa âm điệu, tiết tấu với câu thơ gân guốc, hiểm trở ở trên, tạo nên sự hòa quyện uyển chuyển, tưởng như đối nhau chan chát mà lại hòa hợp, gợi cảm, giàu sức hút. Người đọc như đang nghe một giai điệu thu hút giàu tiết tâu khi đang ngắm nhìn, tĩnh tâm nơi khoảng lặng của một bức tranh thủy rmặc nhòa đi trong màn mưa của cơn “mưa xa khơi”. Hình ảnh những ngôi nhà xa xa nhòa đi trong màn mưa xa ngái, mờ ảo còn chất chứa nỗi niềm về quê hương, gia đình của những người lính Tây Tiến trên đường hành quân gian khổ. Ta bắt gặp một ánh nhìn bình yên…

Như vậy, nhờ thơ ca, nhà thơ Quang Dũng đã bộc lộ hết tài hoa và xúc cảm cũg như tâm sự sâu kín, nỗi nhớ cồn cào trong mình. Nếu không có thơ ca thì sao? Ông vẫn có thể vẽ, vẫn có thể sáng tác nhạc. Nhưng liệu những gam màu có thay thế được cái sâu khôn cùng ẩn chứa trong những con chữ mà sức diễn đạt là vô hạn? Và liệu những giai điệu kia vừa có thể giàu tính tạo hình lại vừa có thể trĩu nặng cảm xúc, như thơ? Với Quang Dũng nói riêng và các thi sĩ nói chung, thơ là không thể thay thế. Với tư cách là nhà sáng tạo mà khả năng sáng tạo luôn thôi thúc, luôn sôi sục, nếu thơ mất đi thì những thi sĩ sẽ rơi vào bế tắc,như một kẻ bị giam cầm trong ngục tối mà không thấy ánh sáng, như tâm hồn sống cuộc đời thực vật. Nỗi mất mát ấy chẳng phải cũng đau đớn như “mồ côi” sao?

– Tiền đề:

+ Lí lẽ: Đến với thơ ca, người nghệ sĩ có khả năng hòa nhập tâm hồn mình với nhiều loại hình nghệ thuật khác, vậy không có thơ ca thì khoảng trống để lại là vô cùng.

+ Dẫn chứng: Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến è Nếu không có thơ ca, Quang Dũng vẫn có thể vẽ tranh, sáng tác nhạc, nhưng những cung bậc cảm xúc đa dạng mà thơ ca truyền tải thì không  thể thay thế được

– Kết luận: Nếu thiếu đi thơ ca, tâm hồn người nghệ sĩ sẽ vô cùng trống vắng.

Như vậy, trong bất kì phần triển khai luận điểm nào trong bài nghị luận, hai yếu tố tiền đề và kết luận luôn phải gắn chặt với nhau. Người đọc sẽ ngay lập tức hỏi “Tại sao” khi bạn trình bày kết luận mà thiếu đi dẫn chứng. Và họ sẽ hỏi bạn: “Thì sao” nếu chỉ nêu tiền đề mà chẳng dẫn tới kết luận nào cả. Hãy tự hỏi mình như vậy: Tại sao tôi có thể nói điều này? Tôi nói những điều này rồi thì sao? Hai câu hỏi này sẽ giúp bạn kiểm tra xem lập luận của mình đã đủ tiền đề và kết luận hay chưa.

5. Thuyết phục người đọc bằng lập luận vững chắc.

Công bằng mà nói, chẳng ai có nghĩa vụ phải đọc hết những gì bạn viết ra. Người đọc luôn có quyền lựa chọn.  Thống kê chỉ ra rằng trên Facebook  người ta chỉ mất 4s để quyết định xem có muốn đọc một bài viết hay không. Cuộc sống càng hối hả người ta càng vội vã, độ kiên nhẫn của người đọc giảm dần qua từng cái cuộn chuột trên bài viết của bạn. Vậy bạn nghĩ xem, ai muốn đọc một bài viết chỉ thao thao bất tuyệt về một cái tôi nào đó chẳng dính dáng đến mình?

Ngay từ định nghĩa, văn nghị luận đã không phải chỉ hướng về người viết. Nghị luận là thuyết phục ai đó về một quan điểm nào đó. Yếu tố người đọc được đặt ra từ trong định nghĩa. Bài viết của bạn chỉ có sự thuyết phục khi bạn hướng đến người đọc và trong đầu bạn luôn rõ ràng một mục đích tối thượng: Thuyết phục người đó.

Joe Vitale trong tác phẩm nổi tiếng “Thôi miên bằng ngôn từ” đã gợi ý một cách viết tuyệt vời để tạo sự thuyết phục. Ông khuyên các nhà viết quảng cáo hãy viết bài dưới dạng một lá thư, hình dung một người nhận cụ thể và viết thật chân thành để thuyết phục người đọc mua sản phẩm. Sau khi lá thư hoàn thành, biên tập thật cẩn thận, xóa đi các dấu  hiệu hình thức lá thư, biên tập lại thêm nhiều lần nữa, và ta có một bài viết hoàn hảo. Joe gọi đây là “bí quyết triệu đô”.

Đôi khi bạn không có đủ thời gian để làm tất cả các thao tác đó cho bài văn nghị luận của mình, nhưng bạn vẫn có thể rút ra bài học từ đó: Hãy hình dung về một người cụ thể trong quá trình viết. Và hãy viết để thuyết phục người đó. Thao tác này sẽ giúp cho quá trình viết của bạn có một định hướng rõ ràng hơn và các lập luận chặt chẽ hơn. Bạn sẽ không quên luận đề và mục đích làm sáng rõ luận đề. Khi đó, cảm xúc của bài viết cũng tự nhiên và chân thực hơn.

Ngoài ra, hãy thử tự hỏi mình xem bạn thích đọc một bài viết như thế nào, người đọc thích đọc một bài viết như thế nào? Sau đây là một số điều cần lưu ý:

  • Hãy viết ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Cho dù đủ kiên nhẫn, thì người đọc cũng sẽ không thiện cảm với những bài viết quá dài dòng và chẳng nói được điều gì rõ ràng, cụ thể. Nếu phải đọc một bài như vậy, đó là cực hình.
  • Nên trình bày theo kiểu diễn dịch hơn là kiểu quy nạp. Những thông tin chính phải đưa lên trước, những thông tin phụ đưa ra sau. Bởi đôi khi kết cấu quy nạp gây cảm giác khó chịu: Để hiểu điều bạn nói, người ta phải đọc một đống lí lẽ trong hoang mang, sau đó nhận ra ý chính ở cuối bài, lại phải lội ngược lên đọc lại. Rất khó chịu.
  • Gây ấn tượng, tạo sự thu hút nhưng đừng phô diễn. Trong bài văn cần có những điểm sáng để thu hút sự chú ý của người đọc. Nhưng những câu văn xáo rỗng, những hình ảnh vô nghĩa, những câu chuyện chẳng liên quan thì không có giá trị gì trong bài viết của ta cả. Hãy cân nhắc về việc phô diễn trong bài viết: Đôi khi điều bạn thấy hay không phải là điều người đọc thích. Chẳng ai quan tâm bạn phải dụng công làm ra nó thế nào, khi họ thấy không hấp dẫn họ từ bỏ.

Tham Khảo Thêm:  Cảm nhận hình ảnh đất nước trong 9 dòng thơ đầu đoạn trích Đất nước (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Hướng dẫn phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội chuẩn xác nhất

Hướng dẫn phương pháp làm bài văn nghị luận xã hội chuẩn xác nhất A. KHÁI QUÁT CHUNG Theo hệ thống lí luận của phương pháp dạy…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *