Những lưu ý khi làm bài LÍ LUẬN VĂN HỌC ở cấp THPT và luyện thi học sinh giỏi Văn
Hầu hết các đề văn nghị luận xã hội đều hướng đến yêu cầu học sinh bằng trải nghiệm văn học, sự hiểu biết về các tác phẩm văn học chọn dẫn chứng là các tác phẩm nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Muốn giải quyết yêu cầu này của đề, học sinh ngoài việc cần vận dụng thao tác giải thích để xác định vấn LLVH được nêu ra việc học sinh cần lựa chọn đúng, hợp lí dẫn chứng chứng minh là điều vô cùng cần thiết. Phần phân tích và chứng minh trong bài văn nghị luận chiếm một vị trí quan trọng quyết định việc bài văn có được triển khai đúng hướng vấn đề có được sáng rõ hay không và khả năng cảm thụ văn chương của học sinh như thế nào. Nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn dẫn chứng, ngữ liệu phân tích, chứng minh trong bài văn sẽ khiến cả giáo viên và học sinh có thái độ đúng đắn và dành thời gian thích đáng để rèn luyện kĩ năng này.
I. Cách chọn dẫn chứng, ngữ liệu phân tích.
1. Bước 1: Giải thích vấn đề nghị luận.
* Các kiểu đề nghị luận văn học trong đề thi HSG.
a. Kiểu đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
Đây là dạng hỏi thường thấy trong các đề thi học sinh giỏi. Đề thi bao gồm một ý kiến, một nhận định bàn về một phương diện nào đó của văn học (chức năng văn học, phong cách văn học, thể loại, quy luật sáng tạo và tiếp nhận…), yêu cầu học sinh bàn luận và chứng minh. Ví dụ như các đề thi HSG quốc gia như sau:
1. Mỗi hình tượng nhân vật phụ nữ thực sự thành công bao giờ cũng là kết quả của sự phát hiện sâu sắc về nữ tính. Bằng việc phân tích một số nhân vật phụ nữ tiêu biểu trong các tác phẩm đã học từ văn học dân gian đến văn học hiện đại, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên. (Năm 2011)
2. Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên (Năm 2014)
3. Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc. Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên (Năm 2015)
Yêu cầu đặt ra với phần giải thích của dạng đề này là học sinh phải khám phá những từ ngữ quan trọng trong nhận định, để từ đó nhận ra vấn đề cần nghị luận. Chẳng hạn với đề thi năm 2011, học sinh cần giải thích cách hiểu của mình về khái niệm “nữ tính” và những biểu hiện của nó trong văn học. Người viết cần hiểu được: nhận định nêu trong đề bài nhấn mạnh việc phát hiện phương diện nữ tính của người phụ nữ trong quá trình sáng tạo là nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của hình tượng nhân vật phụ nữ trong tác phẩm. Đồng thời thấy được, nhận định cũng gián tiếp đề cập đến một yêu cầu không thể thiếu đối với người nghệ sĩ chân chính: gắn bó với đời sống, hiểu biết kĩ lưỡng về cuộc sống, về con người; trong đó, có việc nhận thức thực sự sâu sắc về giới. Cần chỉ rõ: đây là một nhận định đúng đắn, sâu sắc đề cập đến một trong những yêu cầu cao về chất lượng đối với sáng tạo nghệ thuật.
b. Kiểu đề nghị luận về nhiều ý kiến bàn về một vấn đề văn học
Đề thi năm 2016 xuất hiện hai ý kiến cùng bàn về một vấn đề trong văn học: Marcel Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận những nhận định trên.
Hai ý kiến khác nhau nhưng cùng bàn về sự sáng tạo của người nghệ sĩ vừa mang dấu ấn cá nhân độc đáo, lại vừa in dấu ấn của thời đại. Đó là quy luật của sáng tạo nghệ thuật.
Như vậy, với dạng đề này đòi hỏi học sinh phải đi sâu khám phá, giải thích từng ý kiến, sau đó tổng hợp lại, rút ra mối quan hệ giữa các ý kiến để làm sáng rõ vấn đề nghị luận. Điều quan trọng là các em cần nhận thức rõ vấn đề cần bàn luận ấy thuộc lĩnh vực nào của lí luận văn học, để từ đó có cơ sở lí luận vững chắc cho bài viết của mình được sáng rõ, thuyết phục.
II. Luyện kĩ năng viết phần giải thích cho đề thi NLVH.
Nếu phần giải thích trong đề thi nghị luận xã hội đòi hỏi khả năng diễn giải, tổng hợp trên cơ sở những nhận thức xã hội tốt, thì phần giải thích trong nghị luận văn học đòi hỏi trước hết người viết phải nắm vững những kiến thức lí luận văn học, bởi nó là nền tảng cho mọi sự giải thích, cắt nghĩa, lí giải. Tất cả các nhận định được đưa ra bàn bạc trong đề thi đều hướng đến một vấn đề nào đó của lí luận văn học. Chẳng hạn với nhận định “Văn học chân chính ngay cả khi nói về cái xấu, cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện” (Trong đề thi HSG năm 2014) học sinh cần nhận rõ vấn đề bàn về bản chất, ý nghĩa của việc sáng tạo nghệ thuật. Hoặc nhận định của Đỗ Đức Hiểu: “Với tư cách là một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức một cách công phu bởi nó là một cách nói, một phương diện bộc lộ chủ thể tác giả nhà văn” bàn về một phương diện biểu hiện phong cách nghệ thuật nhà văn là giọng điệu.
Đối với một giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, không chỉ trang bị những kiến thức lí luận vững chắc, mà việc rèn kĩ năng viết cho phần học sinh cũng hết sức cần thiết. Thông thường, phần giải thích trong bài nghị luận văn học gồm các bước sau:
- Bước 1: Giải thích từng ý trong nhận định.
- Bước 2: Khái quát nội dung nhận định, rút ra vấn đề cần bàn luận.
- Bước 3: Vận dụng cơ sở lí luận để làm rõ vấn đề (Đi cùng với phần chứng minh).
Một lưu ý là với bài thi học sinh giỏi, phần giải thích nhiều khi không tách bạch hoàn toàn thành một phần riêng, mà nó có thể đan xen cùng với phần chứng minh, bàn luận để tăng tính thuyết phục, cũng như làm cho bài viết linh hoạt, sinh động hơn.
Bản chất của văn nghị luận là dùng những lí lẽ, dẫn chứng để thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó, nên diễn đạt phải thấu tình đạt lí, có sức truyền cảm. Vậy nên ngay trong phần giải thích, bên cạnh việc rèn tư duy, giáo viên cũng cần chú ý đến cách diễn đạt của các em trong việc làm sáng tỏ vấn đề. Muốn vậy, cần phải hướng dẫn các em ngay trong quá trình học tập, khi đứng trước một đề văn phải tuân thủ các bước cơ bản như tìm hiểu đề, tìm ý, viết nháp và sửa chữa. “Văn ôn võ luyện”, được thực hành nhiều kiểu bài khác nhau, các em sẽ nhuần nhuyễn hơn trong lối viết và cũng tự mình nhận ra cách viết phù hợp cho từng dạng bài.
2. Bước 2: Lựa chọn ngữ liệu phân tích để chứng minh.
Dựa trên những hiểu biết, khi đã giải thích để xác định vấn đề nghị luận học sinh cần lựa chọn ngữ liệu phân tích một cách phù hợp nhằm làm sáng tỏ vấn đề lí luận được đặt ra trong đề.
* Những căn cứ để chọn ngữ liệu phân tích.
a. Dựa chọn ngữ liệu phân tích dựa theo nội dung, kiến thức ,vấn đề LLVH đặt ra trong ý kiến được nêu ra.
– Trong ý kiến được nêu ra sẽ là những đánh giá về một hay vài mảng nội dung liên quan đến vấn đề LLVH như: thể loại (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch), chức năng văn học, đặc trưng, mối quan hệ nhà văn và quá trình sáng tác…Học sinh phải xác định chính xác những điều đó, nhận ra đâu là vấn đề chính, quan điểm của tác gia như thế nào rồi lấy đó làm cơ sở để lựa chọn ngữ liệu phân tích.
Ví dụ:
Nhà văn Pautôpxki quan niệm: “Sáng tác của nhà văn là để cho cái đẹp của trái đất, cho lời kêu gọi đấu tranh vì hạnh phúc, cho niềm vui và tự do, cho cái cao rộng của tâm hồn, cho sức mạnh của trí tuệ sẽ chiến thắng bóng tối, để chúng vĩnh viễn rực rỡ như một mặt trời không bao giờ tắt”. (trích Bông hồng vàng và bình minh mưa, Nxb Văn học, 2010)
Anh/chị hiểu như thế nào về quan niệm trên? Hãy làm sáng tỏ qua một vài tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn 11 THPT.
+ Vấn đề LLVH: Ý kiến bàn đến những chức năng đẹp đẽ của văn học đối với con người và xã hội trong đó có chức năng thẩm mĩ và nhận thức, giáo dục.
+ Dẫn chứng: Văn học dân gian( ca dao), Văn học viết( truyện , thơ), văn học nước ngoài.
b. Lựa chọn ngữ liệu phân tích chứng mình căn cứ theo một số hạn định được nêu trong yêu cầu của đề bài (thể loại, nguồn gốc…)
– Có những đề văn câu lệnh thông tin, định hướng cho người viết về cách chọn ngữ liệu song không hạn định bắt buộc ngữ liệu chọn cụ thể. Với những dạng đề này học sinh cần chú ý kĩ những gợi ý đó để chọn ngữ liệu sát nhất, đảm bảo nhất, giúp làm sáng tỏ vấn đề LLVH.
Ví dụ 1:
Alice Munro, bậc thầy truyện ngắn đương đại được trao giải Nobel năm 2013, từng chia sẻ: “Khi viết truyện ngắn, bạn phải cẩn thận để không làm nó giống thơ ca”.
Anh / chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một tác phẩm truyện ngắn trong giai đoạn 1930-1945.
– Như vậy ngữ liệu cần lựa chọn:
+ Vấn đề LLVH cần làm sáng tỏ: đặc trưng của thể loại truyện ngắn.
+ Ngữ liệu thuộc thể loại truyện ngắn
+ Giai đoạn: 1930- 1945.
+ Các tác phẩm tiêu biểu có thể lựa chọn: Hai đúa trẻ (Thạch Lam), Chí Phèo (Nam Cao), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
+ Số lượng ngữ liệu: 1 tác phẩm.
Ví dụ 2:
“Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tinh thần, do đó không đơn giản mà cũng không thần bí, thiêng liêng…Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần, nuôi tâm hồn phát triển, nó không được là thứ thuốc phiện tinh thần êm ái mà nhỏ nhen, độc hại…” (Phương Lựu)
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một số bài thơ trong phong trào Thơ Mới.
– Hướng dẫn:
Học sinh tự lựa chọn một số bài thơ Mới (trong hoặc ngoài chương trình) để chứng minh song yêu cầu tác phẩm phải tiêu biểu, phù hợp vấn đề lý luận và biết thông qua tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề lý luận.
* Bài thơ Vội vàng – Xuân Diệu
– Vội vàng là tiếng hát của trái tim:
+ Bài thơ là những cung bậc cảm xúc mãnh liệt và tinh tế của nhà thơ trước cuộc sống, là cái trào ra từ trái tim rung động mãnh liệt của người nghệ sĩ
+ Đứng trước những hiện thực cuộc sống, cảm xúc của Xuân Diệu trào dâng mãnh liệt và bùng nổ ra thành những lời thơ, những hình ảnh, những nhịp điệu gấp gáp.
+ Những tiếng hát từ trái tim nhà thơ thể hiện trong bài thơ:
- Sự sung sướng, háo hức tận hưởng vẻ đẹp của vườn xuân
- Sự nuối tiếc thời gian một đi không trở lại, nuối tiếc tuổi xuân và tình yêu
- Sự vội vàng, gấp gáp trong điệu sống
– Vội vàng – không đơn giản mà cũng không thần bí.
+ Thế giới tràn đầy hương sắc mà nhà thơ vẽ ra trong bài thơ vừa là một “thiên đường trên mặt đất”, là cảnh “bồng lai” song nhìn rõ hơn, đó chính là cảnh tượng một khu vườn xuân ở ngay trên mặt đất này với ong bướm, hoa lá, chim hót…
+ Có những sự thật, những vẻ đẹp vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng nhìn thấy, Xuân Diệu bằng tâm hồn khát khao giao cảm với đời đã nhận ra những quy luật trong cuộc sống và nâng nó lên thành những quan niệm thẩm mĩ mới mẻ:
- Cái nhìn thời gian tuyến tính một đi không trở lại, cuộc đời và tuổi xuân con người ngắn ngủi, hữu hạn
- Trong vũ trụ, tạo vật đẹp nhất là con người – con người khi sống giữa tuổi trẻ và tình yêu
– Vội vàng nuôi dưỡng tâm hồn người đọc:
+ Bài thơ giúp mỗi chúng ta biết trân trọng sự sống, tận hưởng hạnh phúc ngay trên mảnh đất trần gian, ngay trước mắt
+ Bài thơ rèn luyện cho mỗi chúng ta biết rung cảm, biết khơi dậy các giác quan để tận hưởng, thưởng thức đến tận độ bức tranh thiên nhiên
+ Bài thơ giúp mỗi người nhận ra giá trị quý giá của thời gian, từ đó biết trân trọng từng giây phút mình đang sống sao cho có ý nghĩa nhất
+ Bài thơ thúc đẩy mỗi người cần thức tỉnh chính mình, sống vội vàng, gấp gáp, chạy đua với thời gian, sống có ý nghĩa.
c. Lựa chọn ngữ liệu dựa theo hiểu biết của bản thân, sở trường của bản thân người viết.
– Sau khi đã liệt kê tất cả các ngữ liệu đảm bảo tất cả các yêu cầu về kiến thức LLVH về hạn định hướng hạn định của người ra đề, học sinh lựa chọn những ngữ liệu dựa theo năng lực văn chương của bản thân. Lựa chọn các tác phẩm, các tác giả, các vấn đề mà mình hiểu biết nhất, tâm đắc nhất, mới mẻ nhất điều đó giúp học sinh thể hiện hết hiểu biết, khả năng cảm thụ và tạo được sự sáng tạo nhất.
d. Lựa chọn dẫn chứng mới mẻ phát huy tính sáng tạo.
– Với những đề bài người ra đề muốn phát huy sự sáng tạo cao nhất của học sinh thường sẽ để “ đất” cho học sinh chọn dẫn chứng. Học sinh có thể chọn những ngữ liệu nằm ngoài chương trình có tính tiêu biểu, ngữ liệu tiêu biểu điển hình của văn học đương đại trong và ngoài nước. Điều này giúp bài viết của học sinh sâu sắc và mới lạ có tính thời đại, thực tế cao hơn.
– Ví dụ:
“Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người”?
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.
III. Một số yêu cầu đặt ra nhằm tránh những lỗi trong việc chọn ngữ liệu phân tích chứng minh vấn đề LLVH của học sinh chuyên văn.
-Thông thường, với những đề không giới hạn phạm vi dẫn chứng, các em dễ chọn viết những điều mình thuận hơn là quan tâm đáp ứng yêu cầu của đề. Có khi, các em do được cho thỏa sức vung bút nên ham diện rộng mà quên đi vào chiều sâu. Tỉ dụ như, có thể do mải đề cập đến nhiều phương diện của sáng tạo, của phong cách nhà văn mà không tinh ý nhận ra là nên tập trung vào mặt tư tưởng của phong cách. Ngữ liệu chứng minh được chọn không có tính điển hình, tiêu biểu. Ngữ liệu phân tích hay, toàn diện nhưng lại không tập trung sáng tỏ được vấn đề LLVH được yêu cầu. Dẫn chứng chọn lựa dàn trải, quá nhiều mà không được phân tích làm sáng tỏ vấn đề LLVH. Dẫn chứng mở rộng lại được phân tích kĩ hơn dẫn chứng chính.
– Một số yêu cầu đặt ra khi lựa chọn ngữ liệu:
+ Ngữ liệu đúng với vấn đề LLVH được nêu ra.
+ Ngữ liệu có tính điển hình, tiêu biểu.
+ Đa dạng phong phú về thể loại,mới mẻ.
+ Có ngữ liệu chính phụ trong quá trình phân tích chứng minh.