Chứng minh: Văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực trong cuộc sống

chung-minh-van-hoc-co-kha-nang-giup-con-nguoi-hoa-giai-nhung-ap-luc-trong-cuoc-song

Chứng minh: “Văn học có khả năng giúp con người hóa giải những áp lực trong cuộc sống”

Văn học như suối nguồn mát lành chảy vào tâm hồn, thanh lọc lòng người, xua tan những mệt mỏi, u uất, khổ đau và thù hận, tiếp thêm niềm tin để con người mạnh mẽ đối mặt với bão giông. Qua lời kể của những người đã kéo lê cuộc đời mình qua nhiều thập kỷ, chứng kiến bao biến động của xã hội và lòng người, tôi biết rằng thời mà tổ tiên tôi sống trước đây văn chương vẫn còn được giữ nguyên vị trí trong đời sống tinh thần của dân tộc. Khi thời cuộc đổi khác, giữa lúc khoa học phát triển mạnh mẽ, con người cùng lúc phải đối mặt với nhiều áp lực tinh thần, một câu hỏi đặt ra rằng: ánh sáng của văn chương có còn đủ diệu kỳ để xuyên thấu lòng người, văn học có còn đủ sức cảm hóa lòng người, “hóa giải” những áp lực của con người trước muôn nghìn vấn đề cần phải lo nghĩ?

Từ thuở bình minh nhân loại, con người đã biết mượn văn học để diễn tả đời sống nội tâm, đối đáp, giao duyên, xua tan vất vả nhọc nhằn trong công việc đồng áng. Những năm tháng “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc – Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”, văn học song hành cùng lịch sử dân tộc, những trang viết mang sứ mệnh “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, văn học dấn thân vào cuộc chiến, văn học xuống đường hòa cùng dòng người trên trăm nghìn nẻo đường ra trận, cổ vũ chiến đấu, đánh đuổi quân thù, trở thành thứ “vũ khí” đắc lực trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Suốt hành trình đó, văn học đã đóng góp không nhỏ cho xã hội, tác động sâu sắc vào lòng người. Văn chương trở thành cứu cánh cho những tâm hồn đang vật vờ trong bóng tối không tìm thấy lối ra, cứu rỗi con người khi họ đang đứng bên bờ vực của cái xấu, cái ác, cái chết.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Công nghệ 4.0 đã tác động đến tất cả các ngành, các lĩnh vực. Ngày nay, máy móc và con người đã có thể giao tiếp với nhau, đem lại hiệu quả không nhỏ cho sự phát triển của xã hội. Khoa học kĩ thuật đã giúp đỡ con người rất nhiều, giải quyết được những vấn đề cấp thiết trong xã hội mà giả sử con người tự thân vận động chắc hẳn sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực.

Thế nhưng, dẫu máy móc có nâng đỡ con người lên tận sao Hỏa, Cung Trăng thì nó cũng không thể “hóa giải” hết những áp lực tinh thần mà con người đối mặt hứng chịu giữa xã hội bề bộn, đầy biến động. Dẫu là những môn nghệ thuật thuần túy như hội họa, âm nhạc, sân khấu, vũ đạo… cũng khó lòng mà thay thế nghệ thuật ngôn từ – văn học. Chỉ có văn học mới khơi gợi sự liên tưởng, tưởng tượng, những khoái cảm trong tâm hồn con người, khiến cho lòng người trở nên thanh sạch hơn. Tựu trung, văn chương là sản phẩm tròn trịa của sự kết hợp giữa lí trí và tình cảm con người. Không khoa trương khi nói rằng: văn học là nguồn sáng diệu kỳ, là những long lanh tinh túy, mang vẻ đẹp cao cả nhân văn.

Chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn để “giải khuây”, “hóa giải” những áp lực trong cuộc sống, tuy nhiên, sự lựa chọn tuyệt vời nhất chính là văn chương. Vì sao vậy? Sinh thời, nhà văn Thạch Lam đã từng nói rằng: “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học như một “màng lọc” lọc bỏ những bụi bặm, những xô bồ, nhốn nháo, xấu xa… đưa vào tâm hồn chúng ta những điều ngọt ngào và êm dịu nhất.

Bao giờ chúng ta cũng muốn ngắm một bông hoa đẹp, nghe một bài hát hay, một giai điệu du dương, mong muốn được cảm thụ cái đẹp và khát khao vẻ đẹp cho mỗi phần đời của chính mình. Văn thơ đã mang đến muôn nghìn vẻ đẹp cho con người, giúp người đọc hình dung ra được thế giới sống có cỏ cây, hoa lá, muông thú, những người “thực sự Người hơn” đang phập phồng ẩn hiện trong suy tưởng của chúng ta. Khi ta đương sống giữa Sài Gòn nóng ran người, mồ hôi nhễ nhại, thật khó có thể tìm một thước phim, bức ảnh nào có thể đưa ta về với một Hà Nội mùa thu se sắt thịt da bằng “Hà Nội phố” của nhà thơ Phan Vũ mà ta cứ ngỡ rằng tác giả đã gieo nhạc vào thơ:

Em ơi! Hà Nội – phố…
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Sũng ướt bậc thềm.
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má.
Một chút xanh hơn.
Trời Hà Nội.
Hôm qua…

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu”

Người đọc có thể cảm nhận được phong vị mùa thu Hà Nội với những đặc trưng rất riêng: cơn mưa rào vội vã, chiếc lá bàng đỏ lựng, đôi má hồng hào, những gánh hàng hoa dọc băm sáu phố phường… Mùa thu về gợi nhớ gợi thương. Lời thơ cũng nhịp nhàng, êm ái như lời hát bởi lối vắt dòng tự nhiên, dạt dào xúc cảm. Đọc “Hà Nội phố”, người đọc tự nhiên thấy mình yêu Hà Nội quá, cảm nhận lòng mình dịu mát quá, tựa hồ như mình cũng là người con của Hà Nội dấu yêu.

Tham Khảo Thêm:  Nghị luận: Rồi đây, có thể xuất hiện những cỗ máy biết viết văn, làm thơ. Lúc đó, sáng tạo văn học có còn là độc quyền của con người? Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày quan điểm của mình.

Đôi khi giữa sự sống xô bồ, vội vã, vần vũ, con người lạnh lùng bước qua nhau không một câu chào, ta cảm thấy lòng mình cô đơn quá đỗi, dường như chỉ có một mình. Ai đó lại nhẹ nhàng tìm đến văn chương. Rõ ràng văn chương không giới hạn bất kì ai, lĩnh vực nào? Tôi đã từng đến thăm căn nhà gỗ nhỏ của một người bạn làm kinh doanh bất động sản, thật ngạc nhiên khi bạn dành hẳn một giá sách văn học, sách bồi dưỡng tâm hồn bên cạnh giá sách chuyên ngành. Mới hay, văn chương chính là liều thuốc hữu hiệu chữa mọi cảm xúc: cô đơn, buồn bã, chán nản, u sầu của con người.

Văn chương nhân văn đến vậy! Ta ngồi một chỗ vẫn có thể giao lưu được với con người mọi thời đại, mọi dân tộc, trong quá khứ, ở hiện tại hay tận tương lai. Đọc “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân, ta như được tặng một tấm vé ngược về quá khứ, chạy nhảy giữa tuổi thơ trong không gian làng quê yên bình với cầu tre, con đò, dòng sông êm đềm sóng vỗ. Để từ đó ta nhận ra rằng: mỗi người đều có một miền ký ức xinh đẹp lung linh. Cuộc sống hối hả, tấp nập, đôi chân tay có lúc chạy theo danh vọng và đồng tiền mà đánh rơi ký ức. Ký ức chỉ nằm đâu đó chứ không bỏ ta mà đi, một khi ta tìm về thì ký ức vẫn sẵn sàng ánh lên những giọt sáng và hơi ấm yêu thương ru ta vào những bình yên, tiếp sức cho ta trên bước đường kế tiếp:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông”…

Và từ đó, ta hốt hoảng nhận ra rằng, dường như mình đã bội bạc với quê hương. Cuộc sống thị thành, những sản phẩm của khoa học, kỹ thuật hiện đại đã làm mình quên đi “nón lá nghiêng che” của mẹ, “vàng hoa bí”, “hồng tím giậu mồng tơi” của bà, “màu hoa sen trắng tinh khôi” mọc lên giữa lòng đất bùn màu mỡ:

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…”

“Nếu ai không nhớ” cội nguồn thì sẽ chẳng bao giờ nên người, mọi sự thành công đều chẳng còn ý nghĩa nữa đối với mỗi chúng ta. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc như một lời cảnh tỉnh những người sống giữa những xa hoa, phát triển mà quên lãng quê hương máu thịt của mình.

Rõ ràng, văn chương tiếp thêm cho chúng ta những tình cảm mới. Mạch nguồn cảm xúc của con người như một dòng nước, đôi khi bị nghẽn lại bởi những hòn đá to, đôi khi chảy xuôi, êm ả giữa muôn nghìn hoa cỏ. Văn chương đã khơi thông nguồn cảm xúc của con người. Trong xã hội ngày nay, những áp lực đã khiến con người trở nên vô cảm hơn. Căn bệnh vô cảm đã dần đánh mất phần “Người”, để chúng ta sống như một “cỗ máy”, theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Chúng ta thờ ơ với những hoàn cảnh khốn khổ, chịu nhiều bất công trong cuộc sống. Văn chương là một trong những phương thuốc chữa trị căn bệnh đó của con người. Bởi lẽ văn học mang giá trị cứu rỗi, cảm hóa lòng người, khiến con người dạt dào tình cảm hơn. Văn học đã nhân đạo hóa con người, khiến con người tốt hơn mỗi ngày, nó “làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn” (M.L.Kalinine).

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình tượng nhân vật Đào trong truyện ngắn “Mùa lạc” của Nguyễn Khải vẫn còn ám ảnh, lay đọng tâm trí người đọc. Đó là một cô gái xấu xí, “sồ sề”, số phận bất hạnh: “Lấy chồng từ năm mười bảy tuổi, nhưng chồng cờ bạc, nợ nần nhiều lần bỏ đi Nam”, “đứa con trai lên hai thì chồng chết. Cách mấy tháng sau đứa con lên sài bỏ chị đi để chị ở một mình”. Đào rày đây mai đó, lam lũ mà sống, đôi lần từ bỏ, phó mặc, buông xuôi, không định nắm níu vào cuộc đời nữa. Nhưng rồi chị đã tìm thấy niềm vui của chính mình từ cuộc sống lao động, sự lạc quan của nông trường Hồng Cúm sau chiến tranh. Tất cả đã vực dậy lòng ham sống, để Đào nhận ra: “cuộc đời mình chưa phải đã tắt hẳn”. Chị lại sống, sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị đã truyền đi nguồn năng lượng tích cực, cảm hứng sống mãnh liệt cho bao người từng đọc qua “Mùa lạc” – truyện ngắn thành công của Nguyễn Khải. Một người đàn ông mang tên Quách Hữu Đức từng có quãng đời lầm lạc, tội lỗi, chuyên đi cướp giật để kiếm miếng ăn sau khi đọc xong truyện ngắn “Mùa lạc” đã hoàn lương, quay đầu làm lại cuộc đời, rằng: “Truyện “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải đã cho tôi tư tưởng hoàn lương và làm người. Tôi rất biết ơn ông nhà văn ấy”. Thế chẳng phải “Mùa lạc” mang giá trị cứu rỗi, giá trị cảm hỏa con người hay sao?

Tham Khảo Thêm:  Nghị luận về vai trò và ý nghĩa của sự tử tế đối với mỗi con người

Ngày nay, con người chìm đắm trog vật chất tiện nghi, thế giới ngoài kia chẳng còn là ao ước. Nhưng từ đó, những chuyến về nhà ngày một thưa thớt hơn. Đã bao lâu ta xa gia đình, đã bao lâu ta không được nắm bàn tay cha, nhổ sợi tóc sâu trên mái đầu của mẹ? Đã bao lâu ta không nói câu thương mẹ nhất trên đời? Tình cảm thiêng liêng đôi khi bị phủ mờ, vì vô tình, vì nhịp sống hay công danh làm mờ đi mọi thứ. Để rồi khi ta vô tình đọc bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Quân, ta sao khỏi ngăn dòng nước mắt khi nghĩ về người phụ nữ tóc bạc, lưng còng vẫn lặng lẽ ngồi chờ ta về với vòng tay ấm áp?

“Con sẽ không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi có trở lại bao giờ
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
Ai níu nổi thời gian?
Ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi.

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”

Nếu nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhận ra: “Lưng mẹ cứ dần còng xuống – Cho con ngày một thêm cao” thì Đỗ Trung Quân lại bất chợt nhận ra rằng: “Con mỗi ngày một lớn lên – Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi”. Sự đối lập giữa mẹ và con, tuổi già và sức trẻ, bình minh và xế bóng, vui sướng và cô lẻ khổ cực trăm bề giúp chúng ta nhận ra thực tại phũ phàng, rằng chúng ta đang xa rời mẹ khi lưng còng tóc bạc. Khoảng cách ngày một lớn, mà nỗi nhớ của mẹ cứ ngày một thêm đầy. Ta nhận ra còn có mẹ ở quê nhà ngóng đợi ta mỗi ngày, còn ta cứ mãi chạy theo những hiện đại, cao sang, những ước mơ tưởng chừng như vĩ đại. Ta bật khóc. Ta lại tìm về hơi ấm mẹ thương yêu. Bài thơ của Đỗ Trung Quân khiến ta xúc động vô cùng, trăn trở, nghĩ suy về phận làm con đối với đấng sinh thành dưỡng dục. Từ đó, ta sẽ thêm yêu mẹ – “người phụ nữ của đời mình”, sẽ ôm mẹ vào lòng để bù đắp những ngày ta “xa vòng tay của mẹ”.

Những thiết bị khoa học, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giải quyết công việc cho ta một cách tỉ mỉ, chính xác, nhanh chóng, nhưng không thể dạy ta về lòng trắc ẩn, sự nhân hậu, nghĩa tình. Văn học đã giúp con người tự cứu rỗi bản thân mình, đem đến cho ta những bài học quý giá về lẽ sống để chúng ta phấn đấu ngày một tốt hơn. Ta có ca dao – dân ca – trí khôn muôn đời của nhân dân ta, kho tàng kiến thức quý báu dạy điều hay lẽ phải; về lòng nhân ái: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; về sự thủy chung, ân nghĩa, ân tình: “Cây đa cũ, bến đò xưa – Bộ hành có nghĩa nắng mưa cũng chờ”; về lòng biết ơn tổ tiên, cội nguồn: “Con người có tổ có tông – Như cây có cội, như sông có nguồn”; về nghĩa vợ chồng trước sau như một: “Chồng em áo rách em thương – Chồng người áo gấm, xông hương mặc người”…

Ta có “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam khuyên ta rằng: sống là phải ước mơ như Liên và An, dẫu ước mơ đó còn nhỏ nhoi, mờ mờ trước mắt. Trong cuộc sống khổ nghèo nơi phố huyện tăm tối trước Cách mạng tháng Tám, hai đứa trẻ – hai mầm non thiếu sáng – sống trong buồn bã, tù đọng, nhưng hằng đêm vẫn đợi chờ chuyến tàu từ Hà Nội về ngang qua phố huyện. Đó là chuyến tàu của mơ ước, của hi vọng, nó mang đến cho phố huyện một thế giới khác tươi đẹp hơn cái cảnh sống ê chề, tăm tối trong khoảnh khắc ngắn ngủi, khiến phố huyện “sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Hai đứa trẻ trong câu chuyện cùng tên và những con người sống trong phố huyện nghèo khổ này như chị Tý, bác Phở Siêu, bác Xẩm… cũng mong đợi, ước mơ: “Chừng ấy người trong bóng tối đang mong đợi một cái gì tươi sáng cho cuộc sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. “Cái gì tươi sáng” là gì thì chính cha đẻ của “Hai đứa trẻ” cũng không biết. Nhưng sống là phải ước mơ. Thế mới trọn vẹn một phần đời được sống!

Tham Khảo Thêm:  Suy nghĩ về đức tính khiêm tốn qua câu chuyện Giếng nước tĩnh lặng

“Người thầy đầu tiên” của Aizmatop – một nhà văn vĩ đại Kyrgyzstan – lại giáo dục chúng ta về nghĩa thầy trò. Câu chuyện về thầy Đuysen và tình thầy trò giữa Đuysen và cô bé Antưnai năm nào hiện lên trong bức thư mà bà viện sĩ gửi về. Bức thư chính là “lời xưng tội” của bà trước mọi người để “lương tâm tôi càng đỡ cắn rứt”. Cô học trò nghèo Antưnai ngày xưa giờ đã trở nên thành công, nổi tiếng, sống ở Mátxcơva. Cuộc sống và công việc khiến Antưnai Xulaimanôva quên đi hình bóng thầy Đuysen và những hồi ức đẹp về hai cây phong sừng sững trên ngọn đồi trong ngôi làng Kukurêu. Hình ảnh thầy Đuysen hiện lên thật hiền hậu, nhân từ, nhưng cũng đầy mạnh mẽ và bản lĩnh.

Thầy đã đưa ánh sáng của tri thức về ngôi làng nghèo nàn, lạc hậu này trong những năm Xô Viết chìm trong cảnh tăm tối. Trường được mở, thầy Đuysen trở thành giáo viên duy nhất vừa vận động người làng cho con đến trường, vừa dạy chữ. Đậm sâu trong trí nhớ của Antưnai là khoảnh khắc hai thầy trò trồng hai cây phong nhỏ. Hai cây phong “còn non, vừa cao bằng người tôi, thân biêng biếc” cũng giống như Antưnai lúc bấy giờ. Hai cây phong sẽ vươn lên, mạnh mẽ với cuộc đời cũng như niềm mong mỏi của thầy Đuysen đối với Antưnai.

Rõ ràng, những điều thầy mong mỏi đã trở thành hiện thực. Cô bé ngày nào giờ đã xa làng quê thân yêu, “đã được học trong một thành phố lớn như Đuysen vẫn ước mơ, trong những nhà trường lớn”, sau đó thì được đến với ánh sáng lộng lẫy của Mátxcơva, vào viện Mác – Lênin, trở thành người nổi tiếng. Hình bóng thầy Đuysen xa dần, để rồi một ngày người phụ nữ thành đạt ấy bất chợt nhớ về khi được hai cây phong khơi nhắc, bà lại đau đớn, xót xa, tủi hỗ vô cùng vì đã quên đi chính “người thầy đầu tiên” đã kéo mình ra khỏi cuộc sống tối tăm, tiền đề cho sự thành công hôm nay. Truyện thấm đẫm tính nhân văn, để lại bài học sâu sắc về thái độ sống của trò đối với thầy, đối với quê hương nguồn cội.

Nhìn chung, chúng ta có thể “hóa giải” những “áp lực” trong cuộc sống hôm nay bằng văn chương. Mặc dù văn chương đã đứng về vị trí khiêm nhường, nhưng vẫn không có loại hình nghệ thuật nào có thể thay thế được nó. Với tôi, chỉ có thể nói rằng văn học đứng ở vị trí khiêm nhường chứ không nên nói rằng văn học sẽ hoàn tàn bị lấn lướt, sẽ lép vế, tàn lụi hoặc đào thải ra khỏi đời sống tinh thần của con người. Chỉ một bộ phận người thờ ơ với văn chương chứ không phải là tất cả.

Văn học vẫn là một hình thức nghệ thuật được ưa chuộng, vừa để bồi đắp tâm hồn con người, vừa mang tính giải trí, thư giản sau những bận bịu thường nhật. Những cây bút vẫn chuyên tâm sáng tác, vẫn hết mình mượn con chữ để trao truyền cảm xúc và tư tưởng nhân hậu tốt đẹp, thể hiện cảm xúc thẩm mĩ lan tỏa giữa cuộc đời. William Faukner đã từng nói: “Tiếng nói của các thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những trụ cột giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng”. Sứ mệnh văn chương là trụ cột tinh thần vững chải, là ánh sáng của hi vọng, niềm tin luôn rực sáng trong lòng người.

Từ vấn đề liệu văn học có khả năng hóa giải những áp lực của con người trong xã hội hôm nay? Ta có thể mạnh mẽ mà khẳng định rằng: Văn học có thể làm được điều đó, nếu người cầm bút ý thức, trách nhiệm cao trong nghề viết văn. Một khi đã lựa chọn con chữ làm người bạn đường song hành thì phải có bổn phận viết nên những điều tốt đẹp cho cuộc đời, ngợi ca “sự công bình, lòng bác ái” (Nam Cao). Người cầm bút phải tự thân hướng đến những chân lí cao đẹp, công lí và đạo lí làm người, làm êm ái lòng người, xây dựng nhân cách con người qua từng câu chữ.

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *