Đặc điểm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài)

dac-diem-phuong-phap-sang-tac-hien-thuc-xa-hoi-chu-nghia-trong-vo-chong-a-phu-to-hoai

Đặc điểm phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa trong “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài)

Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác của trào lưu văn học nghệ thuật ra đời và phát triển trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp lập và xây dựng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước trên thế giới[1]. Theo giáo trình lý luận văn học, Hà Minh Đức, đặc trưng của phương pháp này chính là sự khai thác cả những vùng nghịch chiều và những vùng thuận chiều của lịch sử. Những vùng thuận chiều của lịch sử chính là sự vận động biện chứng của hiện thực trên quy luật khách quan của lịch sử. Nhà văn sáng tác theo phương pháp này nhìn hiện thực theo chiều hướng vận động của nó, và nhận biết được chiều hướng phát triển của hiện thực. Chính vì lẽ đó, họ có thể tìm ra được một con đường cho nhân vật, thuận theo sự phát triển tất yếu theo quy luật lịch sử.

Biểu hiện rõ nhất của việc khám phá những vùng thuận chiều của lịch sử đó là, các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa đã nhìn ra được sức mạnh tự giải phóng của con người. Mà ở trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã rất sắc sảo khám phá ra sức mạnh to lớn ấy ẩn trong sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, thể hiện đậm nét trong đêm tình mùa xuân.

Mị là cô con dâu gạt nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Mang tiếng là con dâu, nhưng Mị trong gia đình thống lý không khác gì một người ở, một người ở bị bóc lột đến tận cùng cả về thể xác và tinh thần. Đánh mất tình yêu đầu đời, rời xa gia đình, làm quần quật quanh năm, Mị dần trở nên chai lỳ trước hoàn cảnh, sống như một cái bóng, một “con rùa lùi lũi nơi xó cửa”, không còn nhận thức được quá khứ, hiện tại, và cả tương lai, không còn muốn chết – cũng có nghĩa là không còn khao khát sống. Mị thu mình vào trong cái vỏ trơ lì, dập tắt hết mọi cảm xúc và nhận thức, hoàn toàn tê liệt về tinh thần. Đó là cách cô gái Mèo tội nghiệp thích nghi với hoàn cảnh sống khắc nghiệt, “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.

Vượt qua những ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài “lúc nào cũng cúi đầu, mặt buồn rười rượi”, trơ lì và tê liệt về tinh thần, Tô Hoài đã khám phá ra sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị. Khung cảnh mùa xuân đã cộng hưởng với tâm hồn của Mị, đã trở thành một tình huống đặc biệt để khơi dậy những khao khát sống mãnh liệt tưởng chừng ngủ yên trong Mị. Tiếng sáo gọi bạn tình và tiếng hát văng vẳng trong không gian đã gợi thức trong Mị niềm khao khát sống mãnh liệt. Mị thấy “mình còn trẻ lắm”. Mị thấy trong lòng mình đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị cảm thấy mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Hành động uống ực từng bát rượu như một cách thức phản kháng lại nghịch cảnh trớ trêu của Mị, uống ực chứ không phải uống ừng ực, uống như nuốt hận, nuốt tủi. Và những biểu hiện đầy nữ tính của niềm ham sống được miêu tả hết sức tinh tế: Mị xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. Đó là ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ, trong những chi tiết dù là nhỏ nhất. Ngay cả khi A Sử trói Mị lại một cách tàn nhẫn, trong đầu Mị vẫn “rập rờn tiếng sáo”, “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị theo những cuộc chơi, những đám chơi”. Mị “vùng bước đi” – hành động thể hiện tận cùng sức sống mạnh liệt tiềm tàng trong Mị.

Sức sống tiềm tàng của Mị trong đêm mùa xuân trỗi dậy nhưng bị dập tắt, trong ê chề đau đớn, tủi hờn. Nhưng đó là biểu hiện đậm nét cho lòng khao khát sống mãnh liệt của một cô gái trẻ, đó là sự nhận thức giá trị bản thân sâu sắc khi biết đau đớn trước nghịch cảnh chán chường của bản thân, khi biết khát khao hạnh phúc. Một con người như vậy, khát khao sống mãnh liệt như vậy, làm sao có thể chấp nhận được kiếp sống nô lệ, không bằng con trâu con ngựa kia? Tất yếu sẽ có một lúc nào đó mầm sống ấy trỗi dậy một lần nữa để con người tự giải thoát cho chính mình, để tìm về những giá trị sống cơ bản của một con người, để được tự do và hạnh phúc, những giá trị đã bị thế lực tàn bạo của cường quyền phong kiến cướp đi một cách nhẫn tâm và vô lý. Và cơ hội đó đã đến: Trong đêm mùa đông, Mị đã cởi trói và giải thoát cho A Phủ. Hành động Mị cởi trói và giải thoát cho A Phủ trước hết xuất phát từ nhận thức rõ ràng và phẫn nộ về tội ác của bố con nhà thống lý: “Chúng nó thật tàn ác”.

Nhưng cao hơn tất cả, hành động ấy xuất phát từ lòng trắc ẩn, từ tình thương của một con người đang ở tận cùng đau khổ với một người đồng cảnh ngộ. Giọt nước mắt của A Phủ đã một lần nữa đánh thức Mị và cho Mị sức mạnh để chống lại nghịch cảnh. “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế”. Sức sống một lần nữa trỗi dậy và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nỗi thương mình dâng trào đã được siêu thăng thành tình thương đồng loại, khao khát sống mãnh liệt của bản thân đồng cảm mạnh mẽ với khao khát sống của người đồng khổ trong cảnh ngộ quằn quại cận kề cái chết. Đó chính là lí do lần thứ hai khi sức sống trở lại, nó không còn bị dập tắt nữa, nó cho nhân vật sức mạnh để giải phóng người khác và chính bản thân mình, và nhân vật đã nắm bắt được cơ hội đó để tự giải phóng.

Tham Khảo Thêm:  Kiểu nhân vật tự ý thức trong những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu.

Khám phá hiện thực theo quan điểm duy vật lịch sử, luôn nhìn sự vật trong chiều hướng phát triển của nó, Tô Hoài đã khám phá ra được sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị, và hơn cả việc khám phá, Tô Hoài tìm được một vị trí thích hợp cho sức sống ấy trong tiến trình vận động khách quan của hiện thực cuộc sống để nó phát huy tối đa vai trò của nó, mở ra cho nhân vật một lối thoát. Hay nói khác đi, trong quá trình kiến giải những vấn đề của hiện thực và đề xuất giải pháp để cải tạo hiện thực, Tô Hoài đã tìm ra được một con đường khả dĩ cho Mị, và những người như Mị: con đường tự hành động, hành động táo bạo để giải thoát cho chính mình và cho người khác. Chỉ khi tình yêu cá nhân phát triển mạnh mẽ thành tình yêu đồng loại, chỉ khi con người dám quên mình vì người khác, thì con người mới có dũng khí để giải phóng người khác, và cũng là giải phóng chính bản thân mình.

Hẳn nhiên quá trình kiến giải hiện thực qua tác phẩm là một “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, nó mang dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Nhưng chủ nghĩa hiện thực khám phá hiện thực như nó vốn có, coi trọng sự vận động khách quan của hiện thực. Nên tư tưởng của nhà văn, dẫu sao, cũng không thể đi ngược lại với sự vận động của lịch sử và xã hội. Các nhà văn hiện thực, dù cho luận điểm của anh về cuộc sống được đưa ra có lý tưởng, đẹp đẽ, có hoàn mỹ đến mức nào, mà luận điểm đó chỉ là cái nhìn của riêng anh và đi ngược lại với hiện thực cuộc sống ngoài kia, thì cũng chỉ là lý thuyết suông, là ảo tưởng vô nghĩa. Cho nên, yêu cầu đặt ra hết sức khắt khe đối với các nhà văn sáng tác theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, là không được phép biến tác phẩm thành loa phóng thanh, không được phép  biến nhân vật thành những hình nhân vô hồn minh họa một cách khô cứng cho quan điểm của cá nhân mình. Để làm được như vậy, trong quá trình khắc họa hình tượng nhân vật, các quy luật tâm lý và mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân vật và hoàn cảnh cần được coi trọng.

Nhân vật Mị là một hình tượng nhân vật đặc sắc được Tô Hoài khắc họa một cách sống động dưới lăng kính của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sức sống của hình tượng nhân vật này thể hiện ở chỗ các chi tiết về tâm lý, hành động đều rất hợp lý và thống nhất với logic vận động của hiện thực khách quan. Ta có cảm tưởng nhân vật có sức sống riêng, như một con người thực.

Qua quá trình ấy, những quy luật tâm lý của đời sống cũng được Tô Hoài khám phá một cách rất tinh tế. Đầu tiên là nghịch lý giữa sự sống và cái chết. Khi Mị không có ý định chết, sống “lùi lũi như con rùa trong xó cửa”, lại là lúc Mị ít thiết tha sống nhất. Nhưng khi khao khát sống vừa trở về, ý muốn về cái chết ngay lập tức trở lại. Thật ra nghịch lý ấy rất dễ hiểu: Khi con người khao khát sống, tin yêu cuộc sống, nó đòi hỏi phải được sống đích thực, sống như một con người. Nếu không được sống với những giá trị cơ bản của con người, nó thà chết. Cái chết về thể xác trong trường hợp này, là minh chứng cho ý nguyện sống mãnh liệt của con người. Và ngược lại, cái chết về tinh thần ngay khi con người đang còn sống, là sự vơi dần của khao khát sống. Chí Phèo của Nam Cao, ngay khi lương tri thức tỉnh và khao khát lương thiện trở về, không thể sống mãi như một con quỷ, nên phải tự sát. Với Mị, ngay khi khát khao sống quay lại, hiện thực bời bời khắc nghiệt như phũ phàng đập vào tâm trí Mị, nên Mị nghĩ ngay tới lá ngón và mong muốn được chết. Đây là một điểm tâm lý rất người.

Thứ hai, tâm lý theo giới tính cũng được khám phá một cách rất khoa học. Đó là những chi tiết biểu hiện cho lòng khát khao sống của một người phụ nữ: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách. Có thể nói, ý muốn làm đẹp là biểu hiện đặc trưng và mạnh mẽ nhất cho sức sống của người phụ nữ. Khi tinh thần tê liệt, thì cái váy hoa chỏng chơ trong vách. Khi sức sống trở về, mái tóc và chiếc váy lại trở thành những gì gần gũi và quan trọng đối với người phụ nữ.

Tham Khảo Thêm:  Qua bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, hãy làm sáng tỏ nhận định: Tác phẩm vừa là kết tinh tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng

Bênh cạnh việc khắc họa tâm lý theo một tiến trình phát triển tăng tiến và logic, tính khách quan của nhân vật còn thể hiện qua mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển tâm lý nhân vật và hoàn cảnh. Bảng trên đã cho thấy phần nào mối quan hệ đó, khi chỉ ra được mối liên hệ giữa tiếng sáo và sự phát triển sức sống trong Mị. Ngoài ra, ngay trong hành động mang tính bước ngoặt của Mị, đó là cởi trói cho A Phủ và chạy theo A Phủ, vai trò của hoàn cảnh đối với tâm lý và hành động của nhân vật cũng rất được coi trọng.

Để cởi trói cho A Phủ, Mị cần hai điều kiện. Điều kiện cần: Sự thức tỉnh tâm hồn và trỗi dậy lòng trắc ẩn đối với A Phủ. Quá trình tâm lý này diễn ra cũng rất logic. Đầu tiên Mị dửng dưng, A Phủ có là cái xác khô thì cũng thế thôi. Điều này thật dễ hiểu: Cô Mị hiện tê liệt tinh thần, sống như một cái bóng, bản thân mình còn không thương mình, thì làm sao có thể đoái hoài đến nỗi đau của kẻ khác đang đứng kia. Nhưng giọt nước mắt A Phủ đã thức tỉnh Mị. Đầu tiên, nỗi thương mình trỗi dậy, Mị nhớ lại đêm mùa xuân mình cũng bị trói đứng, và cũng khóc. Tiếp đến, nỗi ám ảnh về người phụ nữ đã chết trước đây, con người có hoàn cảnh tương đồng nhất với Mị đã thức dậy trong Mị lòng thương người. Cuối cùng, lòng thương ấy hướng vào đối tượng đang hiện diện trước mắt Mị kia: A Phủ. Nhưng, Mị sẽ không thể có hành động táo bạo cởi trói cho A Phủ, không thể vượt qua bao nỗi sợ về thần quyền, nếu hoàn cảnh lúc đó không thuận lợi với Mị. Bối cảnh câu chuyện lúc bấy giờ rất hợp lý cho một cuộc chạy trốn: Đám than đã vạc hẳn lửa, Mị không thổi, cũng không đứng lên. Lúc này, mọi người trong nhà đều đã đi ngủ cả. Chỉ trong bầu không khí tịch mịch và yên tĩnh như vậy, Mị mới có đủ dũng khí để hành động. Như vậy,bối cảnh câu chuyện, chính là điều kiện cần cho hành động quyết định của nhân vật Mị.

Trong quá trình vận động của tâm lý nhân vật, những mâu thuẫn nội tâm cũng cần được chú ý. Ở đoạn kết của đêm mùa đông, khi cởi trói cho A Phủ, Mị không có ý định chạy theo A Phủ. Chế độ phong kiến thần quyền miền núi với tộc trình ma đã trói buộc con người. Mị nghĩ rằng ta đã trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn đợi chết rũ ở đây thôi. Thậm chí Mị đã nghĩ đến cảnh sáng hôm sau bố con thống lý phát hiện ra Mị cởi trói cho A Phủ, sẽ tức giận trói Mị thế vào đó và để Mị chết. Dù sao Mị cũng không sợ. Như vậy, từ tâm lý đó đến quyết định chạy trốn theo A Phủ trong tích tắc đã xảy ra một sự giằng xé nội tâm. Sự giằng xé ấy được Tô Hoài nén rất chặt trong đoạn văn đặc biệt chỉ vẻn vẹn một câu: “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Chỉ trong một câu văn thôi, thời gian đọng lại và tâm lý Mị cũng được thể hiện qua khoảng lặng ấy. Đó là một sự giằng xé về nội tâm: Đi hay ở? Ở lại thì chết, nhưng đi rồi liệu có thoát khỏi các thể lực thần quyền?

Trong ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, khát vọng sống mãnh liệt đã chiến thắng nỗi sợ thần quyền, đã hoàn toàn giải phóng cho Mị. Điều này hoàn toàn hợp lý với sức sống mãnh liệt mà ta đã biết ở Mị trong đêm mùa xuân. “A Phủ cho tôi đi với, ở đây thì chết mất”. Câu thoại ấy đã cho thấy khát vọng sống trong Mị. Ở hoàn cảnh khắc nghiệt nơi con người được sống không như con người, khát vọng sống đồng nghĩa với mong muốn chết, chết để không phải nhục nhã ê chề tủi hổ. Nhưng khi cánh cửa giải phóng con người mở ra, sống và chết lại đối lập với nhau. Khao khát sống mãnh liệt nhất cũng là sự kháng cự cái chết mãnh liệt nhất.

Như vậy, ta thấy rằng, con đường tiếp cận hiện thực của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa là con đường tìm ra một lối giải thoát cho nhân vật khỏi hoàn cảnh cùng khổ, đau thương. Con đường đó phải tuân theo các quy luật vận động của lịch sử, của xã hội, phù hợp với tâm lý và tính cách nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà phương pháp sáng tác này ra đời trong sự nghiệp đấu tranh và xây dựng xã hội của nghĩa của giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Sự hình thành của Đảng Cộng sản và vai trò lịch sử của Đảng trong việc giải phóng nhân dân cần lao bị áp bức, là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử. Cột mốc lịch sử đó đã mở ra cho người dân bị áp bức một con đường tự giải phóng và tìm đến hạnh phúc. Cho nên, nhìn nhận hiện thực theo vùng thuận chiều đi lên của lịch sử, cũng là nhìn nhận vai trò của Đảng đối với số phận con người. Vấn đề tính Đảng là một vấn đề được đặt ra trong phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Tham Khảo Thêm:  Ý nghĩa các hình tượng trong các tác phẩm Ngữ văn 9

Có thể thấy một con đường chung (và cũng là tất yếu) để giải phóng cho các nhân vật cùng khổ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đều là giác ngộ và đi theo cách mạng, đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Tràng trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân cũng có một kết thúc hứa hẹn đổi đời khi trong đầu anh đã manh nha nhìn thấy trong óc mình hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Còn Vợ chồng A Phủ, trong cuộc sống mới ở Phiềng Sa, cũng dần thấu hiểu A Châu tham gia du kích để chống Pháp.

Vai trò của Đảng trong lịch sử là không thể phủ nhận, nhưng cũng không thể đơn giản để nhân vật đi theo ánh sáng của cách mạng một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Như vậy là biến nhân vật thành loa phát thanh tư tưởng, và như đã trình bày ở trên, tư tưởng dù tốt đẹp đến đâu nếu không biện chứng với tâm lý nhân vật và hoàn cảnh tác phẩm, thì sẽ không có sức thuyết phục. Con đường đến với cách mạng của những nhân vật như Tràng, như Mị, như A Phủ phải là một con đường biện chứng, phù hợp với tính cách nhân vật và hoàn cảnh, phải có một quá trình biến đổi từ tình cảm, nhận thức đến giác ngộ, hành động.

Tràng, khi nghe cô Vợ nhặt đề cập đến những người phá kho thóc ở Thái Nguyên, Bắc Giang, đã nhớ đến việc hồi trước anh nghe người ta nói Việt Minh đến, nhưng anh không hiểu nên đã bỏ đi. Và từ lúc đó, anh lờ mờ nhận ra ý nghĩa của cách mạng, trong đầu anh dần mở ra một con đường để đi đến tương lai. Tác phẩm dừng lại ở đó, sự thay đổi nhận thức của Tràng. Và chỉ dừng lại ở đó là đủ. Con đường đi đến cách mạng của Tràng chắc chắn còn là một chặng đường dài. Nhưng sự biến đổi nhận thức ngay điểm kết thúc tác phẩm, khát khao hạnh phúc vốn có trong anh, hơn tất cả là tình yêu thương gia đình mình,  yêu thương vợ và mẹ, cái quyết tâm xây dựng một mái ấm hạnh phúc, sẽ dẫn lối cho Tràng trên con đường tương lai ấy. Đó là một cái kết mở ra đầy xán lạn mà người đọc có quyền hy vọng.

Với Mị và A Phủ cũng vậy. Giữa họ và A Châu ban đầu cũng có chút hiểu lầm, nhưng họ dần nhận ra bản chất tốt đẹp của A Châu, và hơn nữa nhận ra rằng ở họ có điểm chung: cùng bụng ghét thằng Tây, nên họ dần thân thiết, giữa A Phủ và A Châu đã làm lễ thề kết. Cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Khi chạy trốn đến Phiềng Sa,dựng nhà trên một đồi gianh trong xuống cánh đồng Bản Tre, Mị và A Phủ chỉ mong muốn có một cuộc sống yên bình. Rõ ràng qua bao nhiêu đau đớn khổ cực để giải thoát cho bản thân, con người ta không mong muốn gì hơn là được bình an.

Việc thề kết với A Châu – một chiến sĩ cách mạng, phải chăng sẽ phá vớ sự  bình yên đó? Không, vấn đề thực sự nằm ở chỗ: Sẽ không có một cuộc sống cá nhân bình yên khi đất nước chưa được bình yên. Và quả thực là như vậy: Ngay ở Phiềng Sa, không còn thống lý Pá Tra thì vẫn còn sự hiện diện của bọn Tây, vẫn còn những cảnh bắt bớ phụ nữ, và trẻ em. Còn bọn Pháp, thi không đâu trên đất nước này có thể có được một cuộc sống yên bình thực sự. Sự việc Pá Tra theo Tây về đồn Bản Tre chính là một cú sốc lớn. Trong hoàn cảnh đó, con người có thể chạy trốn để giải phóng mình trong phút chốc, nhưng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy bình yên, một khi kẻ thù của họ vẫn còn, Pháp còn, Pá Tra còn, thì chúng sẽ còn truy bức, đe dọa lên cuộc sống của mỗi con người. Như vậy chỉ còn một con đường mà thôi: Chống lại chúng, tiêu diệt chúng. Tức nước vỡ bờ, ở đâu có áp  bức, ở đó có đấu tranh, cuối cùng để tìm thấy một hạnh phúc đích thực và một tự do đích thực, Mị và A Phủ cũng không có con đường khác hơn, và cũng giống như Tràng, họ đều đi theo tiếng gọi và lý tưởng của Đảng.

Tóm lại, ta thấy rằng, chọn phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác, Tô Hoài đã tạo nên một truyện ngắn đặc sắc và thành công. Một mặt, “Vợ chồng A Phủ” vẫn kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa hiện thực phê phán, đó là sự khám phá toàn vẹn hiện thực cuộc sống, khám phá ra những mâu thuẫn bản chất nhất, cơ bản nhất của xã hội, tham gia vào kiến giải mâu thuẫn đó để làm bật lên được giá trị tốt đẹp của người lao động, đồng thời phê phán một cách không khoan nhượng bộ mặt tàn ác của giai cấp thống trị. Mặt khác, tác phẩm đã khắc phục được hạn chế của thời trước, đã không còn nhìn nhân vật như những nạn nhân của hoàn cảnh, mà nhìn thấy được tính tích cực chủ động của nhân vật đối với hoàn cảnh, khám phá ra được khả năng thay đổi hoàn cảnh, đấu tranh để cải tạo hoàn cảnh của nhân vật. Điều này đã tạo nên âm hưởng lạc quan cho tác phẩm, đặc biệt là trong kết thúc truyện tươi sáng, đầy hứa hẹn đến tương lai.

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *