Đọc – hiểu Truyện Kiều từ góc độ thi pháp

doc-hieu-truyen-kieu-tu-goc-do-thi-phap

Đọc – hiểu Truyện Kiều từ góc độ thi pháp

I. Thi pháp là gì?

Cuốn Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên cũng cho rằng “Thi pháp học nghiên cứu hệ thống các phương thức, phương tiện biểu hiện đời sống bằng hình tượng nghệ thuật trong
sáng tác văn học. Mục đích của Thi pháp học là chia tách và hệ thống hóa các yếu tố của văn bản nghệ thuật tham gia vào sự tạo thành thế giới nghệ thuật, ấn tượng thẩm mĩ, chiều sâu phản ánh của tác phẩm nghệ thuật”.

Như vậy, có thể hiểu Thi pháp học là cách thức phân tích tác phẩm bám vào văn bản là chính, không chú trọng đến những vấn đề nằm ngoài văn bản như tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên mẫu nhân vật, giá trị hiện thực, tác dụng xã hội…

Thi pháp học chú ý đến yếu tố hình thức tác phẩm như hình tượng nhân vật; không gian – thời gian; kết cấu – cốt truyện; điểm nhìn nghệ thuật; ngôn ngữ; thể loại… Nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức, đó là “hình thức mang tính quan niệm” (Trần Đình Sử). Phương pháp chủ yếu của Thi pháp học là phương pháp hình thức. Chúng ta hiểu, “Phương pháp hình thức là phương pháp phân tích các khía cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của nó” (Nguyễn Văn Dân).

II. Khái quát Truyện Kiều và vấn đề tiếp cận Truyện Kiều từ góc độ thi pháp học.

Truyện Kiều là tác phẩm văn học kết tinh văn hóa tinh thần, vẻ đẹp của ngôn ngữ và tài hoa của dân tộc. Tìm hiểu tác phẩm trên phương diện Thi pháp giúp người đọc đánh giá được tính sáng tạo toàn vẹn của tác phẩm nhất là với tác phẩm dựa trên một sáng tác của nước ngoài như Truyện Kiều.

Phần sáng tạo của Nguyễn Du mang lại giá trị đích thực cho tác phẩm. Các phương diện nghệ thuật của tác phẩm như thể loại, tư tưởng, nhân vật, cách kể chuyện cho đến không gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu… đều là sự thăng hoa của một tài năng nghệ sĩ.

1. Thể loại của Truyện Kiều: truyện Nôm.

Thể loại văn học là một phạm trù mang tính lịch sử. Các thể loại xuất hiện trong một giai đoạn phát triển nhất định và được thay thế bằng thể loại khác. Như vậy, thể loại cũng là một yếu tố hình thức mang tính nội dung của tác
phẩm. Truyện Kiều của Nguyễn Du thuộc về thể loại truyện Nôm. Đó là thể loại văn học tự sự bằng thơ lục bát của người Việt, thịnh hành trong thế kỉ XVII, XVIII. Truyện Nôm nằm trong mạch truyện thơ thịnh hành ở văn học vùng Đông Nam Á. Truyện Nôm là truyện thơ nên có các yếu tố của tác phẩm tự sự như nhân vật, cốt truyện, sự kiện…

Xét hệ thống tác phẩm tự sự, Truyện Kiều thuộc loại truyện vừa, chi tiết chọn lọc vừa đủ để thể hiện nhân vật. Tác giả hướng đến khắc họa con người chủ thể với thế giới nội tâm, ý nghĩ, lời thoại, lời kể… để nhân vật hiện lên cụ
thể, gợi cảm. Bên cạnh đặc trưng của tác phẩm tự sự là chất trữ tình đậm đà của tác phẩm.

Nét đặc sắc trong Truyện Kiều là tác giả có ý thức kể lại rành mạch từng chuyện. Mỗi sự kiện đều được kể một cách hoàn chỉnh từ đầu đến cuối, từ cảnh đến tình. Mô hình cốt truyện không giản đơn như các truyện Nôm dân gian. Kết cấu truyện đẩy đi, đẩy lại chứ không xuôi chiều. Có thể nói, Truyện Kiều mang cốt truyện của thể loại tiểu thuyết.

2. Tư tưởng, nhân vật và cách kể chuyện trong Truyện Kiều

Tư tưởng tác phẩm văn học là sự nhận thức, lí giải và thái độ đối với toàn bộ nội dung cụ thể, sống động của tác phẩm văn học, cũng như vấn đề nhân sinh đặt ra trong đó. Truyện Kiều là một tác phẩm văn chương đích thực nhưng không chỉ là vấn đề câu chữ, nghệ thuật biểu hiện mà qua đó còn thấy quan niệm và cảm nhận của Nguyễn Du đối với đời.

Nguyễn Du mở đầu tác phẩm bằng quan niệm tài – mệnh

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

Kết thúc tác phẩm là trăn trở về tâm và tài

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”

Tư tưởng đó chi phối việc chọn lựa và miêu tả nhân vật. Truyện Kiều tái hiện một thế giới người tài. Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải…cho đến Hồ Tôn Hiến, Sở Khanh, Thúc Sinh đều có tài và biết khen tài. Tài ở đây là biểu hiện cho phẩm chất và cá tính. Nó đóng một vai trò quan trọng trong những biến cố của cuộc đời nhân vật. Thúy Kiều nhờ có tài đàn, tài thơ mà được coi trọng nhưng cũng vì tài đó mà nàng mắc vạ. Tài năng trở thành cái cớ cho cuộc đời truân chuyên theo quan niệm tài – mệnh tương đố trong tác phẩm.

Nhưng tài không phải là yếu tố chi phối toàn bộ tác phẩm. Chính chữ tâm, tức là cái tình, tấm lòng của nhân vật chính mới làm nên vẻ đẹp nhân văn của tác phẩm. Bởi chữ tâm này mà Kiều đã nhận lời bán mình chuộc cha và trao duyên lại cho Thúy Vân. Cũng vì chữ tâm mà Kiều cam phận lẽ mọn, khuyên Thúc Sinh trở về; báo ân, báo oán rồi tha bổng cho Hoạn Thư; cũng vì thế mà Kiều khuyên Từ Hải hàng rồi chết theo Từ Hải; nàng giữ tình cầm cờ với Kim Trọng cũng vì chữ tâm đó. Có thể nói Truyện Kiều là sáng tạo để thử thách cái tâm của con người.

Bạn đọc yêu mến nàng Kiều không chỉ vì cái tài mà còn vì cái tâm trong sáng, tấm lòng trinh bạch của nàng.
Nhân vật Thúy Kiều được tác giả tập trung miêu tả trong những mâu thuẫn nội tâm, giày vò, khắc khoải đậm chất bi kịch. Tác giả hướng đến khám phá chiều sâu tâm lí của nhân vật. Nỗi đau của nàng Kiều không nhìn nhận ở khía cạnh phi ngã mà đó là chữ thân với nghĩa là mình, là thân thể, là phần vật chất, phần nhỏ bé, hữu hạn, dễ bị hư nát, đau đớn, riêng tư và cũng bản năng nhất.

Như vậy, chữ thân khiến Truyện Kiều không chỉ là chuyện của tài – mệnh tương đố mà đó còn là phân phận con người. Có thân là có nghiệp, có nghiệp là có khổ. Cho nên, tài mệnh là một trường hợp của thân mệnh. Như vậy, Truyện Kiều phản ánh nỗi khổ nạn của kiếp người. Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Nguyễn Du đã lấy chữ thân làm nền tảng tức là đề cập đến những vấn đề nhân bản nhất.

Nghệ thuật kể chuyện cũng là một sáng tạo của Nguyễn Du. Truyện Kiều không phải là một sự nhào nặn, thêm bớt tác phẩm theo một cách khác mà là ở quan niệm mới về nhân vật và cách kể chuyện. Nguyễn Du biến con người đạo lí thành con người tâm lí chính điều này khiến tác giả thay đổi điểm nhìn trần thuật. Người kể chuyện không kể từ bên ngoài mà đi theo cái nhìn của nhân vật, từ tâm trạng nhân vật mà ra. Vì thế, Nguyễn Du chỉ tái hiện các sự kiện theo chừng mực đủ để khêu gợi và bộ lộ tâm tư của nhân vật khiến Truyện Kiều trở thành một thiên truyện tâm lí độc đáo. Nguyên tác chú trọng sự việc còn Truyện Kiều chú trọng phơi bày tâm trạng nhân vật trước sự việc đó. Nguyễn Du đã huy động các thủ pháp trữ tình để diễn tả tâm trạng nhân vật một cách tinh tế trong đó độc thoại nội tâm được sử dụng rất hiệu quả.

3. Cái nhìn nghệ thuật về con người trong Truyện Kiều.

Trong khi phản ánh đời sống, nghệ thuật thể hiện cái nhìn chủ quan của mình đối với các hiện tượng từ đó bộc lộ ý nghĩa về đời sống. Để hiểu được nội dung đời sống trong tác phẩm, phải tìm hiểu cái nhìn nghệ thuật, cách tư duy, cảm nhận của chính nhà văn.

Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du gắn liền với nghệ thuật phương Đông. Con người trong văn học trung đại được xây dựng theo mô típ con người vũ trụ. Tầm vóc, hành động của con người mang qui mô khác biệt so với văn học các thời kì khác. Theo đó, người tài tình luôn được tôn xưng. Những người này thường được khắc họa với đường nét bề ngoài đầy ước lệ. Đạm Tiên là đấng tài hoa; Kim Trọng là bậc tài danh; Từ Hải là đấng anh hùng…

Mặt khác, Nguyễn Du còn coi con người là sự thể hiện của những giá trị tinh thần được đề cao trong xã hội như: chí, tình, đạo, nghĩa. Con người bộc lộ các phẩm chất đạo đức và thể hiện qua nguyên tắc bày tỏ. Cho nên, nhân vật thường có hành động khác thường để hiệu quả tỏ lòng càng lớn. Ví như: Kiều khóc mồ vô chủ; thề nguyền chung thủy; cậy em thay lời; Kim Trọng ốm tương tư, khóc vật vã; Từ Hải chết đứng…Nguyên tắc này phù hợp với Thi pháp chung của văn học trung đại. Những trạng thái trong tâm hồn phải được biểu hiện thành dấu hiệu ra bên ngoài, biểu hiện càng lộ và mạnh thì càng gây chú ý.

Cái mới của Nguyễn Du là từ tỏ lòng nhà thơ đi đến bộc lộ tấm lòng, phân tích tâm lí nhân vật, khám phá sự phức hợp tâm lí trong con người. Cho nên, tình cảm đối nghịch, lưỡng tính là nét tiêu biểu của nhiều nhân vật trong Truyện Kiều. Kiều vừa dứt khoát trao duyên cho em vừa nuối tiếc, đau đớn; vừa nghi ngờ Sở Khanh vừa phải liều theo y; vừa tha bổng Hoạn Thư vừa mong được trừng trị tội. Từ Hải vừa khinh ghét triều đình vừa hy vọng mong manh vào sự bao dung của nó. Những con người trong Truyện Kiều đều không thể vo tròn trong một chuẩn mực.

Tâm hồn nàng Kiều thuộc về phạm trù những phẩm chất cao đẹp nhất nhưng cũng có những suy tư trần tục chỉ có ý nghĩa riêng đối với tình cảm của nàng. Kiều thường xuất hiện với những suy nghĩ rành rọt, nhưng cũng có lúc đắm mình trong ảo giác như khi gọi tên chàng Kim lúc trao duyên; nhẹ dạ bước chân theo Sở Khanh; sự xiêu lòng trước lễ hậu của Hồ Tôn Hiến…

Cuộc đời lắm bước ngoặt của Kiều cho thấy nhiều giới hạn khác nhau trong tâm hồn con người. Kiều với Kim Trọng là rung động đằm thắm bên người tình đồng điệu; nàng với Thúc Sinh là những ngày hạnh phúc nồng nàn của đôi vợ chồng trẻ; sánh với Từ Hải, nàng là con người quyền uy phi phàm khiến Kiều muốn làm chủ vận mệnh, báo ân, báo oán. Như vậy, Nguyễn Du đã đi sâu vào sự khám phá tâm hồn con người với tất cả sự phong phú của đời sống thực tại.

Nhân vật trong Truyện Kiều coi trọng thế giới bên trong hơn sự biểu lộ bên ngoài. Lời nói bên trong chân thực và sinh động hơn lời nói bên ngoài. Nguyễn Du nhìn thấu nhân vật của mình, nắm bắt hồn vía và miêu tả một cách tài tình. Nhà thơ có quan niệm về cá tính con người một cách rõ rệt.

Người trần thuật trong Truyện Kiều thuộc kiểu người kể chuyện biết trước và biết hết nhưng người kể chuyện đó chỉ đứng trên nhân vật ở một số phần mang tính chất giới thiệu như : Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh / Vẫn là một đứa phong tình đã quen; Lầu xanh quen thói xưa nay / Nghề này thì lấy ông này tiên sư. Người trần thuật chủ yếu lấy điểm nhìn nhân vật làm chỗ đứng cho mình để thể nghiệm mọi cảm xúc. Trong sự miêu tả thường không báo trước cái đã biết mà chú ý để mọi sự vật, sự việc hiện dần ra qua sự suy đoán của con người. Do đó, tác giả có cái nhìn nghệ thuật nhiều chiều đối với các hiện tượng đời sống được miêu tả. Nguyễn Du đặt các sự kiện trong cuộc đời Kiều vào sự nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau. Việc nàng bán mình được nhìn từ chuẩn mực đạo đức xã hội đương thời “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”.

Nhưng ở góc độ cá nhân, nàng Kiều không đành lòng trước mối tình tan vỡ

“Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây’’

Việc nhờ cậy em cũng có hai chiều: nửa cậy em, nửa không muốn; đối với chữ trinh có quan điểm chuẩn mực nhưng cũng có hối hận thầm kín, riêng tư“Biết thân đến bước lạc loài / Nhị đào thà bẻ cho người tình chung’’. Với
ông trời, có khi vai trò được khẳng định tuyệt đối, có khi lại cho rằng con người có khả năng tự thay đổi vận mệnh  và chịu trách nhiệm trước cuộc sống của mình:

“Người dầu muốn quyết trời nào đã cho’’
“Trời kia đã bắt làm người có thân’’
“Bắt phong trần phải phong trần’’
“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều’’
“Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương!’’

Điều này thể hiện sự mâu thuẫn trong thế giới quan của nhà thơ nhưng cái nhìn nghệ thuật đa chiều lại là ưu điểm. Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du cho thấy ông đã đổi mới quan niệm về con người, bao quát cuộc sống trong một phạm vi rộng lớn đồng thời có cái nhìn gần gũi với bản chất con người theo quan niệm nhân văn phổ quát.

4. Không gian và thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều.

Không gian nghệ thuật là mô hình nghệ thuật về thế giới mà con người đang sống; đang cảm thấy vị trí, số phận của mình ở trong đó. Truyện Kiều là chuyện của cuộc đời lưu lạc nên có sự xuất hiện của nhiều không gian xa lạ. Sau mỗi một biến cố, nhân vật lại bị đẩy vào một không gian mới, xa lạ và hàm chứa những hiểm họa.

Không gian trước lưu lạc bao giờ cũng bình yên

“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi vê mặc ai”

Không gian lưu lạc đẩy con người vào tình thế không nơi bấu víu, lênh đênh, trôi dạt. Nguyễn Du láy đi, láy lại hình ảnh cánh bèo mặt nước; nước trôi hoa rụng; chiếc bách sóng đào…để diễn tả nỗi bơ vơ, lạc loài, buồn tủi của nàng
Kiều.

Con người trung đại luôn mang trong mình sự gắn bó với quê hương, gia đình. Đó còn là cõi bình yên để nương tựa mà khi rời bỏ nó, người ta trở nên yếu đuối, trống rỗng như tự đánh mất mình.

“Bên trời góc bể bơ vơ”
“Chân trời mặt biển lênh đênh”

Không gian và thời gian trong Truyện Kiều đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ mang tâm trạng của nhân vật. Cho nên, có thể thấy hầu hết không gian và thời gian trong truyện đều được nâng lên thành không gian và thời gian tâm trạng.

5. Ngôn ngữ và giọng điệu trong Truyện Kiều.

Ngôn ngữ là chất liệu để nhà văn tạo lập nên tác phẩm. Không có ngôn ngữ thì cũng không có tác phẩm văn học. Ngôn ngữ nghệ thuật là “một hệ thống các phương tức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống các qui tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mĩ của một ngành, một sáng tác nghệ thuật” [Từ điển thuật ngữ văn học, tr.186]. Sáng tạo về mặt ngôn ngữ cho thấy quan niệm sáng tác, tư duy nghệ thuật cũng như sự đánh giá của nhà văn về hiện thực cuộc sống.

Ngôn ngữ trong Truyện Kiều vừa mang màu sắc bác học với cách dùng từ trang nhã, ước lệ; sử dụng khá nhiều điển tích, điển cố. Bên cạnh đó, sức sáng tạo của Nguyễn Du còn thể hiện ở ngôn ngữ dân tộc mà nhà thơ đưa vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn. Những từ thuần Việt, thành ngữ dân gian được tác giả lồng vào đó cả lối suy nghĩ, cảm nhận theo tâm hồn người Việt đã mang đến sự đồng cảm của đông đảo thế hệ và tầng lớp bạn đọc trong xã hội.

Giọng điệu là một trong những yếu tố chủ đạo cấu thành hình thức nghệ thuật của một tác phẩm “giọng điệu là một phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học” [Từ điển thuật ngữ văn học, tr 135]. Nó phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả và tạo nên sức hấp dẫn cho mỗi tác phẩm. Như vậy, tìm hiểu về giọng điệu trong một tác phẩm có thể đưa đến nhận xét về thái độ đánh giá của nhà văn về hiện thực cuộc sống. “Mỗi một thời đại, nhìn chung có một giọng điệu riêng, thể hiện cách thức chiếm lĩnh hiện thực và lí giải hiện thực riêng. Gắn với điều này là quan niệm hiện thực của thời đại ấy”

Trong Truyện Kiều, giọng chủ đạo là cảm thương, là tiếng kêu thương gắn liền với cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm. Truyện Kiều là lời đau đớn, da diết, lay động lòng người. Giọng điệu này thể hiện rõ nét qua lời than, lời tâm sự, độc thoại của nhân vật và lời bình luận của chính tác giả.

Chủ đề liên quan:

Tham Khảo Thêm:  Bình luận ý kiến: Từ bao giờ cho đến bây giờ, từ Hômerơ đến kinh thi, đến ca dao Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế. (Hoài Thanh)

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *