Nghị luận: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Qua bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu hãy làm sáng tỏ nhận định
Bàn về thơ, Xuân Diệu đã từng nói: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”. Đôi mắt là cử sổ tâm hồn, là nơi soi thấu nhưng gì ta suy nghĩ và cảm nhận cùng thế giới quan của mỗi người. Đôi mắt trong văn học cũng là ô cửa sổ soi chiếu quan điểm và ý kiến của tác giả. Không chỉ là ô của sổ tâm hồn của tác giả mà còn là chiếc camera ghi lại những chặng đường của một thời đại. Thông qua những dòng thơ, người đọc như một lữ khách thời gian dạo bước trên chặng đường đầy huy hoàng của một dân tộc và bước qua một tâm hồn và tư tưởng. Đôi chân dạo bước phiêu du như làn gió, bàn tay ôm trọn những tâm tình mỏng manh cùng đôi mắt tinh tường phát hiện những góc khuất trong sâu thẳm tâm tình của người viết. Nhận định về thơ ca, Sóng Hồng từng nói “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.
Pautopxki từng nói: “Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất trên thế gian” (Pautopxki). Còn Nguyễn Đình Thi cho rằng. “Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm tới cuộc sống”. Kì diệu làm sao khi cảm xúc được viết thành thơ và xướng lên thành khúc hát, khi một tấm lòng soi rõ hàng trăm tấm lòng khác. Sự kết nối mạnh mẽ giữa người với người dù ở thời đại nào, dù ở độ tuổi nào là một phép màu thần kì mà nhà thơ đưa vào trong thơ ca. Thơ ca sinh ra để khiến cho tâm hồn con người đơm hoa kết trái, để tiếng hát ngợi ca thời đại được xướng cao trên mỗi trang thơ. Văn học là kết tinh của cuộc đời. Mỗi tác phẩm văn học cũng là một mảnh đời, một số phận, một tiếng nói lương tri cho một thời đại.
Vậy thơ là gì mà lại có sức ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn mỗi người như thế? Thơ là thể loại văn học bộc lộ tình cảm, cảm xúc bằng những vần điệu và âm sắc. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại” chỉ rõ mối quan hệ giữa thơ ca và thời đại gắn bó chặt chẽ với nhau vì con người xướng lên những vần điệu thơ ca dựa vào những chất liệu xuất phát từ hiên thực thời đại lúc bấy giờ. Văn chương không chỉ nói chuyện lòng người mà còn nói chuyện cuộc đời, không chỉ là những phút thăng hoa của cảm xúc mà còn là những khoảnh khắc hiện thực đầy biến cố. Khi ánh mắt của nhà thơ, nhà văn lia tới những góc khuất của thời đại thì thơ ca vừa là lời đồng cảm lại vừa là cây bút sắc bén vạch ra những mặt âm u của cả một thời đại.
Thơ ca ra đời không vì gì khác ngoài phản ánh cuộc sống của con người. Chính vì vậy mà nội dung của nó cũng đòi hỏi phải phản ánh một cách bao quát và rộng lớn về thời đại đã tạo nên nó. “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực” (Grandi). Cuộc sống luôn là nơi bắt đầu và cũng là đích đến cuối cùng của văn chương. Hơn bất kì loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực của thời đại và hút lấy những mật ngọt tinh túy nhất của thời đại đó. Ở bất kì thời đại nào, tái hiện thực tế một cách chính xác và mạnh mẽ nhưng lại đầy cảm xúc đều là hạnh phúc cao cả của người nghệ sĩ.
Thế nhưng nghệ thuật không sao chép hiện thực, nó phản ánh cuộc sống dưới ánh sáng lý tưởng. Mỗi một sự thật là tác giả tái hiện trong từng câu thơ đều phản ánh khát vọng, ước về về một lẽ phải, về cái đẹp và chân lý của nhà thơ đó – đó cũng là chân lý của thời đại. Chính sự kết hợp giữa hiện thực và lý tưởng đã tạo nên sức hấp dẫn của nghệ thuật, nó đưa ta đến một chân trời mới để ta tin rằng “tất cả những gì được kể trong đó đều diễn ra đúng như thế chứ không thể khác được” (Sê-khốp). Nhận định “thơ ca là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” đã đặt ra yêu cầu của một tác phẩm nghệ thuật thực sự cũng như yêu cầu của một nghệ sĩ thực thụ.
Văn học là cuốn bách khoa toàn thư của cuộc sống. Mỗi tác phẩm là một mảnh đời, mảnh tâm hồn và là tiếng nói lương tri của cả một thời đại. Văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú và khả năng tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ với hiện thực thời đại. Do đó mà thông qua tác phẩm của một người, ta có thể thấy được vùng đất tâm tình sâu trong trái tim của người nghệ sĩ đó. Văn học không chỉ phản ảnh thời đại và còn là bài ca lòng mà người nghệ sĩ thốt lên đầy cảm xúc. Đó vừa là tiếng lòng vừa là mong ước khát vọng và cũng là con người chân chính của nhà thơ. Những tâm tình ngủ sâu nơi trái tim nay hóa thành những vần thơ da diết, như kể như hát lại giống như đang bày tỏ những cảm xúc đã kìm nén quá lâu kia.
Mỗi trang văn không chỉ là những trang đời mà còn chở những dằn vặt, trăn trở, suy tư của tác giả. Văn học bao giờ cũng phản ánh cuộc sống bằng những chân lí xã hội thẩm mĩ của người nghệ sĩ. Không những thế người đọc còn có thể bắt gặp những vấn đề lớn lao của thời đại mình, nhận thấy những quan niệm nhân sinh sâu sắc. Vậy nên nhận định “văn học là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Đó là những viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời” của Sóng Hồng đã nói lên tầm qua trọng của văn học. Dưới ngòi bút sáng tạo của người nghê sĩ những tác phẩm ấy đã tạo ra một thế giới mới. Như An-đéc-xen từng nói “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Không có tác phẩm văn học nào là không phải tác phẩm của cuôc sống hiện thực và đẹp hơn nhờ cuộc sống hiện thực. Và văn học cũng là công cụ phản ánh con người và cuộc đời một cách tốt nhất, chân thật nhất. Tố Hữu và Quang Dũng đều là những nhà thơ có các tác phẩm không chỉ nói lên tiếng lòng mà còn nói lên sự bi tráng của cả một thời đại khi ấy.
Như lời khẳng định của Vũ Duy Thông: “Thơ Việt Nam 1945-1975 là nguồn năng lượng quý giá để bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách Việt Nam hôm nay và những thế hệ mai sau”. Những lời này như sự khẳng định to lớn vai trò của thơ ca kháng chiến cũng như sức sống tiềm tang của nó trong lịch sử. Nền thơ thời kì này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu. Những nhà thơ trong thời kì này đều tập trung khai thác những hình tượng tho gắn liền với cuộc kháng chiến. Những vần thơ cũng vì thế mà mang âm hưởng hào sảng của cả một thời đại hào hùng. Với sự kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và yêu tố lãng mạn vào việc cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nêu cao ý thức kháng chiến mà vẫn tràn đầy tinh thần nhân văn cao đẹp đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho thơ ca 1945-1975.
Ra đời trong hoàn cảnh chiến đấu chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, thơ ca cách mạng 1945-1975 khai thác triệt để từ cuộc chiến giành lại và bảo về độc lập vĩ đại này. Cái khốc liệt, dữ dội, gian khổ của chiến tranh không thể hủy diệt được những tâm hồn và tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh. Thơ ca vì thế tập trung khắc họa lên tầm vóc lớn lao và phi thường của những con người đất Việt khi ấy, điển hình là những người lính vệ quốc quân, những anh bộ đội cụ Hồ hay những em bé liên lạc.
Trong hoàn cảnh ấy thì “Tây Tiến” và “Việt Bắc” đều là những tác phẩm ra đời trong các cuộc chiến lớn của dân tộc, các cuộc chiến chống lại kẻ thù đầy oai hùm của những người lính. Là tiếng nói, tiếng hét thét lên cả một quá trình lịch sử hùng hồn mà nhân dân đã từng trải qua. “Tây tiến” hay “Việt bắc” đều là những bản hùng ca của cả một thời đại trong dân tộc. Nếu bài thơ “Tây Tiến” khắc họa hình ảnh người lính hào hùng những xen lấn đâu đó phảng phất sự mất mát, bi thương trên con đường hành quân mặt trận thì bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu lại khắc họa lên vẻ đẹp lãng mạn của người chiến sĩ một cách hào hùng và đầy nhiệt huyết. Qua đó chúng ta cũng có thể thấy được con người bên trong con người thi sĩ ấy.
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.” Quang Dũng với cái nhìn hào hoa và lãng mạn đã khắc họa lên con đường hành quân mặt trận vừa thơ mộng “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, “Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa” lại vừa mang hình ảnh khó khăn trùng điệp từ hiện thực vào những dòng thơ “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục trên súng mũ bỏ quên đời” hay “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu áo dữ oai hùm”.
Nếu ở “Tây Tiến” của Quang Dũng, ta bắt gặp một hồn thơ pha lẫn giữa vẻ đẹp bi tráng mà hào hùng thì trong tác phẩm “Việt Bắc” của Tố Hữu ta lại bắt gặp một hồn thơ đầy lạc quan và lòng tin vào Đảng và tương lai đất nước. Tố Hữu mang một hồn thơ trữ tình chính trị nên thơ của ông luôn mang một niềm tin với chân lí của Đảng và sự thành công trong cách mạng của dân tộc. Đọc“Việt Bắc”, ta thấy được vẻ đẹp hào hùng của đoàn quân “Những đường Việt Bắc cảu ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung/ Quân đi điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ man”. Mỗi bước đi của đoàn quân ấy mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù. Nhưng dù có những điểm khác nhau thì những hình ảnh trong hai bài thơ trên cũng góp phần làm nên sức mạnh của dân tộc, làm cho người quân nhân thời ấy thêm niềm tin vào ngày mai chiến thắng đồng thời nói lên một đoạn lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy sắc máu và nước mắt của nhân dân.
Tất cả những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc đều được những vần thơ cách mạng 1945-1975 chuyền tài một cách chân thực, sắc nét và tinh tế nhất. Những sự kiện ấy được ghi lại bằng cảm xúc cá nhân của mỗi nhà thơ lại hát lên bản anh hùng ca hùng tráng của dân tộc. Vì vậy mà “thơ là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Thơ xuất phát từ hiện thực của thời đại những cần đi qua một tâm hồn tinh tế và sâu sắc của thi sĩ để hun đúc lên nó. Người nghệ sĩ nhìn nhận thời đại qua con mắt chủ quan của mình, thời đại là tư liệu dồi dào cho chất thơ trong người nghệ sĩ. Vì vậy mà Chế Lan Viên từng nhận định “Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn.”
Những vần thơ không chỉ bồi đắp thêm vẻ đẹp tinh thần cho con người mà còn mang đến luồng sinh khí mới cho nên văn học của thời đại. Một bài thơ xuất sắc là khi đọc vào những vần thơ, ta như sống lại được thời kì lịch sử hào hùng mà gian lao của dân tộc. Đây không chỉ là sự thành công của người nghệ sĩ mà còn là tiếng ra của thời đại cho dù là lúc ấy hay bây giờ, những vần thơ lưu lại để thế hệ trẻ luôn luôn nhớ những con người vô danh đã góp mặt làm nên đất nước muôn đời ấy.
Văn học cần đến hình tượng như loài ong cần chất nhụy để tạo nên mật ngọt tinh túy cho đời. Hình tượng có sức sống bền bỉ là hình tượng được phát biểu lên từ những vấn đề nóng hổi của thời đại. Nhưng hình tượng ấy cần đi qua một tâm hồn, một trí óc để có thể trọn vẹn cả bề dài lẫn bề sâu, để người đọc có thể khai thắc những tinh hoa của cả thời đại ấy. Vì vậy mà hai yếu tố con người và thời đại gắn chặt không thể tách rời nhau trong thơ ca. Đúng như nhận định của Sóng Hồng “Thơ là thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.
Làm sáng tỏ nhận định: Hành động sáng tạo trong thơ ca là một sự giải tỏa những cảm xúc tràn đầy trong tâm hồn người làm thơ