Ôn tập luyện thi văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” (Mac-ket).

on-tap-luyen-thi-van-ban-dau-tranh-cho-mot-the-gioi-hoa-binh-mac-ket

Đấu tranh cho một thế giới hòa bình
(Mac-ket)

I. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm:

1. Tác giả: Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két.

– Mác-két là nhà văn người Cô-lôm-bi-a, sinh năm 1928. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

– Tác phẩm xuất sắc nhất “Trăm năm cô đơn” (1967).

– Được trao giải Nô-ben về văn học năm 1982.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ:  Đây là phần trích từ bài tham luận “Thanh gươm Đa-mô-clét”, tại cuộc họp ở Mê-hi-cô vào tháng 8/1986 gồm nguyên thủ 6 quốc gia: An Độ, Mê-hi-cô, Thụy Điển, Ac-hen-ti-na, Hy Lạp, Tan-da-ni-a.

– Chủ đề: Hòa bình và chiến tranh.

– Nội dung: kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân.

– Kiểu loại: Văn bản nhật dụng.

– Phương thức biểu đạt: nghị luận.

– Bố cục: 3 phần:

+ Phần 1 (Từ đầu … sống tốt đẹp hơn): Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đè nặng lên toàn trái đất.

+ Phần 2 (Tiếp theo … xuất phát của nó): Chứng lí cho sự nguy hiểm và phi lý của chiến tranh hạt nhân.

+ Phần 3 (… còn lại): Nhiệm vụ của chúng ta và đề nghị của nhà văn.

II. Đọc hiểu văn bản:

1. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe doạ toàn bộ sự sống trên Trái đất:

– Mở đầu bằng một câu hỏi rồi tự trả lời bằng một thời điểm hiện tại rất cụ thể với những con số cụ thể, cách tính toán cụ thể, đơn giản: 50.000 đầu đạn hạt nhân tương đương 4 tấn thuốc nổ/ người → 12 lần biến mất tất cả mọi sự sống trên toàn trái đất + tất cả các hành tinh xoay quanh mặt trời + 4 hành tinh nữa + phá hủy thế thăng bằng của hệ mặt trời.

– Tác giả muốn chứng minh cho người đọc thấy rõ và gây ấn tượng mạnh về nguy cơ khủng khiếp và hiểm họa kinh khủng của việc tàng trữ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới ở thời điểm hiện tại – năm 1986.

– Để gây ấn tượng mạnh hơn, tác giả còn so sánh với: điển tích điển cổ phương Tây – thần thoại Hy Lạp: Thanh gươm Đa-mô-clét và dịch hạch (lan truyền nhanh và gây chết người hàng loạt). Nếu có thể so sánh thêm, có thể nói nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng như động đất, sóng thần vừa qua, trong một phút có thể biến những dải bờ biển mênh mông tươi đẹp của 5 quốc gia Nam Á thành đống hoang tàn, cướp đi sinh mạng 155.000 người trong khoảnh khắc.

– Điều đáng nói là không có ngành khoa học và công nghiệp nào có những tiến bộ nhanh chóng vượt bậc như ngành khoa học và công nghiệp nguyên tử hạt nhân từ khi nó ra đời; nhưng những người chủ của nó, người sáng tạo ra nó lại sử dụng vào mục đích chiến tranh thì chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả hủy diệt tất cả. May thay, điều đó chưa xảy ra; nhưng đó là cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng. Chỉ cần một cái ấn nút trên bảng điều khiển là tất cả thành cái chết và hủy diệt.

– Tác giả nhấn mạnh: trong thời đại hiện nay, đó là nguy cơ, thảm họa tiềm tàng, ghê gớm nhất, khủng khiếp nhất do con người có thể gây ra, và thực tế đã gây ra một phần (ở Nhật, năm 1945). Nhưng tại sao, kể cả những cái đầu hiếu chiến nhất, cũng vẫn chưa dám và không dám sử dụng vũ khí hạt nhân hàng loạt, chưa dám cả gan gây ra cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực? Bởi vì khó tránh khỏi cảnh cả đôi bên cùng chết.

– Thế giới sẽ chỉ còn là một đống hoang tàn, mất hết dấu vết của sự sống sau một vài cái ấn nút điên rồ. Nên chủ yếu các bên, các nước tập trung vào việc chạy đua tàng trữ, phát triển vũ khí hạt nhân để đối đầu, răn đe, đối trọng, thách thức với nhau, dằn mặt nhau, hù dọa, ép buộc nhau mà thôi! Nhưng như vậy càng làm cho thế giới biến thành kho chứa thần chết, ngày càng tích tụ và tiềm tàng hiểm họa, và đặc biệt là quá trình chạy đua vũ trang đã và đang vô cùng tốn kém và phi lí.

→ Cách đưa dẫn chứng và so sánh của Mác-két thật toàn diện, cụ thể và đáng tin cậy.

2. Chạy đua vũ trang đã và đang vô cùng tốn kém và phi lí, đi ngược lại lí trí của loài người.

– Nhiều lĩnh vực thiết yếu, bình thường của đời sống xã hội được đối sánh với sự tốn kém của chi phí chạy đua vũ khí, chuẩn bị chiến tranh hạt nhân. Đó là sự thật hiển nhiên làm chúng ta rất đỗi ngạc nhiên: Sao lại có thể vô lý như thế?! Rõ ràng, chạy đua và chuẩn bị chiến tranh hạt nhân là một việc làm điên rồ, phản nhân đạo. Nó tước đi khả năng có thể làm cho đời sống con người có thể tốt đẹp hơn, nhất là đối với những nước nghèo. Rõ ràng nó đi ngược lại lí trí lành mạnh của con người.

– Lí trí của tự nhiên là quy luật của thiên nhiên, tự nhiên, lô-gíc tất yếu của tự nhiên.

– So sánh:

+ 380 triệu năm con bướm mới có thể bay;

+ 180 năm nữa bông hồng mới nở (tức là 560 năm).

+ Hàng triệu triệu năm … trải qua một quá trình tiến hóa hết sức lâu dài của tự nhiên, con người mới hình thành…

– Vậy mà chỉ cần một tích tắc của chiến tranh hạt nhân, tất cả kết quả của sự tiến hóa của tự nhiên ấy trở về điểm xuất phát! Hỏi còn gì phản tiến hóa, phản tự nhiên hơn nữa? Nhận thức về sự phản động của chiến tranh hạt nhân được nhận thức sâu rộng hơn thêm.

2. Bàn luận về nhiệm vụ khẩn thiết trước mắt của chúng ta:

– Thái độ tích cực của mỗi người là phải đoàn kết, xiết chặt đội ngũ đấu tranh vì một thế giới hòa bình, phản đối, ngăn chặn chạy đua vũ trang, tàng tích vũ khí hạt nhân (lưu ý: nhưng chúng ta cũng phản đối hành động của Mĩ, vin vào cớ này để xâm lược hoặc lạm quyền can thiệp sâu vào các đất nước khác, chẳng hạn như với I-rắc, I-ran, hay với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên…).

– Sáng kiến lập ngân hàng trí nhớ của tác giả để lưu giữ sau tai họa hạt nhân, không chỉ là một cách kết thúc vấn đề đầy ấn tượng vì khi đã nổ ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu thì còn có nhà băng nào chịu nổi mà không tan biến? Nhưng cách nói trên vẫn chứng tỏ, một lần nữa, sự rùng rợn của thảm họa hạt nhân, nếu có xảy ra và sự lưu giữ kí ức, bảo tồn văn hóa , văn minh nhân loại có tầm quan trọng đến nhường nào. Thủ phạm của tội ác diệt chủng, diệt môi sinh mang tính toàn cầu cần phải đời đời khắc ghi và cực lực lên án, nguyền rủa. Đó chính là ý nghĩa của vấn đề.

III. Tổng kết:

1. Nội dung: Văn bản kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2. Nghệ thuật: Hệ thống luận điểm, luận cứ toàn diện chặt chẽ. Chứng cứ phong phú, cụ thể từ nhiều lĩnh vực tri thức khoa học và thực tiễn. Sử dụng phép so sánh thích hợp, có hiệu quả. Kết hợp lý lẽ sắc bén với tri thức phong phú và đặc biệt là lòng nhiệt tình mạnh mẽ của tác giả


Câu hỏi ôn tập.

Câu 1: Hãy nêu luận điểm và hệ thống luận cứ của văn bản

– Luận điểm: Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe doạ toàn thể loài người và sự sống trên trái đất, vì vậy đấu tranh cho hoà bình, ngăn chặn và xoá bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân là nhiệm vụ thiết thân và cấp bách của mỗi người, toàn thể loài người.

– Hệ thống luận cứ:

+ Số lượng vũ khí hạt nhân đang tàng trữ có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh khác nữa và phá huỷ thế thăng bằng của hệ Mặt Trời;

+ Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân làm mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn của toàn thế giới. Dẫn chứng: so sánh giữa chi phí cho các lĩnh vực xã hội, cứu trợ y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, giáo dục… với chi phí khổng lồ cho việc chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân từ đó chứng tỏ tính chất điên cuồng, phi lí của các hoạt động này;

+ Chạy đua vũ trang không những là đi ngược lại lí trí của loài người mà còn đi ngược với quy luật tiến hoá của tự nhiên, phi văn minh, phản lại sự tiến bộ của xã hội loài người;

+ Vì vậy phải chống lại chạy đua vũ trang, đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hoà bình, công bằng.

Câu 2: Trong đoạn đầu văn bản, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa loài người và toàn bộ sự sống trên trái đất đã được tác giả chỉ ra rất cụ thể bằng cách lập luận như thế nào?

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe doạ loài người và toàn bộ sự sống trên Trái Đất. Tác giả đã làm rõ tính nghiêm trọng của nguy cơ này bằng cách lập luận chứng minh.

– Xác định thời điểm cụ thể của thông tin: ngày 8 – 8 – 1986;

– Đưa ra số liệu cụ thể về trữ lượng đầu đạn hạt nhân: 50 000 đầu đạn hạt nhân trên khắp hành tinh;

– Giải thích về khả năng huỷ diệt của nó: mỗi người như đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ, có khả năng huỷ diệt 12 lần toàn bộ sự sống trên Trái Đất, có khả năng tàn phá tất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt Trời, cộng thêm bốn hành tinh khác nữa và phá huỷ thế thăng bằng của hệ Mặt Trời.

Tác giả đã sử dụng phương pháp nêu số liệu, giải thích dựa trên những tính toán lí thuyết khoa học, chính xác, cụ thể hoá để trình bày về nguy cơ của vũ khí hạt nhân.

Câu 3: Sự tốn kém và tính chất vô lí của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã được tác giả chỉ ra bằng những chứng cứ nào?

Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng, xác thực, tác giả đã chỉ ra sự tốn kém và tính chất phi lí của chạy đua vũ trang. Cụ thể:

– Lí lẽ: “Chỉ sự tồn tại của nó không thôi, cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết cũng đã làm tất cả chúng ta mất đi khả năng sống tốt đẹp hơn.”

+ Dẫn chứng về chương trình không thực hiện được của UNICEF vì thiếu kinh phí;

+ Dẫn chứng về y tế;

+ Dẫn chứng về tiếp tế thực phẩm;

+ Dẫn chứng về giáo dục.

– Điều quan trọng là: trong mỗi dẫn chứng, tác giả đã đưa ra sự so sánh cụ thể để làm nổi bật tính phi lí của chạy đua vũ trang. Những số liệu cụ thể tự nó có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Câu 4: Vì sao có thể nói: “Chiến tranh hạt nhân “không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa?” Em có suy nghĩ gì trước cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ hủy diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra?

Mác-két đã cảnh báo về nguy cơ huỷ diệt sự sống và nền văn minh một khi chiến tranh hạt nhân xảy ra, rằng chiến tranh hạt nhân không những đi ngược lại lí trí con người mà đi ngược lại cả lí trí tự nhiên. Để hiểu được nội cảnh báo này, cần phải cắt nghĩa được “lí trí con người” và “lí trí tự nhiên” ở đây là gì. Có thể hiểu “lí trí con người” là quy luật phát triển của văn minh loài người và “lí trí tự nhiên” là quy luật tiến hoá tất yếu của tự nhiên, sự sống.

Từ đó để hiểu: chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ phá huỷ, xoá sạch những thành quả tiến hoá của văn minh loài người cũng như tiến trình tiến hoá của sự sống, tự nhiên trên Trái Đất. Luận cứ cảnh báo này được làm sáng tỏ bằng những chứng cứ với số liệu cụ thể về thời gian tiến hoá của sự sống con người và tự nhiên trong thế đối sánh với sức tàn phá của chiến tranh hạt nhân.

Lời cảnh báo của nhà văn G.Macket đã đặt ra trước toàn thể nhân loại một nhiệm vụ cấp bách. Đó là chúng ta phải đoàn kết, kiên quyết ngăn chặn nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Câu 5: Theo em, vì sao văn bản này lại được đặt tên Đấu tranh cho một thế giới hòa bình?

Văn bản được đặt tên là: Đấu tranh cho một thế giới hòa bình, vì chủ đích của người viết không phải chỉ là chỉ ra mối đe dọa hạt nhân, mà muốn nhấn mạnh vào nhiệm vụ đấu tranh để ngăn chặn nguy cơ ấy. Nhan đề ấy thể hiện luận điểm cơ bản của bài văn, đồng thời như một khẩu hiệu, kêu gọi, hướng nhân loại tới một thái độ đấu tranh tích cực.


Bài văn tham khảo:

Phân tích văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” (Mac-ket)

“Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” mang ý nghĩa như một bức thông điệp của Mác-két, người Cô-lôm-bi-a, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc, nhà văn được giải thưởng Nô-ben văn học năm 1982, gửi cho các dân tộc trên hành tinh chúng ta.

Nhan đề Đấu tranh cho một thế giới hoà bình thể hiện chủ đề của bài văn. Lời kêu gọi đấu tranh cho một thế giới hoà bình được rút ra sau những luận cứ rõ ràng, nó như luận điểm kết luận của toàn bộ lập luận mà tác giả đã xây dựng rất thuyết phục. Như vậy, vấn đề là muốn ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân thì phải xác định một thái độ hành động tích cực, đấu tranh cho hoà bình vì sự sống của chính con người. Thông điệp này của Mác-két mang ý nghĩa thời đại, có tính nhân văn sâu sắc.

Để làm sáng tỏ luận đề “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”, Mác-két đã đưa ra 3 luận điểm đầy sức thuyết phục: một là nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; hai là, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém; ba là, lời kêu gọi chống nguy cơ hạt nhân, đấu tranh cho hòa bình.

Nhân loại đang đứng trước hiểm họa hạt nhân; cái nguy cơ ghê gớm đang đè nặng lên chúng ta như “thanh gươm Đa-nô-clét”. Với hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân bố trí khắp hành tinh, mỗi con người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Với số vũ khí hạt nhân ấy có thế hủy diệt 12 lần mọi dấu vết sự sống trên trái đất; có thể tiêu diệt rất cả các hành tinh đang xoay quanh Mặt trời, cộng thêm 4 hành tinh nữa… “Mác-két ghê tởm lên án nguy cơ hạt nhân là dịch hạch hạt nhân” vì cái cảnh tận thế tiềm tàng trong các bệ phóng cái chết”…

Những con số mà Mác-két đưa ra đã nâng cao nhận thức cho mọi người vẻ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, và sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân.

Tiếp theo, Mác-két đã chỉ ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là vô cùng tốn kém. Đây là những số liệu cụ thể mà tác giả đã đưa ra:

Chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B1B của Mĩ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu là 100 tỉ đô-la. Số tiền ấy có thể cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới.

Giá 10 chiếc tàu sân bay Ni-mít mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em ờ châu Phi.

Số lượng ca-lo trung bình cho 575 triệu người thiếu dinh dưỡng tốn kém không bằng 149 tên lửa MX. Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ trả tiền mua nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong 4 năm tới.

Chỉ cần 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới.

Nhà văn đã nghiêm khắc cảnh cáo: “Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí”, lí trí con người, cả lí trí tự nhiên. Sự sống trên Trái Đất phải trải qua 380 triệu năm thì con bướm mới biết bay; rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở; trải qua 4 kỉ địa chất (trên dưới 40 triệu năm), con người mới hát được hay hơn chim và mới chết vì yêu. Nhưng chỉ cần “bấm nút một cái” là sẽ “đưa cả quá trình vĩ đại và tốn kém đó của hàng bao nhiêu triện năm, trở lại điếm xuất phát của nó”, nghĩa là Trái Đất bị hủy diệt hoàn toàn.

Nghệ thuật lập luận của Mác-két rất sắc bén. Những con số về tiền bạc mà ông nêu lên đã cho thấy ngân sách quân sự, chi phí chạy đua vũ trang hạt nhân là cực kì tốn kém! Tác giả sử dụng lối biện luận tương phản về thời gian: quá trình hình thành sự sống và văn minh nhân loại phải trải qua hàng triệu triệu năm, còn sự hủy diệt Trái Đất chỉ diễn ra trong nháy mắt, “chỉ cần bấm nút một cái” thì tất cả sẽ trở thành tro bụi – ông đã chi cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thấy rõ hiếm họa vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang hạt nhân khủng khiếp như thế nào!

Luận điểm thứ 3 là lời kêu gọi của Mác-két. Ông kêu gọi mọi người “chống lại việc đó” – cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân; hãy “tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hòi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng”.

Ông đề nghị “mở ra một nhà băng lưu trữ trí nhớ, có thể tồn tại được sau tai họa hạt nhân” để cho nhân loại tương lai biết rằng “sự sống đã từng tồn tại”…, để nhân loại tương lai “biết đến” những thủ phạm đã “gây ra những lo sợ, đau khổ” cho hàng tỉ con người, để “biết đến” tên những kẻ “giả điếc làm ngơ trước những lời khẩn cầu hòa bình, những lời kêu gọi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”…

Mác-két đã có một cách nói đặc sắc, độc đáo lên án những kẻ hiếu chiến đã và đang gây ra cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, đe dọa cuộc sống hòa bình yên vui của các dân tộc và nhân loại.

Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” thể hiện trí tuệ và tâm hồn của Mác-két. Ông đã sáng suốt và tỉnh táo chỉ cho nhân loại thấy rõ nguy cơ hạt nhân là một hiểm họa đáng sợ- “dịch hạch hạt nhân”. Tâm hồn của ông cháy bỏng một niềm khao khát hòa bình cho nhân loại.

Mác-két đã có một lối nói, lối viết rất độc đáo. Những số liệu của ông nêu ra có một sức thuyết phục to lớn, làm cho mọi người, mọi dân tộc nhận thức một cách sâu sắc về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình là sự sống còn của nhân loại.

Vì sao có thể nói: Chạy đua vũ trang là đi ngược lại với lí trí?

Chủ đề liên quan:

Tham Khảo Thêm:  Cảm nhận đoạn trích: Trong những dòng sông đẹp … bát ngát tiếng gà trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *