Đề bài 1:
Phần I (6 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Tôi yêu Sài Gòn da diết… Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh. Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở. Nếu cho là cường điệu, xin thưa:
Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.
Ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khơ-me… mà chỉ toàn là người Sài Gòn cả. Sống lâu, sống quen một thời gian dài ở Sài Gòn, rồi cứ ngỡ là mình đã sinh ra ở đây và vô hình trung đã thừa nhận nơi đây là quê quán của mình. Sài Gòn bao giờ cũng dang hai cánh tay mở rộng mà đón nhiều người từ trăm nẻo đất nước kéo đến. Nếu siêng năng, chịu khó thì bạn sẽ được đãi ngộ thân tình như hàng triệu người khác”.
(Trích Sài Gòn tôi yêu, tác giả Minh Hương, Sgk Ngữ văn 7)
- Xác định phương thức biểu đạt và nội dung chính của phần trích trên.
- EM hiểu như thế nào về câu nói: “Ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khơ-me… mà chỉ toàn là người Sài Gòn cả”.
- Tìm một đoạn dẫn trực tiếp trong phần trích trên.
- Từ ý nghĩa phần trích trên, hãy viết một bài nghị luận bàn về những việc anh/chị cần làm để góp phần xây dựng thành phố.
Phần II (4 điểm)
Vẻ đẹp trong lối sống và tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long) và nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” (Nguyễn Minh Khuê)
Đề bài 2:
Phần I (6 điểm):
Câu 1 (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
“Biết chị Cốc đi rồi, tôi mới mon men bò lên. Trông thấy tôi, Dế Choắt khóc thảm thiết.
Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
– Sao? Sao?
Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp. Thấy thế, tôi hốt hoảng quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng:
– Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm! Tôi hối hận lắm ! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ?
Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu như thế này:
– Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy.
Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình. Giá tôi không trêu chị Cốc thì đâu đến nỗi Choắt việc gì. Cả tôi nữa, nếu không nhanh chân chạy vào hang thì tôi cũng chết toi rồi.
Tôi đem xác Dế Choắt đến chôn ở một vùng cỏ bùm tum. Tôi đắp thành nấm mộ to. Tôi đứng lặng giờ lâu, nghĩ về bài học đường đời đầu tiên”.
(Trích Bài học đường đời đầu tiên trong Dế Mèn phiêu lưu kí, tác giả Tô Hoài, Sgk Ngữ văn 7)
- Theo em, “bài học đường đời đầu tiên” mà dé Mèn nhận được sau cái chết của dế Choắt là bài học gì?
- Tìm và chỉ ra một phép liên kết được sử dụng trong đoạn trích trên và cho biết tác dụng của phép liên kết đó.
- Từ bài học của Dế Mèn, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Câu 2 (3 điểm)
“Đạo đức cao thượng nhất của loài người chính là lòng yêu nước” (Napoleon)
Suy nghĩ về câu nói trên.
Phần II (4 điểm)
Trong bài thơ Bác ơi!, nhà thơ Tố Hữu viết:
“Bác đã lên đường, theo tổ tiên
Mác – Lê-nin, thế giới Người Hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!
Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.
Nêu cảm nhận của em về đoạn thơ trên. Từ ý nghĩa hai câu thơ cuối, hãy liên hệ với một tác phẩm em đã từng học (hoặc từng đọc) để làm rõ điểm gặp gỡ trong tình yêu kính lãnh tụ và tinh thần sống vì đất nước của hai tác giả.
Đề bài 3:
Phần I (6 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à?
Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.
Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi:
– Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
– Là con thầy mấy lị con u.
– Thế nhà con ở đâu?
– Nhà ta ở làng Chợ Dầu.
– Thế con có thích về làng Chợ Dầu không?
Thằng bé nép vào ngực bố trả lời khe khẽ:
– Có.
Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu ông lại hỏi:
– À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
– Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
– Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa.
Anh em đồng chí biết cho bố con ông.
Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông.
Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được đôi câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vợi đi được đôi phần”.
- Nội dung đoạn trích trên là gì?
- Xác định hàm ý của câu: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”.
- Hãy chỉ ra những chi tiết hình ảnh biểu hiện rõ ràng tình cảm yêu nước của ông Hai.
- Từ tấm lòng yêu làng, yêu nước của nhân vật ông hai, hãy viết bài văn nghị luận về lòng yêu nước của thanh niên ngày nay.
Phần II (4 điểm)
Kết thúc bài thơ Những cánh buồm, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết:
“Lần đầu tiên, trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con”.
Em hiểu ý thơ trên như thế nào? Từ đó, cảm nhận điều người cha gửi gắm vào người con ở bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương.
(Xem gợi ý làm bài tại đây)
Đề bài 4:
Phần I (6 điểm)
Câu 1:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chuyện nhỏ
“Chị tôi theo chồng định cư ở nước ngoài.
Vừa về thăm nhà dắt ngay thằng con trai. Lúc đi cháu còn bế trên tay, nay đã ba tuổi. Cháu rất ngoan, lễ phép, cả nhà cuời vui theo từng câu hỏi của cháu.
Hôm nay, hai cậu cháu đứng trước cửa ngắm ông đi qua bà đi lại, tôi cho cháu quả ô mai mơ là món cháu rất thích. Nhấp nháp xong, cháu cầm cái hột bé tí hỏi tôi: “Vất đi đâu hở cậu?”.
Tôi vô tư chỉ ra đường. Cháu ngần ngừ giây lát rồi hỏi lại tôi: “Thế nhà cậu không có giỏ rác hở cậu?”.
Tôi nhìn ra đường. Bao nhiêu là rác đang “cuốn theo chiều gió”. Trong tay cháu chỉ có cái hột ô mai bé tí. Ôi cháu tôi…”
- Nội dung văn bản trên là gì?
- Vì sao người cháu ngần ngừ không vứt rác ra đường?
- Tìm và chỉ ra một đoạn dẫn trực tiếp và một phép liên kết câu có trong văn bản trên.
Câu 2:
“Trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt” (Martin Luther King).
Từ ý nghĩa câu nói trên, hãy suy nghĩ về vai trò và ý nghĩa của lời nói.
(Xem gợi ý đáp án tại đây)
Phần II (4 điểm)
Cảm nhận phẩm chất anh hùng của Lục Vân Tiên qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” (trích Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu).
“Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ lũ hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?
Trước gây việc dữ tại mầy.
Truyền quân bốn phía phủ vây bịt bùng”.
Vân Tiên tả đột hữu xung,
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dương.
Lâu la bốn phía vỡ tan,
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.
Phong Lai trở chẳng kịp tay,
Bị Tiên một gậy thác rày thân vong”.
Từ đó, liên hệ với những hành động dũng cảm cứu người trong thực tế cuộc sống mà em đã từng đọc, từng nghe hoặc chứng kiến.
Giới thiệu bộ 7 đề thi tuyển sinh 10 môn văn
Đề bài 1:
Phần 1 (6 điểm)
“Đó là hình ảnh của sự kiêu hãnh, của niềm tin, khát vọng vượt qua mọi rào cản,được tích tụ và vỡ òa của tuổi trẻ Việt Nam. Một hình ảnh thực sự gây xúc động khiến bất cứ ai là người Việt xem đi xem lại nhiều lần không chán. Một hình ảnh khiến chúng ta không chỉ yêu thương, mà còn như một động lực thúc giục tất cả phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với trọng trách của mình.
(….)
“Sự thành công được tạo nên không từ bất cứ bí mật nào. Đó chỉ là kết quả của sự chuẩn bị, làm việc hết sức mình và rút ra kinh nghiệm từ những thất bại”. Câu nói của cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell có lẽ đã lột tả đầy đủ chiến tích của thầy trò HLV Park Hang Seo tại giải U23 châu Á”.
(theo “Những bài học lớn sau kỳ tích của U23 Việt Nam là gì?” đăng trên Website Vietnamnet.vn)
- Trình bày nội dung đoạn trích trên.
- Chỉ ra một phép liên kết đã được sử dụng trong đoạn trích trên. Nêu tác dụng của phép liên kết ấy.
- Theo em, sức mạnh nào làm nên kì tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch U23 châu Á?
- Từ ý nghĩa đoạn trích trên, hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng tự hào dân tộc.
Phần II (4 điểm)
Trong Lời bạt tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà nghiên cứu văn học người Nga Nikolai Niculin viết: “Nhà văn thời ấy đã khá triệt để trong việc thi vị hóa nhân vật. Đây vừa là chỗ mạnh của anh vừa là chỗ yếu: niềm tin vào chất bất khả chiến thắng của cái đẹp tinh thần, của cái thiện đã được khúc xạ ở chỗ anh đã “tắm rửa sạch sẽ” các nhân vật của mình, họ giống như được bao bọc trong một bầu không khí vô trùng”.
Qua nhân vật anh thành niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Đề bài 2:
Phần 1 (6 điểm)
“Nằm xuống” – Câu chuyện 10 giây từng gây chấn động toàn nước Đức
“Có một câu chuyện từng gây xúc động trên toàn nước Đức. Chuyện kể rằng, tại một nhà ga xe lửa, có một nhân viên được giao làm nhiệm vụ chuyển hướng đường ray điều chỉnh hướng chạy của các chuyến tàu vào và ra khỏi ga an toàn.
Bởi hoàn cảnh khó khăn, vợ ông cũng đi làm, hằng ngày, không có ai trong coi đứa con trai vốn bị thiểu năng nên ông phải đưa cậu ấy tới cơ quan làm việc.
Ngày hôm đó, có hai chuyến tàu vào ga từ hai hướng ngược nhau. Người nhân viên đang chuẩn bị chuyển hướng đường ray để một con tàu rời khỏi đường ray chính vào ngã tránh thì bất ngờ ông phát hiện cậu con trai của mình đang chơi đùa ngay tại ngã ba đường ray chuyển mà không hề hay biết hai con tàu lao đến.
Không kịp suy nghĩ, ông hướng về phía con trai và hét lớn: “Nằm xuống”, đồng thời nhấn nút điều khiển. Đường ray lập tức chuyển hướng và hai đoàn tàu đã đi vào ngã tránh an toàn.
Trái tim ông như chết lặng nhìn theo đoàn tàu đang ầm ầm lướt qua. Sau phút định thần, ông lập lao ra khỏi phòng điều khiển, chạy đến bên cậu con trai, nước mắt dàn giụa. Thật may mắn, trong mấy giây đồng hồ định mệnh kia, đứa trẻ thiểu năng ấy lại có thể nghe lời cha, kịp nằm xuống và thoát nạn trong gang tấc trước khi đoàn tàu lao đến.
Hóa ra, người cha ấy đã từng nhiều lần nói với con: “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít. Vì thế, con nhất định phải nỗ lực để trở nên xuất sắc”. Nhưng con trai của ông chưa bao giờ hiểu được những lời này, chỉ ngơ ngác nhìn cha. Hai chữ “nằm xuống” là một câu mệnh lệnh mà người cha thường hay nói khi chơi đùa với con. Đó là từ duy nhất mà con trai ông có thể hiểu và làm theo.
Có một phóng viên đã kịp thời ghi lại khoảnh khắc sinh tử ấy. Và câu chuyện đã nhanh chóng lan khắp nước Đức sau đó”.
- Xác định một lời dẫn trực tiếp có trong văn bản trên.
- Nội dung của văn bản trên là gì?
- Theo em, tại sao người cha lại dũng cảm nhấn nút chuyển đường ray trong khi điều đó có thể cướp đi sinh mạng của con trai mình?
- Viết một bài văn nghị luận (khoảng 1 trang giấy thi) bàn vể ý nghĩa câu nói của người cha: “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít. Vì thế, con nhất định phải nỗ lực để trở nên xuất sắc”.
Phần 2:
Tình cảm gia đình hòa quyện trong tình yêu tổ quốc. Qua bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) và Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) hãy làm sáng tỏ điều đó.
Đề bài 3:
Câu chuyện về hai con ếch
“Một bầy ếch đi dạo trong rừng và thật không may có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu. Hai con ếch cố nhảy nhưng không làm sao thoát khỏi miệng hố được. Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều vây quanh miệng hố để kéo chúng lên nhưng không thể được. Cuối cùng, ngậm ngùi nhìn hai con ếch dưới hố sâu, chúng nói:
– Cái hố quá sâu. Chúng tôi không thể làm gì được. Trong hố lại không có nước. Bạn đừng nên phí sức nữa.
Nói rồi chúng buồn bã bỏ đi.
Một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó bỏ cuộc không nhảy nữa và ngồi đó trong tuyệt vọng. Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Nó nói với bạn của mình:
– Bạn đừng vội bở cuộc. Chỉ cần còn một chút hi vọng là chúng ta phải biết cố gắng.
Con ếch kia rầu rĩ:
– Bạn có thấy miệng hố ở quá xa chúng ta không? Đừng phí sức nữa. Hãy chấp nhận số phận là chúng ta sẽ chết khô ở đây thôi.
Hai ngày trôi qua, con ếch vẫn cứ nhảy. Những cú nhảy ngày càng yếu dần nhưng nó không bỏ cuộc. Thật may mắn, lần nhảy cuối cùng nó đã bám được vào chiếc rễ cây và thoát khỏi cái hố. Còn con ếch kia đã chết trong tuyệt vọng từ lúc nào rồi.
Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói ra. Bất kỳ người nào cũng có thể nói những lời hủy diệt để cướp đi tinh thần của những người đang ở trong hoàn cảnh khốn khó. Quý báu thay là những ai dành thì giờ để động viên và khích lệ người khác”.
- Nội dung của câu chuyện trên là gì?
- Vì sao khi nghe bạn khuyên nên bỏ cuộc mà con ếch kia vẫn cứ nhảy, cố tìm đường thoát khỏi cái hố?
- Chỉ ra hàm ý câu nói:
“– Cái hố quá sâu. Chúng tôi không thể làm gì được. Trong hố lại không có nước. Bạn đừng nên phí sức nữa”.
- Viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) suy nghĩ về câu nói: “Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp anh ta vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng”.
Đề bài 4:
Phần I (6 điểm)
Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi:
“Một cậu bé 15 tuổi nảy ra kế xin tiền mẹ bằng một tờ giấy viết như sau:
Sáng phụ mẹ dọn dẹp giường ngủ: 1 đô la
Giúp mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng: 2 đô
Sau khi đi học về coi em: 3 đô
Phụ mẹ bày bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp: 4 đô la
Tổng cộng: 10 đô.
Thời gian thanh toán: sáng mai trước khi con đi học.
Sáng hôm sau, người mẹ đọc và đặt trên bàn 10 đô la và lật mặt sau tờ giấy ra viết rằng:
Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày: miễn phí
Tiền tã lót, bệnh viện, sữa lúc sinh con: miễn phí
Tiền nuôi con từ lúc sinh ra tới nay: miễn phí
Các khoản lo cho con ăn học, ốm đau: miễn phí
Lo đám cưới cho con hoặc tiền thuốc nếu con bị bệnh nan y hay tật nguyền suốt đời : Miễn phí
Các khoản không tên khác đều miễn phí cho con trai của Mẹ
– Thời hạn trả cho con: trọn đời mẹ
Đi học về thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc, rồi lấy một tờ giấy khác và viết như sau:
Thưa Mẹ, con xin lỗi Mẹ… Từ bây giờ:
Giúp đỡ Mẹ : Miễn phí
Học hành thành tài : Miễn phí
Sẵn sàng giúp đỡ mọi người : Miễn phí
Quan tâm, chăm sóc Mẹ : Miễn phí
Lo cho Mẹ khi về già : Miễn phí
Thời hạn thực hiện……….. Trọn đời con
Sáng hôm sau khi con còn ngủ, bà mẹ vẫn đặt tờ giấy bạc 10 đô lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấy mà cậu ghi. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má, nhưng miệng vẫn nở nụ cười vì đây là điều người mẹ mãn nguyện nhất kể từ khi sinh thằng con ra tới nay.
- Nội dung câu chuyện trên kể về việc gì?
- Vì sao khi người con đã biết lỗi và hứa sẽ làm những điều tốt đẹp nhưng người mẹ vẫn đặt tờ giấy 10 đô la lên bàn cho con?
- Chỉ ra một trường từ vựng có trong văn bản tran.
- Từ ý nghĩa câu chuyện trên, hãy viết một bài văn (khoảng 1 trang giấy thi) suy nghĩ về đức hi sinh của mẹ.
Phần II (4 điểm)
Chọn một trong hai đề sau:
Đề 1:
Nhận xét về hình ảnh người phụ nữ trong nèn văn học trung đại, có người cho rằng: “Nhân vật phụ nữ ở thể loại tự sự hay trữ tình trong văn học trung đại là hiện thân của cái đẹp. Ở họ có sự hài hòa giữa cái đẹp về hình thức với cái đẹp của tâm hồn”.
Bằng việc phân tích một vài tác phẩm văn học đã học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Đề 2:
“Vinh dự lớn nhất là được chiến đấu để bảo vệ tổ quốc”.
Qua các tác phẩm đã học, hãy chứng minh nhận định trên.
Đề bài 5:
Phần I (6 điểm)
Đọc câu chuyện sau và thực hiện các yêu cầu:
Câu chuyện người thanh niên và ông lão bán chuối
Vào một buổi trưa nắng gắt, một thanh niên đi trên đường. Anh nhìn thấy một ông lão bên chiếc xe chở đầy chuối. Nhìn thấy ông lão liên tục đưa khăn lên lau mồ hôi trên trán và trên ngực, anh thầm nghĩ: Ông lão tuổi đã cao thế kia mà còn phải vất vả đẩy xe đi bán chuối vì miếng cơm manh áo. Phải giúp đỡ ông lão.
Anh liền hào phóng hỏi mua toàn bộ số chuối trên xe ấy nhằm giúp ông lão nhanh chóng trở về nhà cùng gia đình.
Sau khi mua hàng, anh bày tỏ sự quan tâm và nể phục với ông cụ. Bởi hình ảnh một người lớn tuổi vẫn chăm chỉ lao động mỗi ngày đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người:
– Nhìn vào ông, chúng cháu cảm thấy như mình trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Cháu rất khâm phục khi ông vẫn có thể làm việc chăm chỉ như thế dù đã ở vào độ tuổi này.
Ông lão ngước nhìn chàng trai, mỉm cười:
– Này con trai, con có thể mua chuối của ta đến khi ta không còn bán được nữa không?
Chàng trai ngạc nhiên và bối rối trước câu hỏi của ông lão.
– Cháu không thể!
– Con trai, ta làm việc chăm chỉ để kiếm sống, chứ ta không xin xỏ ai cả. Ta có thể ngủ với bụng rỗng nhưng không bao giờ đi ăn xin tiền của mọi người.
- Tại sao chàng trai lại hỏi mua toàn bộ số chuối trên xe của ông lão?
- Từ câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì?
- Hãy chỉ ra một thành phần biệt lập có trong văn bản trên. Nêu tác dụng của thành phần biệt lập ấy.
- Hãy viết bài văn nghị luận bàn về ý nghĩa câu nói của ông lão: “Ta có thể ngủ với bụng rỗng nhưng không bao giờ đi ăn xin tiền của mọi người”.
Phần II (4 điểm)
Phân tích vẻ đẹp con người Việt Nam qua các tác phẩm văn học đã học.