Làm sáng tỏ ý kiến: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực…”

lam-sang-to-y-kien-van-chuong-khong-phai-la-mot-cach-dem-den-cho-nguoi-doc-su-thoat-li-hay-su-quen-trai-lai-van-chuong-la-mot-thu-khi-gioi-thanh-cao-va-dac-luc

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”. (Thạch Lam)

Từ những tác phẩm văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 được học trong chương trình Ngữ văn lớp 11, anh (chị) làm sáng tỏ q uan niệm trên.

Hướng dẫn làm bài:

1. Giải thích ý kiến:

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên”: Văn chương cũng không thể tách rời cuộc sống, không đưa đến cho người đọc thái độ quay lưng, lảng tránh đời sống. Nó không phải là liều thuốc ngủ.

→ Thạch Lam phủ nhận thứ văn chương đơn thuần chỉ là trò giải trí để giết thời gian. Các tác phẩm đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, nghĩa là quay lưng Với thực tại cuộc sống, trốn tránh nghĩa vụ công dân… Ví dụ như những truyện đậm màu sắc kiếm hiệp rẻ tiền, những truyện tình nhảm nhí, vô bổ, những truyện mê tín dị đoan… hoặc những bài thơ cổ vũ cho lối sống ích kỉ, truỵ lạc…

“Văn chương là một thứ khí giới đắc lực và thanh cao”: Văn chương là công cụ nghề nghiệp hoàn hảo của nhà văn, là vũ khí có khả năng giúp nhà văn hoàn thành sứ mệnh của mình một cách có hiệu quả. Nó không bị sử dụng vào mục đích xấu, hơn nữa, luôn tác động qua con đường tình cảm.

→ Nhấn mạnh văn chương có nhiệm vụ mở đường. Nhà văn phải có tinh thần trách nhiệm và lương tâm trước xã hội. Ngòi bút trong tay nhà văn phải là thứ khi giới thanh cao và đắc lực… để hướng con người tới Chân, Thiện, Mĩ…

“Tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”, “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”: Văn chương vạch trần, phê phán những tệ lậu, những cái xấu xa của xã hội và đòi hỏi diệt trừ, thay thê nó, đồng thời bồi đắp tinh thần, xây dựng đời sống tâm hồn, thanh lọc tình cảm con người.

→ Đưa ra quan niệm đúng đắn là văn chương đích thực sẽ làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn. Ý kiến của Thạch Lam về các chức năng văn học là rất đúng đắn, đặc biệt là tính nhận thức và tính giáo dục. Nhà văn xác định: Sống trong xã hội đầy rẫy áp bức bất công thì ngòi bút của các tác giả phải phanh phui, tố cáo cái xấu, cái ác để góp phần thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, giúp mọi người nhận thức ra rằng cái thế giới ấy cần phải xoá bỏ để xây dựng một thế giới mới công bằng và tốt đẹp hơn.

2. Bàn luận ý kiến:

– Quan niệm đúng đắn về khuynh hướng văn học lãng mạn nói chung và văn học lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 nói riêng không phải là khuynh hướng văn học thoát li khỏi hiện thực cuộc sống. Trái lại văn chương giai đoạn này có thể tố cáo và thay đổi thế giới xấu xa, tàn ác; văn chương khiến cho lòng người trong sạch và phong phú hơn.

– Thể hiện một thái độ lựa chọn dứt khoát, tiến bộ, tích cực:

+ Ngầm đối thoại với xu hướng văn học thoát li.

+ Thể hiện một quan niệm gần gũi với quan niệm của các nhà văn hiện thực phê phán về văn học.

+ Rất hiểu vai trò trách nhiệm của nhà văn cũng như sự mê hoặc, quyến rũ của văn chương.

– Rất tự hào về vũ khí của mình.

+ Ý thức được sức mạnh và sự cao cả của văn học.

+ Một nhận xét đúng đắn, khái quát, sát thực tế.

+ Thấy được cách tác động đặc thù của văn học vào cuộc sống,

– Nhận thức đúng về hiện trạng đời sống lúc bấy giờ.

+ Xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của văn học.

+ Hiểu rõ tương quan giữa hai nhiệm vụ.

→ Đầy niềm tin ở khả năng của văn học, khả năng tự cải tạo tâm hồn mình từ con người, nói chung là niềm tin vào một tương lai sáng sủa hơn. Một quan niệm đúng đắn về vai trò, tác dụng của văn chương trong đời sống xã hội.

3. Chứng minh:

* Với tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân:

+ Khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái tốt, cái cao cả đối lập với xấu xa, thấp hèn.

+ Thái độ bất hòa với xã hội hiện thực.

+ Khơi dậy tình yêu với những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc.Những ý đồ nghệ thuật trên được truyền tải qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật xây dựng nhân vật tài hoa, dựng cảnh tài tình, gợi
không khí cổ xưa …

* Đặc biệt với tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam:

+ Nỗi xót thương trước cuộc sống nghèo khổ, tàn lụi của những người dân phố huyện – đặc biệt là những đứa trẻ,chính là tiếng nói gián tiếp tố cáo xã hội vô nhân đạo.

+ Sự đồng cảm với những ước mơ của tuổi thơ, tâm hồn gắn bó với nơi mình đang sống của các nhân vật trong tuyện cũng luôn khơi gợi trong tâm hồn mỗi con người những suy ngẫm…

* Bằng cốt truyện nhẹ nhàng, giọng văn tâm tình, sâu lắng, kết hợp bút pháp hiện thức và trữ tình, khai thác tinh tế tâm lí nhân vật … đã làm nổi bật những nội dung trên.


Thao khảo:

Khác với các nhà văn khác trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam đã chọn cho mình một lối đi riêng nhẹ nhàng và thanh thoát. Với lời văn tinh tế nhẹ nhàng, một tinh thần trân trọng, chân tình đối với công việc, công việc văn chương, những ý kiến, những nhận xét của ông thể hiện một quan niệm văn nghệ lành mạnh, hơn thế, tích cực và tiến bộ. Có lúc, người đọc cảm thấy ông đang tâm sự, đang đối thoại với mình.

Trong lời tựa “Gió đầu mùa”, Thạch Lam viết: “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có thế nói, đó là một ý kiến sâu sắc. Giá trị hiện thực và nhân đạo là cái đích mà nhà văn và tác phẩm cần hướng tới, vươn tới.

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên”. Thạch Lam quan niệm văn chương không thể xa rời đời sống, không nên quay lưng vơi hiện thực. Từ thực tế sáng tác phức tạp những năm 30, 40 trước Cách mạng, quả là có không ít tác phẩm đã vô tình hay hữu ý đem đến cho độc giả “sự thoát li hay sự quên”. Có người đã đưa ta vào những giấc mơ tiên huyền hoặc; có nhà văn say sưa nói về những đam mê, trụy lạc, những cơn say triền miên: “Say, say nữa, và quên, quên hết”. Say tửu, say sắc, say nàng tiên nâu để lảng tránh trách nhiệm làm người, để hủy hoại thân mình, sống be tha, bệ rạc. Lại có nhà văn ưu phiền tê tái trong “vạn cổ sầu”, càng buồn càng cô đơn, chíỉ muốn siêu thoát đến một cõi xa xăm, mơ hồ “một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa / Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh / Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo”. Thậm chí có nhà văn coi cuộc đời là vô nghĩa, trốn vào “tháp ngủ văn chương” để quên đi hiện thực phũ phàng xung quanh. Đành rằng, những biểu hiện của “sự quên” hay “thoát li” ấy, về mặt nào đó, là một trong những cách phản kháng lại xã hội thực dân, khẳng định cái “tôi” nhỏ bé, tội nghiệp, nhưng đó cũng chỉ là sự phản kháng yếu ớt, tiêu cực, bất lực mà thôi.

Tham Khảo Thêm:  Cảm nhận tính nhạc trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca của nhà thơ Thanh Thảo

Thạch Lam viết những dòng trên đây vào năm 1937, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai “dân ta nghèo nàn, thiếu thổn, nước ta xơ xác, tiêu điều” (Hồ Chí Minh). Vì vậy, nếu nhà văn nào, tác phẩm nào “đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên” là một điều đáng chê trách. Cách nói của Thạch Lam rất khiêm tốn mà thấm thía: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến… cách phê phán mà như một lời tâm sự. Qua đó, ta thấy quan niệm của Thạch Lam rất gần gũi với những quan niệm của các nhà văn hiện thực đương thời: “Văn chương phải là sự thực ở đời” (Vũ Trọng Phụng), và “nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Nam Cao).

Nhà văn chân chính, có tài năng và có cái tâm đẹp thì văn chương phải có ích cho đời, phải là món ăn tinh thần cho người đọc. Đúng như Thạch Lam đã nói: “Văn chương là một thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Với Thạch Lam, cầm bút viết văn là một thiên chức cao quý bới lẽ “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”. Không có gì đẹp hơn văn chương, không có gì mạnh hơn văn chương khi nó đã đi sâu vào lòng người. Là tiếng nói của tình cảm, là hình thức nhuần nhị của tư tưởng, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”, nó đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người.

Văn chương từ cuộc đời mà nở hoa, phải trở về cuộc đời mà kết trái. Tác dụng cùa văn chương đích thực, sứ mệnh của nhà văn chân chính là đem hương vị lại cho cuộc đời, đem văn chương phục vụ những lí tưởng cao đẹp. Những áng van kiệt tác mang vẻ đẹp nhân văn tỏa sáng đến muôn đời, vì vậy đất nước ta, dân tộc ta mới có những thiên cổ hùng văn như “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, những “thiên cổ kì bút” như ‘Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Du. Coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực”, nên Cao Bá Quát đã từng hạ bút khen: “Kim Văn Kiêu” là tiếng nói hiếu đời. “Hoa tiên” là tiếng nói răn đời vậy. Cũng vì coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” mà Nguyễn Đình Chiểu đà viết:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Khi đã coi văn chương là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” thì không thể tầm thường nghề văn, khổng thể “quấy loăng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dể dãi”. Lại càng không thể sử dụng văn chương cho những mục đích tầm thường.

Nhà văn phải là người có nhân cách đẹp, không thể lấy văn chương – “đem gấm vóc phủ lên xã hội điêu tàn” như bọn bồi bút hèn hạ.

Trong một xã hội đen tối, đầy rẫy bất công và tội ác, nhiệm vụ của nhà văn, sứ mệnh của văn chương phải đứng về nhân dân và tiến bộ mà “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”. Ông đã khẳng định tính khuynh hướng, tính chiến đấu của văn chương: “Văn chương không được thoát li thực tại, và cũng không thể dừng ở sự tố cáo những xấu xa, thối nát độc ác của xã hội, mà còn phải góp phần “thay đổi” nó, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, nhân ái hơn ”. Cũng trong lời tựa “Gió đầu mùa”, Thạch Lam đã nói rõ: “…thiên chức nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn”. Với Thạch Lam, nhà văn chân chính, văn chương đích thực phải lên án cái ác, cái xấu đồng thời hướng tới cái cao cả, cái tốt đẹp. Từ xưa đến nay, văn chương là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi dân tộc văn minh và tiến bộ. Nó không chỉ dinh dưỡng tinh thần mà còn có sức mạnh to lớn. Trong thế kỉ XV. vua Lê Thánh Tông, “Tao đàn nguyên súy” đã viết:

“Những lời hùng hồn đến át cả sông Ngân hà,
Những câu kì diệu khiến quỷ than phải khóc”.

Thân Nhân Trung, một trong “nhị thập bát tú” của Hội Tao Đàn cũng nói:

“Lòng thơ vời vợi, thu phục vạn giáp binh,
Sức bút tung hoành, quét sạch hàng nghìn quân”.

Với các nhà thơ Hội Tao đàn, thi sĩ mơ ước trở thành cây bút lớn, mỗi bài thơ, bài phú phải là “cái cày sắc nhọn” nơi đồng quê hoặc “lưỡi bảo đao lấp lánh” trong rừng tên biển giáo! Các nhà văn thời Phục hưng với sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn đã góp phần to lớn chôn vùi chế độ phong kiến trung cổ và sự thống trị của nhà thờ hàng chục thế kỉ. Các nhà vãn thời kì Ánh sáng ở Pháp như Đi-đơ-rô, Vôn-te… đã góp phần mở đường thắng lợi cho Cách mạng tư sản ở Pháp và nhiều nước Tây Âu, nêu cao lí tưởng Tự do. Bình đảng và Bác ái. Có nhà văn trở thành cánh chim “báo bão” như Cio-rơ-ki. có nhà văn trở thành “chủ tướng” của cách mạng văn hóa như Lỗ Tấn. Ở Việt Nam ta, “Phan Bội Châu, câu thơ dậy sóng”, và Tố Hữu với tập thơ “Từ ấy” đã trở thành tiếng kèn chiến đấu của “những con khôn của gióng nòi” vùng dậy vì tự do.

Thạch Lam đã khẳng định và đề cao thiên chức cao quý của nhà văn là sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Văn học làm cho con người sống đẹp hơn, phong phú hơn, tâm hồn trong sáng hơn. Mở rộng đến mọi chân trời. Văn học, đặc biệt là thơ ca – tiếng nói của tình cảm, với một thứ ngôn ngữ trau chuốt và hình tượng có khả năng phát hiện và diễn tả sự bí ẩn, huyền diệu và vô tận của cõi tâm linh, của tính cách và số phận con người. Văn chương là món ăn tinh thần sang trọng, giúp cho con người chiêm lĩnh vẻ đẹp thiên nhiên, sống sâu sắc hơn với những điều nhà văn nói tới, “từ một con người đến với những con người”. Văn chương đích thực giúp người đọc “tự đối thoại”, tự nhận thức về mình, hoàn thiện nhân cách của chính mình. Văn chương chân chính “làm cho người gần người hơn”, nhân đạo hóa con người. Ức Trai viết:

Tham Khảo Thêm:  Làm sáng tỏ nhận định: "Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay" (Xuân Diệu).

“Ngư ca tam xướng yên hồ khoát.
”Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao”.

(Ức Trai thi tâp)

Hai câu thơ ấy đã nói lên vẻ đẹp và sức mạnh huyền diệu của nghệ thuật, của thơ ca. Đọc nó, con người cảm thấy tâm và trí của mình thêm giàu có, trong sáng hơn. Nói về tác dụng to lớn của văn chương, Go-rơ-ki nói : văn học “giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí”.

Thạch Lam đã sống và viết như ông đã nói. Những trang văn của Thạch Lam đã thể hiện đúng như quan niệm văn chương của ông. Bên cạnh những truyện mang màu sắc lãng mạn như “Tình xưa”, “Nắng trong vườn”, “Dưới bóng hoàng lan”, “Sợi tóc”, Thạch Lam đã viết rất thành công, rất cảm động về thế giới những con người nghèo khổ, những em bé, những bà mẹ nghèo nơi phố huyện ngày xưa. “Hai đứa trẻ”, “Gió lạnh đầu mùa”, “Cô hàng xén”, “Nhà mợ Lê”,... đã cho thấy “những chân cảm đối với những con người ở tầng lớp dân nghèo thành thị và nông thôn” (Nguyễn Tuân). Bóng tối tràn ngập đối mắt và cuộc đời những con người nhỏ bé, đáng thương. Họ không chỉ mơ ước được một bát cơm đầy, một tấm áo ấm mà còn khát khao một ánh sáng, một ngọn đèn như chị em Liên, như mẹ con chị Tí trong truyện “Hai đứa trẻ”. Có thể nói trang văn của Thạch Lam đã góp phần “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác”, đồng thời “làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”. Có lẽ vì thế mà sau hơn nửa thế kỉ, chúng ta vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và nhã thú khi đọc văn Thạch Lam.

Trang văn Thạch Lam thấm đầm hiện thực ở một số cánh đời, chứa chan bao tình thương và trân trọng đối với người nghèo, đậm đà ý vị và màu sắc dân tộc,… Quan niệm văn chương của Thạch Lam, tiêu biểu là ý kiến trên đây, hoàn toàn đúng đắn, tích cực, tiến bộ. Một đời văn như Thạch Lam là một đời văn đẹp.


Tham khảo:

Có lẽ Thạch Lam đã suy nghĩ đúng khi ông khẳng định “…Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên”. Thoái li, đây là một cách xa rời cuộc sống, làm tươi mát cho cuộc sống để con người hiểu được hơn về cuộc sống mình đang sống và từ đó cố gắng làm cho cuộc sống tốt hơn lên. Đối với con người thì có rất nhiều cách yêu cuộc sống, ở người này yêu bằng một cách, ở người kia lại yêu băng cách khác.

Thạch Lam không muốn người đọc có thể tìm thấy một chút nào sự chán chường muốn xã rời hiện thực, quên cuộc sống trong tác phẩm văn chương của ông. Không dẫm vào con đường của các nhà văn lãng mạn (dù Thạch Lam cũng là nhà văn lãng mạn, hơn nữa lại là một trong những người chủ chốt của nhóm Tự Lực Văn Đoàn) theo con đường tìm đến cõi quên, mà Thạch Lam lại muốn hướng dòng văn của mình chảy về hướng ngược lại, hướng trở về cuộc đời thực. Quan niệm của ông là như thế và chính các tác phẩm của ông cũng chứng tỏ rất rõ điều đó trong một số tác phẩm của mình, những tác phẩm gần gũi với hiện thực chiếm hầu như đa số. Văn chương Thạch Lam không nói những gì cao xa mà đều là những mảnh đời thường dung dị và rất thân quen.

Nhưng nếu văn chương không “đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên” thì văn chương phải là như thế nào ? Đó cũng chính là vấn đề trọng tâm mà Thạch Lam nêu lên. “ Văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Quan niệm này rất đúng, văn chương cần thế và phải thế. Đó chính là sức mạnh của văn chương nếu nhà văn nào biết tận dụng triệt để. “Thứ khí giới thanh cao và đắc lực” ở đây không phải để chỉ các súng ống, gậy gộc mà chúng ta thường gọi là vũ khí, mà chính là sức mạnh cùa ngòi bút nhà văn, sức sống phá mãnh liệt của văn chương. Từ xưa, văn chương luôn tiềm ẩn một sức mạnh lo lớn mà nếu ai biết “điểm trúng huyệt”. Có thể làm lung lay những thành trì vững chãi nhất. Nhưng ở đây, những “khí giới thanh cao và đắc lực”, có nghĩa văn chương là một thứ vũ khí cao thượng và rất trong sạch, không phải là thứ vũ khí tầm thường có thể sử dụng vào bất cứ mục đích nào, dù mục đích ấy có xâu xa đến đâu cũng mang lại kết quả. Không, không thể thế.

Ê-luya đã từng nói “Nhà văn là người có ích nhất trong cộng đồng của mình”. Do đó không thể đem văn chương làm một thứ vũ khí phi nghệ thuật. Nhà văn phải dùng văn chương “thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để “tố cáo và thay đổi một thế giới dối trá và tàn ác”. Đó chính là mục đích chân chính của văn chương. Vãn chương đem đến cho con người lòng yêu cuộc sống, gần gũi với cuộc sống. Nhưng văn chương cũng có nhiệm vụ tố cáo, cải tạo cuộc sống, xã hội cũ đề loại bỏ cái xấu xa, tàn ác mà trở về với cái tốt đẹp. Văn chương không đem đến cho người đọc sự thoát li, sự quên lãng, tức là văn chương khuyên con người hãy trở về thực tại. Văn chương cũng phải biết dùng sức mạnh của thứ vũ khí thanh cao của mình để giúp con người được sống trong một xã hội tốt đẹp.

Hai nhiệm vụ ấy tưởng như không quan hệ với nhau mà thực ra liên quan rất chặt chẽ. Đã thực hiện nghĩa vụ này thì nghĩa vụ kia văn chương cũng không thể từ bỏ. Có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ “tố cáo và thay đổi cái thế giới gian dối và tàn ác” ấy. Trong Những người khốn khổ. Vichto Huygô cũng không ngần ngại khi sử dụng hết sức mạnh “như bom đạn” của ngòi bút để tố cáo thật quyết liệt cái xã hội Pháp “giả dối và tàn ác”, cái xã hội đã đày đoạ những con người tốt đẹp như Giăng Van – giăng, Côdét vào sự đau khổ, sự khốn cùng. Lép Tônxtôi, qua Anna Karerina, cũng lên án mạnh mẽ xã hội Nga Hoàng đã cướp đoạt hạnh phúc và đẩy những người phụ nữ đáng thương, khát khao hạnh phúc như Anna vào cái chết không thể cứu vãn được.

Qua vũ khí “thanh cao và đắc lực” của mình,văn chương không chỉ tố cáo xã lội, mà qua sự tố cáo, văn chương còn hướng tới mục đích cao cả là “thay đổi” cái xã hội ấy. Nghĩa là văn chương không phải tố cáo cốt để dìm sâu “cái thế giới giả dốì và tàn ác” xuống vũng bùn đen, mà phải tìm cách nâng cái thế giới ấy lên, gạn lại những bản chất của nó để từ đó phát triển lên. Sự thay đổi ấy, văn chương không thể tự đảm nhiệm được, nhưng văn chương cũng đóng góp một phần quan trọng vào quá trình thay đổi những nét giả dối và tàn ác của cái tã hội tàn bạo đầy cá thế lực đen tối. Ta có thể thấy rất rõ rằng các tác phẩm của các nhà văn, trong đó có cả Thạch Lam, ngoài mục đích tố cáo xã hội ra, còn hướng người đọc đến niềm tin “cái thế giới giả dối và tàn ác” trong tương lai sẽ thay đổi, do lược lượng này hoặc lực lượng khác, và sẽ trở nên tốt đẹp. Nhưng những điều này, ta sẽ không tìm thấy được ở các tác phẩm của các nhà văn lãng mạn như Khải Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, bởi vì các quan niệm văn chương của những nhà tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn ấy khác với quan niệm của Thạch Lam, một nhà văn đã khá gần với các nhà văn hiện thực đương thời.

Tham Khảo Thêm:  Bình luận ý kiến: Truyện ngắn là cách cưa lấy một khúc đời sống (Tô Hoài)

Văn chương không chỉ cốt dùng vũ khí của mình để thay đổi và tố cáo xã hội, mà văn chương còn phải “làm cho lòng người đọc được thêm trong sạch và phong phú hớn”. Quan niệm này hoàn toàn đúng . Đây chính là cái cao cả nhất mà văn chương chân chính muốn vươn tới và cũng chính là một trong các chức năng của văn học: chức năng giáo dục .Bản thân con người luôn luôn vươn tới sự toàn vẹn của chân, thiện, mĩ. Quá trình vươn lên này của con người có nhiều yếu tố khác giúp sức, trong đó một yếu tố khá quan trọng là văn chương, văn chương làm “lòng người được thêm trong sạch và phong phú”, có nghĩa là văn chương đã giúp cho những tình cảm trong tâm hồn con người trở nên trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn và dồi dào hơn. Đối tượng phục vụ của văn chướng chính là con người, do đó những tác phẩm có giá trị nhất là những tác phẩm phục vụ đắc lực cho con người, giúp cho con người “người” hơn.

Lênin đã từng nói: “Không có tình cảm thì sẽ không bao giờ và không thể có sự tìm tòi của con người và chân lý”. Chính văn chương đã làm giàu thêm tình cảm con người. Văn chương cũng giáo dục con người tìm những cái tốt đẹp những phẩm chât trong sáng, từ đó giúp con người nhận thức được chính bản thân và cố gắng hoàn thiện mình.

Từ xưa đến nay, văn chương luôn tìm cách giáo dục con người. Ngô Thì Nhậm đã từng nói đại ý: văn phải ngăn ngừa điều xấu, khuyến khích điều hay, đó mới chính là giá trị xác thực của văn chương. Nhà văn Nam Cao cũng đã lừng nói ý này : Một tác phẩm hay phải là một tác phẩm mang tính công bình, lòng bác ái giúp cho người gần người hơn. Đó là những quan niệm rất đúng đắn. Nó góp phần khẳng định tính chất xác đáng trong quan niệm của Thạch Lam.

Những nội dung mà các tác phẩm văn chương giá trị đều giúp cho con người có ý thức nhìn nhận lại mình, phát hiện những mặt tốt, từ đó cố gắng sửa chữ những mặt xấu, phát huy mặt tốt để làm cho mình trở thành con người toàn diện. Trong truyện “Sợi tóc”, Thạch Lam miêu tả một cuộc đấu tranh nội tâm rất gay gắt cùa nhân vật chính khi đứng trước ranh giới của vùng sáng lương thiện và bóng tối tội lỗi của sự ăn cắp. Cuối cùng, nhân vật đã chiến thắng bản chất xấu xa, thấp hèn của mình để bước hẳn ra vùng sáng lương thiện. Rõ ràng người đọc sẽ tự suy ngẫm còn những người còn những suy ngẫm lường gạt, lừa dối sẽ thấy lĩnh ngộ trong lương tâm, từ đó sẽ hướng lới những điều trong sáng hơn.

Hoặc trong những tác phẩm đầy chất thơ của Thạch Lam Gió đầu mùa, Dưới bóng hoàng lan. Đứa con đầu lòng, người đọc sẽ cảm nhận ở nơi đó nhiều tình cảm mới lạ, êm đềm tựa cánh bướm non . Tâm hồn của mọi người sẽ trở nên dạt dào,tràn trề cảm xúc. Họ càng thấy yêu hơn cặp trai gái trong truyện, mến hơn đôi vợ chồng trẻ và những đứa trẻ. Từ những tình cảm ấy, họ sẽ cảm thấy gần gũi, cảm thông nhau hơn.

Tóm lại, trong hầu hết các tác phẩm của nhà văn chân chính, trong đó có cả các nhà văn lãng mạn. Vì vậy, các tác phẩm của ông đều nhằm vào mục đích ấy. Đi theo con đường riêng của mình. Thạch Lam có thể tự hào vì ông đã đế lại một số lượng tác phẩm có giá trị, vừa đậm đà những tình cảm tha thiết vừa mang tính hiện thực khá sâu sắc. Với quan niệm ấy, ông không hẳn là một nhà văn lãng mạn nhưng cũng không phải là một nhà văn hiện thực phê phán. Các nhà văn lãng mạn không có những tác phẩm mà trong đó văn chương được sử dụng như là “ một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” để “tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác” các tác phẩm của họ thường đề cập đến tình yêu, đem sự giải phóng cá nhân, thảng hoặc có một vài nhà văn lãng mạn đi lệch sang một đề tài khác như Lan Khai với tác phẩm “Lẩm than” … Những cái đó cũng chỉ là sự vượt biên chút ít, sau đó rồi cũng quay về với đề tài cũ. Còn các nhà văn hiện thực phê phán thì chỉ dùng tác phẩm của minh để “tố cáo” cái xã hội “giả dối và tàn ác” là xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời chứ chưa có một hướng nào đó để thay đổi cái xã hội ấy tốt đẹp hơn lên.

Tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán thường có một kết thúc bế tắc, không có lối thoát. Đó chẳng qua do nhận thức chưa đến độ chín, có nghĩa là các nhà văn ấy chưa nhìn thấy rõ ràng tương lai, chưa hướng văn chương vào mục đích tốt đẹp, có hiệu quả nhất.

Nhưng nói thế nào cũng không có nghĩa là chỉ riêng một mình Thạch Lam quan niệm đúng về văn chương và nhìn thấy rõ được tương lai. Quan niệm về văn chương là văn chương phải “thay đổi” cái thế giới, chủ yếu do tính nhân đạo của ông. Ông không muốn nhìn thấy cái xã hội dối lừa, độc ác, bạo tàn. Do vậy ông luôn có ý muốn cho tác phẩm của mình, cho nhân vật của mình thoát ra những cái xấu xa để bươn tới sự tốt. Đây cũng là một suy nghĩ tốt đẹp của Thạch Lam. nhưng đâu phải dễ dàng một sớm một chiều thay đổi, ví như cái xã hội thực dân bạo tàn kia, sau này phải nhờ cách mạng mới có thể lật đổ và thay đổi được.

Quan niệm về văn chương của Thạch Lam là một quan niệm rất đúng đắn. Nó khái quát lại một số trong những tác dụng và giá trị đích thực của văn chương. Văn chương ngày nay cũng phải phát huy thật triệt để những chức năng của mình, đồng thời phải góp phần thay đổi xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *