Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

phan-tich-hinh-tuong-nguoi-linh-tay-tien-678

Phân tích vẻ đẹp hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Quang Dũng là nhà thơ, họa sĩ đa tài. Năm 1947, ông từng tham gia đoàn quân Tây Tiến, với vai trò là đại đội trưởng. Một năm sau rời xa đoàn quân, nhà thơ Nhớ lại viết nên Tây Tiến. Bài thơ viết năm 1948, ban đầu tên là Nhớ Tây Tiến sau đó đổi thành Tây Tiến. Đoạn thơ trên là đoạn thơ hay nhất của bài thơ, khắc họa đậm nét vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành .

Người lính Tây Tiến là những chàng trai Hà Nội lãng mạn, bay bổng. Bởi họ là những học sinh,  sinh viên vừa rời ghế nhà trường xung phong vào chiến trận

Ở bốn câu thơ đầu, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên oai hùng, lãng mạn, hào hoa:

+ Người lính Tây Tiến bị những cơn sốt chiếc hành hạ đến trọc tóc, da xanh. Qua bút pháp lãng mạn của Quang Dũng, họ hiện lên oai hùng, dữ tợn, không mang vẻ tiều tụy, ốm yếu. Đoàn binh với những người lính đầy khí phách, oai phong.
+ Quân xanh: do da xanh hay lá ngụy trang xanh rồi lên khí phách, Mang dáng vẻ dữ tợn của hổ, báo.
+ Người lính hiện lên rất lãng mạn, hào hoa, có lòng yêu nước nồng nàn, khát khao lập chiến công.
+ Ngày: dõi tầm mắt vượt biên giới mơ lập chiến công, tiêu diệt quân thù. Đêm: mơ về Hà Nội có người thân, người yêu.
+ Bút pháp lãng mạn tô đậm cái bình thường thành cái phi thường cao cả. Người lính hiện lên ốm nhưng không yếu, không  tiều tụy vẫn mang vẻ đẹp tâm hồn của người lính tiểu tư sản.

Ở bốn câu cuối, tác giả miêu tả về cái chết của người lính, về sự thiếu thốn nhưng câu thơ không gợi sự bi thương mà mang đậm tinh thần bi tráng:

+ Sử dụng lớp từ Hán Việt, nghệ thuật đảo ngữ khi nói về các ngôi mộ vô danh rải rác khắp biên cương.
+ Ca ngợi tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của người lính. Hai từ “chẳng tiếc” thể hiện sự chối bỏ dứt khoát.
+ Miêu tả cái chết của người lính một cách nhẹ nhàng thanh thản, ý nghĩa thiêng liêng. Cái chết đã trở thành bất tử.
+ “Anh về đất” trong cảnh thiếu thốn, một mảnh chiếu che thân nhưng tác giả đã đưa các anh trong những “áo bào”  sang trọng.
+ Nghệ thuật nói giảm nói tránh “anh về đất”; tiếng gầm của dòng sông như sự chia sẻ,đồng cảm của thiên nhiên “sông Mã gầm lên…”

Nhận xét:

– Vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên qua nỗi nhớ của nhà thơ. Đó là những người lính gặp nhiều khó khăn, bệnh tật hành hạ, hi sinh tính mạng nhưng họ vẫn mang vẻ đẹp của người lính tiểu tư sản: có lòng yêu nước nồng nàn, có tâm hồn lãng mạn, thanh lịch, hào hoa.
– Bút pháp lãng mạn kết hợp bút pháp hiện thực khi phác họa chân dung hình tượng người lính.
– Hình ảnh thơ, ngôn ngữ độc đáo, sáng tạo. Kết hợp nhiều biện pháp tu từ.

Khẳng định vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến và tình cảm của tác giả đối với họ.


Bài tham khảo:

Thi sĩ Bùi Giáng từng nhận định: “Thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát… nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được nhận định và tìm lời giải đáp”. Cái tài của Quang Dũng là sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực trần trụi và chất lãng mạn, bay bổng. Trong bài thơ Tây Tiến, cả khi nói về cái chết của người lính, ông cũng kí thác được ở trong đó nét hào hùng, lẫm liệt đậm chất bi tráng. Vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên giữa bao gian khổ thiếu thốn:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Giữa nền thiên nhiên khắc nghiệt, hình ảnh người lính hiện lên thật bi tráng. Quang Dũng đã dùng những hình ảnh rất hiện thực để tô đậm cái phi thường của người lính:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hai câu thơ mở đầu gợi lên vẻ đẹp bi tráng. Đầu tiên đó là cái bi thương gợi lên từ  ngoại hình của người lính ốm yếu, tiều tụy, đầu trọc, da dẻ xanh như màu lá. Đoàn quân trông thật kì dị: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”. Đó là nguyên do của những tháng ngày hành quân vất vả vì đói và khát, là dấu ấn của những trận sốt rét ác tính làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa như tàu lá.

Bên cạnh cái bi ta còn thấy cái Hào hùng: thủ pháp nghệ thuật đối lập  giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong đã làm nên khí chất mạnh mẽ trong tư thế của người lính. Cách nói “không mọc tóc” là để tả cái ngang tàng của người lính, lại như có nét đùa vui, hóm hỉnh: không cần tóc mọc. Điều đó cho thấy người lính Tây Tiến rất lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ.

Mặt khác cái hào hùng còn hiện lên qua cách dùng từ Hán Việt “Đoàn binh”. Chữ “đoàn binh” chứ không phải là “đoàn quân” đã gợi lên được sự mạnh mẽ lạ thường của sự hùng dũng. Kết hợp với  ba từ “dữ oai hùm” đã gợi lên dáng vẻ oai phong lẫm liệt, oai của chúa sơn lâm. Qua đó ta thấy người lính Tây Tiến vẫn mạnh mẽ làm chủ tình hình, làm chủ núi rừng, chế ngự mọi khắc nghiệt xung quanh, đạp bằng mọi gian khổ.

Bên cạnh chất bi hùng, đoạn thơ còn để lại dấu ấn lãng mạn của những chàng trai Hà Nội mang tâm hồn hào hoa:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Hai chữ “mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “mắt trừng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ thề sống chết với kẻ thù. Đôi mắt ấy “gửi mộng qua biên giới” – mộng giết giặc, mộng lập công, mộng hòa bình.

“Mắt trừng’ còn là đôi mắt có tình, đôi mắt “mộng mơ” thao thức nhớ về quê hương Hà Nội về một dáng “kiều thơm” về bóng hình của những người bạn gái Hà Nội, thanh lịch, yêu kiều, diễm lệ. Với ý nghĩa ấy ta thấy, người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng cầm gươm theo tiếng gọi của non sông mà còn rất hào hoa, giữa bao nhiêu gian khổ, thiếu thốn trái tim họ vẫn rung động, nhớ nhung về vẻ đẹp của Hà Nội. Có một thời người ta hiểu rằng câu thơ này mang mộng tiểu tư sản quá nhiều làm giảm đi chất chiến đấu. Nhưng thời gian đã chứng minh rằng đó là một vẻ đẹp của tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, hướng về Thủ đô. Hai câu tiếp theo ngời lên vẻ đẹp lí tưởng của thời đại: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Câu thơ “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” toàn từ Hán Việt gợi không khí cổ kính, gợi cái bi thương: “biên cương”, “viễn xứ” là nơi biên giới xa xôi, heo hút hoang lạnh. Cách dùng đảo ngữ mang hàm ý nhấn mạnh hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ nằm cô đơn rải rác ở chốn rừng hoang biên giới lạnh lẽo xa xôi, vắng lặng, không người hương khói. Câu thơ gợi lên cảm giác bị thương. Nhưng ngòi bút của Quang Dũng khi dựng lên tượng đài hình tượng người lính Tây Tiến không hề bị chìm đắng vào cảm xúc bi lụy.

Tham Khảo Thêm:  Cảm nghĩ về ước nguyện dâng hiến mùa xuân cuộc đời cho mùa xuân đất nước của Thanh Hải qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Nhà thơ nhìn thẳng vào sự khốc liệt của chiến tranh, miêu tả về cái chết, không né tránh hiện thực. Nhưng hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ  rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi đã bị mờ đi trước lý tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến.

Cảm hứng của tác giả mỗi khi chạm vào cái bị thương lại được nâng đỡ bằng đôi cánh của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy, sự hi sinh của người lính toát lên tinh thần bi tráng. Đau thương nhưng rất hào hùng. Các từ Hán Việt cổ kính trang nghiêm như “biên cương, viễn xứ” đã tạo ra âm hưởng thơ trang trọng khi nói về cái chết. Mặt khác, chính là cái bi thương ấy đã bị mờ đi trước lí tưởng hi sinh quên mình vì tổ quốc:

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.”

Đối lập với hiện thực chiến tranh khắc nghiệt gian khổ, người lính Tây Tiến vẫn chói ngời vẻ đẹp của tinh thần bất khuất. Bốn từ “chẳng tiếc đời xanh” vang lên khảng khái, vừa gợi vẻ phong trần đồng thời mang vẻ đẹp thời đại “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Câu thơ phản phất âm điệu thơ cổ, gợi lại hình ảnh chinh phu tráng sĩ thuở xưa, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng: “chí lớn chưa về bàn tay không”. Đó chính là tinh thần “nhất khứ bất phục hoàn”, một đi không trở lại nếu lý tưởng không thành.

Câu thơ khẳng định lý tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân, quên mình vì đất nước, đầy tinh thần trách nhiệm. “Chiến trường” là bom đạn khốc liệt là cái chết cận kề là dữ dội nguy nan. “Đời xanh” là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn. Thế nhưng người lính ở đây lại “chẳng tiếc” cho mình. Hình ảnh ấy không chỉ mang vẻ đẹp của người lính cụ Hồ mà còn phảng phất tinh thần chinh phu thuở trước. Đó cũng chính là lẽ sống của cả thế hệ thanh niên Việt Nam, trong quá khứ, như nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết.

Chúng tôi đã đi không hối tiếc đời mình
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc.

Thực tế trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, trong giây phút hi sinh, người lính Tây Tiến không có đến manh chiếu để khâm liệm, chỉ có thể bọc quần áo đơn sơ. Nhưng qua cái nhìn lãng mạn của Quang Dũng, người lính được khoát lên tấm áo bào sang trọng của dũng tướng ngày xưa: “áo bào thay chiếu anh về đất” . Hình ảnh “áo bào” thể hiện tình cảm trân trọng của tác giả và khắc sâu ý nghĩa thiêng liêng về sự hi sinh cao quý của đồng đội. Hai câu thơ cuối, Quang Dũng nói về sự hi sinh bi tráng của những người lính:

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính. Chiếc chiếu cói nhàu rách kia đã từng theo họ suốt chiến trường, là vật bất li thân cũng là tấm áo bào của lòng thành kính đưa những người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ nhẹ nhàng, thanh thản và bình yên. “Anh về đất” là hóa thân tạo dáng hình xứ sở. Đây là cách nói giảm, nói tránh đi cái chết làm câu thơ bi mà không lụy. Sự hi sinh của họ gợi liên tưởng đến những vần thơ xúc động của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặc đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Sự hi sinh lớn lao, thầm lặng ấy lay động cả đất trời, khiến cho dòng sông Mã phải gầm lên khúc độc hành như một lời vĩnh biệt những con người thân yêu của đất nước. Dòng sông được nhân hóa, tiếng gầm thét của dòng sông chính là âm hưởng vừa dữ dội vừa hào hùng của thiên nhiên tiễn biệt người lính về cõi vĩnh hằng. Linh hồn của các anh sẽ hòa quyện vào sông núi, trở thành hồn thiêng đất nước. Trong âm hưởng hùng tráng ấy sự hi sinh của người lính ấy Tây Tiến không hề bị lụy mà thấm đẫm tinh thần bi tráng, hào hùng và thiêng liêng.

Đoạn thơ được viết bằng thơ bảy chữ, kết hợp hài hòa giữa bút pháp thực hiện và lãng mạn. Tác giả sử dụng từ Hán Việt gợi âm hưởng cổ kính và kết hợp phép nhân hóa, nói giảm ngợi nhiều ý nghĩa. Giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ thứ ba là giọng thơ sang trọng, bi hùng thể hiện sự tiếc thương vô hạn và sự trân trọng kính cẩn của nhà thơ trước sự hi sinh của đồng đội. Đoạn thơ ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp hình tượng người lính, sẵn sàng hi sinh mình vì tổ quốc. Vẻ đẹp ấy không chỉ là vẻ đẹp riêng của người lính Tây Tiến mà còn là vẻ đẹp chung của hình tượng người lính trong cuộc trường chinh về quốc vĩ đại của dân tộc.


Bài tham khảo:

Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài với hồn thơ hồn hậu, lãng mạn và tài hoa. Tây Tiến là nét son đẹp nhất, tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ người nghệ sĩ ấy. Bài thơ là bức tranh vẽ lên từ những gam màu nỗi nhớ, là bức tranh hiện thực dữ dội, bi tráng mà không mất đi vẻ lãng mạn nên thơ về thiên nhiên Tây Bắc, là bức chân dung về người lính, đời lính trong những ngày chống Pháp đầu tiên. Tây Tiến còn là lời hẹn ước đi lên giành độc lập của những chàng trai trẻ quyết ra đi vì đồng bào, xứ sở. Nếu ở những khổ thơ đầu tiên, bức tranh về thiên nhiên, nỗi nhớ được tái hiện rõ nét, sinh động thì ở những lời thơ sau đây, bức tranh chân dung hình tượng người lính Tây Tiến hào hùng, hào hoa hiện ra đẹp vô cùng.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Tây Tiến là nét son đẹp nhất, tác phẩm tiêu biểu cho hồn thơ người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng. Bài thơ là bức tranh được vẽ lên từ những gam màu nỗi nhớ mà tâm điểm là hình ảnh người lính Tây Tiến hào hùng và hào hoa.

Trước hết, nhắc về Tây Tiến là nói tới đơn vị bộ đội được thành lập vào năm 1947 – những tháng ngày đầu chống Pháp của dân tộc ta – hoạt động dọc biên giới Việt – Lào, nơi núi rừng Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ. Tham gia vào đoàn quân ấy phần đông là sinh viên, học sinh đến từ thủ đô Hà Nội, và là cả Quang Dũng – người đại đội trưởng sát cánh, gắn bó cùng đoàn quân. Chính vì gắn bó, chính vì ngày đêm cùng bên nhau, cùng sinh hoạt, cùng chiến đấu mà Quang Dũng rất thấu hiểu về con người và cuộc đời người lính nơi ấy. Để rồi khi phải rời đến đơn vị khác, ông rất nhớ, rất nhớ. Nhớ về một “đoàn binh không mọc tóc” lừng lẫy một thời.

Tham Khảo Thêm:  Cảm nhận vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe qua 3 khổ thơ đầu Bài thơ về tiểu đội xe không kính.

Trong nỗi nhớ của mình, vẻ đẹp hình tượng người lính được Quang Dũng họa lên với nét bút tả thực trần trụi, gân guốc:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”

Hai tiếng Tây Tiến vang lên mở đầu ý thơ như một lời nhắc nhớ đích đến của nỗi nhớ trong lòng là Tây Tiến, đồng thời cũng ấn chứa niềm tự hào, kiêu hãnh tha thiết. Cụm từ không mọc tóc đã nói lên sự thật bi thương về một thời kì kháng chiến đầy gian truân, vất vả. Những người lính của ta phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Họ trải qua cái đói, cái rét lạnh cắt thịt cắt da của nơi rừng thiêng nước độc hoang sơ, khắc nghiệt. Họ phải chịu đựng cả sự đau đớn về cả thể xác và tinh thần từ những con sốt rét rừng, bệnh tật.

Cụm từ “quân xanh màu lá” cũng nhấn mạnh sự trần trụi của hiện thực ấy khi nhà thơ nói về màu xanh áo lính hay chính là nói về cái xanh xao vàng vọt của nước da các anh. Trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả cơm chẳng ăn no, thuốc chia nhau từng chút, những cơn sốt rét nghiệt ngã này đã cướp đi bao sinh mệnh của những người lính nơi đây. Đó là một sự thật trong hiện thực tàn khốc của chiến tranh, và nó không chỉ xuất hiện trong thơ Quang Dũng mà còn từng được Chính Hữu và Tố Hữu nói đến:

“Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”

(Đồng Chí – Chính Hữu)

“Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!”

(Cá nước – Tố Hữu)

Thế nhưng, chính cái khó khăn của hoàn cảnh, chính sự tác động của ngoại cảnh ấy càng khiến vẻ đẹp hình tượng người lính thêm sáng ngời. Họ là đoàn binh ốm nhưng không yếu. Họ đem theo sức mạnh của cả một binh đoàn mà vững vàng tiến bước. Thay vì một cách nói bình thường, Quang Dũng sử dụng cách diễn đạt không mọc tóc vừa mang ý nghĩa phủ định vừa mang hàm nghĩa khẳng định song hành – vừa nói tới việc tóc không thể mọc do bệnh tật vừa như thể hiện sự chủ động của các anh khi lựa chọn dáng vẻ bên ngoài ấy của mình.

Cách đảo trật tự từ như vậy đã truyền tải được chất lính ngang tàn, kiêu hùng, coi thường gian khổ của người lính Tây Tiến. Nhà thơ cũng chọn hình ảnh dữ oai hùm, với “hùm”– chúa tể rừng xanh – để nói về người lính Tây Tiến. Bệnh tật là thế, thiếu thốn là thế nhưng các anh vẫn giữ được thế chủ động, vẻ oai phong lẫm liệt mà tiến bước hành quân, bảo vệ núi non, nước nhà, dân tộc. Sự đối lập trong cách miêu tả của nhà thơ Quang Dũng đã rất thành công làm sáng bừng lên vẻ đẹp hào hùng của người lính Tây Tiến, đồng thời làm cho cái “bi” của hiện thực lan tỏa ra rõ nét cả trước mắt, cả trong lòng người đọc.

Không dừng lại ở đó, Quang Dũng cũng họa lên một bức tranh về người lính với khát vọng chiến đấu, lí tưởng cống hiến cao đẹp:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”.

“Mắt trừng” là cách nói cực tả khắc họa ý chí chiến đấu và khát vọng chiến thắng, khát vọng gửi trong mộng chiến trường cao đẹp của những người trai thời loạn. Gói ghém những khát vọng ấy gửi vào cái mắt trừng như gửi về tương lai tươi đẹp hơn, một tương lai sạch bóng quân thù các anh sẽ trở về. Tại đây, cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng đan xen với nét bút tả thực quen thuộc đã tạo nên bức tranh hài hòa mang theo giấc mộng, ý chí, lí tưởng cao đẹp của người lính. Ngay trong tiềm thức, các anh biết mình là ai và biết rất rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với quê hương dân tộc.

Những người lính Tây Tiến, những chàng trai đất Hà thành, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc để chiến đấu và hiến dâng, hành trang họ mang theo không chỉ là vẻ ngoài gân guốc, oai hùm mà còn là một tâm hồn lãng mạn, sự trẻ trung và nhiệt huyết. Rời xa quê nhà để đến với một miền Tây Bắc xa xôi đầy bí ẩn, lạ lẫm, hiểm nguy, họ nhớ, một nỗi nhớ lãng mạn dịu dàng:

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Câu thơ là sự lắng dịu của tâm hồn, là phút giây người lính Tây Tiến nhớ về Hà Nội bên cạnh cái gian khổ của lội suối băng rừng. Bên cạnh tinh thần sục sôi chiến đấu vẫn có một khoảng trời của tâm tư, của cõi mộng. Khác với những người lính có xuất thân từ nơi nước mặn, đồng chua trong thơ Chính Hữu, người lính Tây Tiến trong vần thơ Quang Dũng là những học sinh, sinh viên thủ đô, ra đi với tất cả tuổi trẻ, nhiệt huyết của thanh xuân nên các anh nhớ về Hà Nội, nhớ về dáng kiều thơm.

Mơ Hà Nội là nỗi nhớ gửi về mảnh đất đã tiễn bước các anh lên đường, cũng là phần tâm hồn thẳm sâu, là nhịp đập trái tim. Vì nơi ấy, các anh ra đi và đó cũng là nơi chào đón, mong đợi bước chân chiến thắng của các anh trở về. Ở nơi ấy còn có hình bóng của những thiếu nữ đất Hà Thành, những dáng kiều thơm. Lời thơ mênh mang nỗi nhớ về một Hà Nội thanh lịch và hào hoa với những bóng hình giai nhân thướt tha, yêu kiều. Quang Dũng khắc họa nỗi nhớ ấy của các anh chân thật, nhẹ nhàng.

Như vậy, những người lính vừa có một tinh thần thép, một ý chí kiên cường vừa có một trái tim dạt dào cảm xúc. Những anh lính Tây Tiến ra đi mang theo phong thái hào hoa của người trí thức, họ đến Tây Tiến với cả trách nhiệm công dân và bằng cả hành trang sách vở. Cho nên giấc mơ, mộng ước của họ vẫn thơm mùi sách vở học trò, dịu dàng, lãng mạn.

Không chỉ là hào hùng và hào hoa, hình tượng người lính trong Tây Tiến cũng phảng phất bóng dáng của những anh hùng chinh phu, tráng sĩ của văn học thủa trước. Tuy nhiên, đặc biệt hơn, ở họ còn lấp lánh nét hào hoa lãng mạn, lung linh vẻ đẹp phi tráng thấm đẫm chất anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

Trong hai câu thơ, những từ Hán Việt biên cương, viễn xứ gợi lên một không gian xa xôi, đó là vùng biên giới nước nhà, là con đường hành quân mà người lính đang từng ngày trải qua. Những từ Hán – Việt ấy tạo nên không khí trang trọng để nói về sự hi sinh của các anh. Từ tượng hình rải rác gợi sự thưa thớt, ít ỏi, được đảo lên đầu câu càng nhấn mạnh cái chết đau thương của người lính. Câu thơ tuy nói về sự hi sinh, mất mát nhưng lại chẳng hề bi lụy mà vẫn ngời lên vẻ tráng lệ, mang dáng dấp của tráng sĩ thời xưa trong văn học cổ.

Tham Khảo Thêm:  Tính điển hình của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Khi miêu tả về người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không nhấn chìm người đọc vào sự đau thương, bi lụy. Đôi cánh của lí tưởng, đôi cánh của sự lãng mạn đã nâng đỡ. Chính vì vậy, những nấm mồ nằm rải rác nơi rừng hoang, biên giới xa xôi kia như phần nào được dịu vợi đi nỗi đau trước ánh sáng rực rỡ, bỏng cháy của lí tưởng quên mình vì tổ quốc của các anh.

Những người lính ấy đối mặt với mồ viễn xứ nhưng sự hi sinh mất mát đó không thể ngăn được ý chí các anh. Dẫu rằng họ biết sẽ hi si, sẽ gian khổ trăm bề nhưng vẫn cứ ra đi, ra đi để đổi lấy độc lập dân tộc, để dành lại hạnh phúc cho quê hương, cho hậu phương thương mến: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Câu thơ vang lên một triết lí sống của tuổi trẻ, giọng thơ mạnh mẽ, dứt khoát, vừa phảng phất chí khí người anh hùng tráng sĩ thủa xưa vừa thể hiện lí tưởng cao đẹp của thời đại Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những người lính Tây Tiến với tư thế chủ động luôn sẵn sàng ra đi mà không hề do dự, tính toan. Họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, vì độc lập tự do dan tộc, học chẳng tiếc đời xanh.

Nếu như trong thơ xưa thường mượn hình ảnh mái đầu xanh để nói về tuổi trẻ thì Quang Dũng lại sáng tạo ra hình ảnh đời xanh để lại ấn tượng lớn trong lòng người đọc. Hình ảnh ấy tượng trưng cho tuổi trẻ, tuổi thanh xuân quý giá trong đời người. Đó là những năm tháng đẹp đẽ nhất của mỗi đời người với biết bao hoài bão, dự định cho tương lai. Tố Hữu cũng từng viết:

“Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!”

Vậy mà người lính ra đi không hề băn khoăn hay do dự đắn đo. Nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng cách nói phủ định chẳng tiếc để khẳng định dứt khoát, quyết liệt tinh thần sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc thân yêu của các anh. Thái độ của người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp, họ coi độc lập tự do của Tổ quốc lớn hơn cả sinh mạng bản thân mình. Quả thực Không gì quý hơn độc lập tự do, không gì cao quý hơn tình yêu Tổ quốc. Điều này khiến ta gợi nhớ về hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc năm xưa:

“Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc sức ra tay bộ hổ”

Câu thơ cũng gợi ta nhớ đến những âm vang hào sảng của một thời. Đó là lí tưởng sống đẹp của tuổi trẻ, sẵn sàng hiến dâng tất cả cho quê hương, đất nước:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc”

(Thanh Thảo)

Những người lính Tây Tiến ra đi với nguyện ước xả thân vì Tổ Quốc, họ coi nhẹ cái chết, hi sinh. Vì thế, người lính Tây Tiến không chỉ hào hùng trong tư thế chiến đấu mà ngay cả khi ngã xuống, họ cũng là ngã xuống trong tư thế hào hùng, vinh quang.

“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Nếu người lính khi xưa ra trận có da ngựa bọc thấy, chiếc áo bào ôm xác lúc hi sinh thì ở đây, người lính Tây Tiến với cuộc sống vốn thiếu thốn đủ bề. Vậy nên khi nằm xuống, có khi họ không có lấy cả tấm chiếu bọc thân. Đồng đội đành đưa họ về đất mẹ với tấm áo lính đã bạc màu sương gió, chiếc áo đã từng thấm đẫm mồ hôi và giờ đây thấm đẫm cả máu các anh và nước mắt đồng đội. Đây là sự bi thương của người lính Tây Tiến nói riêng, người lính trong kháng chiến hống Pháp nói chung. Viết về sự ra đi ấy cũng đã có nhiều câu thơ đau lfng, xót xa:

“Ở đây không gỗ ván
Niệm anh bằng tấm chăn
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán”

(Viếng bạn – Hoàng Lộc)

Thế nhưng, qua ngòi bút của Quang Dũng, nó đã trở thành tấm chiến bào sang trọng, bọc lấy thi thể người đã khuất. Điều đó gợi lên sắc thái cổ kính, sang trọng trước sự hi sinh, đồng thời làm nhẹ đi sự đau thương của hiện thực tàn nhẫn.

Bằng cách nói giảm nói tránh anh về đất, nhà thơ như xoa dịu nỗi đau thương, mất mát trước sự ra đi của các anh, đồng thời cũng khẳng định sự bất tử của người lính đã hi sinh. Linh hồn họ được về với đất mẹ và trường tồn mãi với núi sông. Đất mẹ mở rộng vòng tay đón lấy anh khi anh hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ với núi sông, bờ cõi nước nhà. Đó không còn đơn thuần là cái chết mà nó trở thành sự hóa thân vào đất nước của các anh. Tinh thần tự nguyện hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc, sự hi sinh thầm lặng nhưng vĩ đại đã làm nên chất sử thi hùng tráng cho thi phẩm và dựng lên một tượng đài bất tử về người chiến sĩ.

Trên hành trình vào cõi bất tử, bên những người lính ấy có dòng sông Mã mang nặng nghĩa tình, tấu lên khúc nhạc bi hùng đưa tiễn họ:

“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Sự mất mát, hi sinh đó không chỉ để lại sự tiếc thương cho những con người còn sống mà còn như khiến cho cả thiên nhiên đất trời muôn phần xót xa. Câu thơ như mang linh hồn của núi rừng Tây Bắc để tiễn biệt các anh. Dòng sông Mã ấy gắn bó, kề bên từ khi các anh hành quân cho đến khi các anh chiến đấu và ngã xuống, dòng sông ấy đã chứng kiến tất cả vui buồn, kỉ niệm thân thương, để rồi giờ đây nó như tấu lên mãi khúc nhạc trầm, hùng để tiễn đưa linh hồn các anh về cõi vĩnh hằng bất tử, về với đất mẹ nghĩa tình. Khúc gầm ấy như chứa đựng nỗi xót xa của cả những người đồng đội, những người ở hậu phương và là cả sự đau thương, mất mát của núi rừng, Tổ quốc.

Khổ thơ khép lại, người lính Tây Tiến ra đi trong dư vang gầm thét của dòng sông Mã, tiếng gầm thét ấy sẽ mãi ngân vang thấm sâu vào lòng của người đọc. Như vậy, với bút pháp lãng mạn và hiện thực đan xen nhuần nhuyễn, linh hoạt, hài hòa cùng thể thơ bảy chữ, ngôn ngữ tài hoa giàu liên tưởng…, Quang Dũng đã xây dựng thành công một tượng đài bất tử bằng thơ về hình tượng người lính Tây Tiến nói riêng và người lính trong kháng chiến chống Pháp nói chung. Những người lính ấy hiện lên với vẻ đẹp vừa hào hùng, vừa hào hoa, vừa lãng mạn vừa bi tráng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc, để rồi đã qua gần bảy thập kỉ mà bài thơ vẫn luôn là tác phẩm thơ tiêu biểu cho giai đoạn kháng chiến chống Pháp của nền văn học dân tộc. Quả thực Tây Tiến là tượng đài bất tử của người lính vô danh.

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *