Chứng minh: “Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim”.

van-hoc-xet-den-cung-la-cau-chuyen-cua-trai-tim

Chứng minh: “Văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim”.

1. Giải thích:

– Trước hết văn học là “câu chuyện của trái tim” người nghệ sĩ: Nhận xét muốn khẳng định, tác phẩm văn học xét cho đến cùng là những rung động, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước con người, trước cuộc sống, khiến tác giả phải nhấc bút và sáng tác nên tác phẩm đó.

– Văn học là “câu chuyện của trái tim” làm lay động người đọc: Đồng thời nhận định này cũng khẳng định, văn học sáng tạo ra phải lay thức trái tim người đọc, khiến người đọc rung động, hướng con người đến cái đích của chân – thiện – mĩ.

Như vậy, một tác phẩm văn học vừa là sự lay động đến trái tim người sáng tác, vừa khiến người đọc hướng đến những giá trị nhân văn cao cả.

2. Bàn luận:

– Văn chương bao giờ cũng phải bắt nguồn từ cuộc sống. Tác phẩm văn học là tấm gương soi chiếu hiện thực cuộc sống nhưng phải qua lăng kính chủ quan của nhà văn. Chính vì vậy, hiện thực trong tác phẩm còn thực hơn hiện thực ngoài đời sống vì nó đã được nhào nặn qua bàn tay nghệ thuật của người nghệ sĩ, được thổi vào đó không chỉ hơi thở của thời đại mà cả sức sống tư tưởng và tâm hồn người viết. Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà văn. Bởi đó là nơi để nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời.

– Dưới mỗi con chữ sáng tạo của nhà văn là biết bao xúc động, biết bao tình yêu cũng như nỗi đau đời trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Bởi suy cho cùng, dù là viết về đề tài gì, nói về vấn đề gì, thì tác phẩm luôn thể hiện rõ quan điểm, thái độ của nhà văn trước cuộc sống. Bởi cái đích hướng tới của văn chương đâu chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực mà qua phản ánh hiện thực, nhà văn đều gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người.

– Khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo của mình, nỗ lực tận hiến hết sức mình với khao khát cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nhà văn không chỉ hướng tâm hồn con người đến chân, thiện, mỹ mà còn giúp con người đào luyện mình ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng nhân ái và tốt đẹp hơn.

– Một tác phẩm có giá trị hiện thực baọ giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống. Hay nói cách khác, văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống. Hơn thế nữa, văn học xét đến cùng là câu chuyện của trái tim. Chính cuốn sách ấy đã thể hiện một cách tinh tế và sắc sảo từng đổi thay, từng bước vận động của xã hội. Nó tựa như “chiếc chìa khoá vàng mở ra muôn cánh cửa bí ẩn, đưa con người tới ngưỡng cửa mới của sự hiểu biết thế giới xung quanh”. Văn học là câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên.

– Bên cạnh việc chuyển tải nội dung thẩm mĩ, tác phẩm nghệ thuật còn tác động đến nhận thức của con người, đánh thức những tình cảm, cảm xúc, bản năng của con người, khơi dậy sức sống và niềm tin yêu, hi vọng vào thế giới ấy. Trên hành trình kiếm tìm, vươn tới nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ lại tìm cho mình một định nghĩa, một chuẩn mực để đánh giá văn chương, nghệ thuật. Giá trị cao nhất của văn chương là vì con người: Văn học là nhân học (M.Goorky). Thạch Lamcoi văn chương nghệ thuật là “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú thêm”. Còn Nam Cao lại cho rằng: “Một tác phẩm thật có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn.” 

– Tất cả những quan điểm các nhà nghệ sĩ đã giúp cho chúng ta nhận ra văn học là một yêu cầu thiết yếu, một nhu cầu không thể thiếu của con. người. Ta tự hỏi con người sẽ sống như thế nào nếu mai kia chẳng còn văn chương? Có lẽ tâm hồn con người sẽ khô cằn, chai sạn lắm bởi văn chương cho ta được là CON NGƯỜI với hai chữ viết hoa, với đầy đủ những ý nghĩa cao đẹp. “Văn chương giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật”. Văn chương nâng con người lớn dậy, thanh lọc tâm hồn con người. Bởi vậy, hành trình đến với văn chương là hành trình kiếm tìm, vươn tới. “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”. Xét đến cùng, hành trình của một tác phẩm văn chương là hướng con người đến con đường CHÂN – THIỆN – MĨ.

Tham Khảo Thêm:  ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN NGỮ VĂN. NLXH: Biết nói lời xin lỗi. NLVH: Vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)

3. Chứng minh.

a. Câu chuyện trái tim trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”.

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm

“Chiếc lược ngà” được sáng tác năm 1966 ở chiến trường Nam Bộ, tác phẩm là câu chuyện phụ tử xúc động lòng người.

* Trước hết tác phẩm là câu chuyện xúc động về tình yêu thương của bé Thu dành cho ông Sáu.

– Là cô bé sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên trong suốt 8 năm trời cô bé không được gặp ba. Cô chỉ biết mặt ba qua 1 tấm ảnh ba chụp chung với má.

– Những tưởng ngày đoàn viên sau 8 năm xa cách phải đầy mừng tủi, hạnh phúc nhưng cô bé lại thể hiện 1 thái độ khác thường: cô bé ngạc nhiên, hoảng sợ, mặt tái đi, bỏ chạy, cầu cứu má; Những ngày sau đó dù ông dành hết thời gian bên con, yêu thương, chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, xa lánh thậm chí bướng bỉnh, ngang ngạnh cự tuyệt ông:

– Miêu tả thái độ, hành động khác thường của con bé, tác giả đã:

+ Tái hiện được hoành cảnh éo le của chiến tranh.

+ Cho thấy bé Thu hồn nhiên nhưng cũng bướng bỉnh, cá tính. Cô không nhận ông Sáu là ba vì trên mặt ông có vết sẹo, không giống với người ba của cô bé trên tấm hình suốt 8 năm nay.

+ Đặc biệt, cách chối từ tình cảm của ông Sáu chính là cách bé Thu thể hiện tình yêu thương thắm thiết giành cho cha mình.

– Sau khi nghe bà ngoại giải thích, bé Thu đã trở về nhà trong sáng ngày ông Sáu lên đường về đơn vị. Con bé đã thay đổi hoàn toàn thái độ trong sự ngỡ ngàng của ông Sáu và mọi người.

+ Nó cau có, bướng bỉnh mà buồn rầu và nghĩ ngợi sâu xa.

+ Khi bắt gặp cái nhìn trìu mến, buồn bã của ba đôi mắt nó bỗng xôn xao. Đó là cái xôn xao của sự đồng cảm. Bé Thu nhận ra những tiếc nuối, xót xa, yêu thương trong ánh mắt của ba mình.

+ Đến giây phút cuối cùng, khi ông Sáu cất lời từ biệt con bé mới cất lên tiếng gọi ba xé lòng. Trong khoảnh khắc, mọi khoảng cách với ba bị xóa bỏ. Cô bé không dấu diếm sự gắn bó và tình cảm của mình dành cho ba -> khiến mọi người xúc động.

Tham Khảo Thêm:  So sánh vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải) và đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)

→ Miêu tả biến đổi tình cảm của bé Thu, tác giả đã 1 lần nữa tô đậm tình yêu ba tha thiết. Khi lạnh nhạt cũng như khi quấn quýt, bé Thu đều hướng đến ba mình. Qua đó, ta thấy bé Thu gan góc, bướng bỉnh nhưng rất giàu tình cảm và dễ xúc động.

* Tình cảm ông Sáu dành cho bé Thu:

– Xúc động mãnh liệt trong khoảnh khắc gặp lại con sau 8 năm xa cách: Vội vàng, hấp tấp nhảy lên bờ gọi con; Đưa tay đón con; Bước những bước dài tới bên con; Khuôn mặt biến đổi vì nỗi xúc động.

– Đau đớn vì bé Thu không đáp lại tình cảm của ông mà sợ hãi bỏ chạy: Sầm mặt lại; Đứng sững lại; Hai tay buông thõng như bị gãy

Đau khổ, bất lực vì không biết làm thế nào để san bằng khoảng cách của không gian, thời gian.

– Suốt 3 ngày phép ông Sáu làm mọi cách để bé Thu thay đổi: Ông không đi đâu, chỉ quanh quẩn bên con; Ông không giân con mà chỉ khe khẽ lắc đầu, cười trước sự bướng bỉnh, xa lánh của con. Thậm chí khi con bé chối từ sự chăm sóc của ông, ông đã đau đớn không giữ được bình tĩnh mà trách phạt con.

Ông đã kiên nhẫn, dịu dàng, bao dung rất mực đối với con mình.

– Khi chia tay, ông bộc lộ tình yêu con sâu nặng. Anh không dám lại gần con, chỉ nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, buồn rầu. Khi bé Thu nhận ra mình, nước mắt ông lăn dài cùng lời hứa trở về cùng chiếc lược ngà cho con đã gói trọn tình cảm yêu thương, gắn bó sâu sắc, mãnh liệt mà ông dành cho con.

Tình yêu con của ông Sáu đã chiến thắng mọi khoảng cách của sự biệt li. Tình cảm ấy luôn vẹn nguyên, ấm áp và tràn đầy.

– Khi trở lại chiến trường ông luôn cảm thấy ân hận, khổ tâm vì đã đánh con. Không quên lời hứa với con. Ông hiểu mơ ước ngây thơ của con. Cô bé muốn có 1 vật dụng để luôn nhớ về cha.

– Thậm chí, cái chết cũng không cướp đi được tình yêu thương con của ông Sáu.

+ Vết thương nặng trong một trận càn khiến ông kiệt sức, không trăng trối được điều gì nhưng ông vẫn dồn hết tàn lực móc cây lược trao cho đồng đội và gửi gắm đồng đội mình qua ánh mắt.

+ Cây lược ấy đã được trao lại cho bé Thu. Tình cha con đã không chết, nâng đỡ cô bé trưởng thành, vượt lên mọi đau thương mất mát.

Ông Sáu là biểu tượng cho tình yêu thương, sự ân cần và che chở của người cha dành cho con mình. Qua đó ta thấy được sự bất tử của tình cảm cha con.

* Nhận xét:

– Với tình cha con chân thành, tha thiết của ông Sáu và bé Thu đã tác động sâu sắc vào tâm khảm của người đọc. Để họ thấy được rằng trong cuộc sống này không có thứ tình cảm nào thiêng liêng và cao cả như tình cha con.

– Đồng thời qua tác phẩm cũng giúp người đọc nhận ra, chiến tranh có thể cướp đi nhiều thứ nhưng không bao giờ có thể cướp đi tình phụ tử thiêng liêng.

b. Mùa xuân nho nhỏ

– Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm.

– Mùa xuân nho nhỏ được viết 1 tháng trước khi Thanh Hải qua đời. Qua thời điểm sáng tác, có thể thấy Thanh Hải là người có tình yêu cuộc sống tha thiết, mãnh liệt và chính tình yêu cuộc sống đó đã khiến ông viết nên tác phẩm tràn đầy cảm xúc.

* Trái tim yêu cuộc sống mãnh liệt giúp ông cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp mùa xuân của thiên nhiên, đất nước

– Bài thơ được mở ra bằng khung cảnh thiên nhiên tươi sáng và tràn đầy sức sống:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Hót chi mà vang trời”

+ Các hình ảnh “dòng sông” “bông hoa” “bầu trời” “chim chiền chiện” thật bình dị và gợi cảm, đã tái hiện một không gian cao rộng của mùa xuân với những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế.

Tham Khảo Thêm:  Phân tích sự thấu hiểu lẽ đời của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Từ đó, nhận xét quan điểm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu thời kì đổi mới.

+ Màu sắc: “sông xanh”, “hoa tím biếc” rất hài hòa, tươi sáng. Dòng sông xanh đã trở thành cái nền cho sắc tím của hoa, làm nổi bật vẻ đẹp sống động của mùa xuân.

+ Âm thanh: tiếng chim chiền chiện: là tín hiệu của một buổi sớm mùa xuân trong trẻo, mát lành; gợi không gian cao rộng của bầu trời tươi sáng, ấm áp; gợi liên tưởng đến những không đầy ắp màu xanh của một khu vườn quê với những vòm cây xanh mát hay một cánh đồng rộng lớn.

Chỉ bằng vài nét phác, tác giả đã vẽ ra được khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp, đủ đầy hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ứ đầy sức sống và đậm đà nét Huế.

– Nhà thơ khám phá, ca ngợi vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:

+ Hệ thống điệp từ “mùa xuân”, “lộc”: gợi quang cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống của chồi non lộc biếc; gợi những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước.

+ Hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng”: được liệt kê để vẽ lên hình ảnh đất nước tưng bừng, nhộn nhịp với hàng vạn con người đang góp sức mình cho mùa xuân của dân tộc.

– Từ đó, thi nhân bày tỏ niềm tự hào về quê hương, đất nước và niềm tin vào tương lai:

“Đất nước …

… phía trước”

+ Tính từ “vất vả”, “gian lao”: đúc kết quá khứ, lịch sử dân tộc đầy đau thương, mất mát song cũng rất đáng tự hào. Đó là 4 ngàn năm dựng và giữ nước gian khổ mà hào hùng của cha ông ta.

Đoạn thơ bộc lộ lòng biết ơn, tự hào, kiêu hãnh với các thế hệ đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước.

* Khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ:

– Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ khát vọng sống cao quý:

“Ta làm…

… xao xuyến”

+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê → giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.

+ Các hình ảnh “con chim hót”, “một cành hoa”, “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.

Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

– Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả”

“Một mùa xuân…

… khi tóc bạc”

+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.

+ Điệp từ “dù là” cùng hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.

* Nhận xét

– Bài thơ là niềm xúc động chân thành, mãnh liệt của tác giả trước mùa xuân đất nước và thiên nhiên. Cho thấy tình yêu tha thiết với cuộc đời của Thanh Hải. Đồng thời với những nguyện ước chân thành của ông ở cuối tác phẩm càng khẳng định rõ hơn lẽ sống cao đẹp, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.

– Với lẽ sống cao quý ấy của Thanh Hải đã khiến người đọc phải suy nghĩ về chính bản thân mình, cần hình thành cho mình một lẽ sống cao quý. Luôn luôn cống hiến cho đất nước, để xây dựng tổ quốc giàu mạnh.

Nghị luận: “Cái đẹp mà văn học mang lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật”.

Related Posts

Nghị luận: Cái mất đáng tiếc là thời gian. Cái mất đáng lo là cơ hội. Cái mất đáng buồn là niềm tin. Cái mất đáng sợ là tình người

Mất mát đáng tiếc là thời gian. Lo lắng mất mát là cơ hội. Một mất mát đáng buồn là niềm tin. Mất mát ghê gớm là…

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát.

Vẻ đẹp phong cách nhà Nho trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ và Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát….

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh.

Những lỗi thường bị trừ điểm trong bài làm văn của học sinh. I. Những lỗi thường gặp trong bài làm văn của học sinh. 1. Lỗi…

Những lưu ý khi tiến hành làm bài văn nghị luận.

Những lưu ý khi viết luận văn. 1. Trước khi lên lớp học sinh phải phân tích đề. – Chỉ định định dạng tiêu đề. – Xác…

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề.

Cách làm bài văn nghị luận văn học không bị lạc đề. A. Mở đầu. Trong khi làm bài văn nghị luận về tác phẩm văn học,…

Nghị luận: Thơ ca là cái đẹp đi tìm

tranh luận: thơ là vẻ đẹp được tìm kiếm. Một chuyên gia thẩm mỹ cho biết: Tất cả các thể chế chính trị đều qua đi, chỉ…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *